Đồng Nai: Hàng trăm hộ phải sống chung với ô nhiễm từ mỏ đá

Google News

Hàng trăm hộ dân ở hai bên đường Tỉnh lộ 768, đoạn qua địa bàn xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu nhiều năm qua phải bất lực sống chung với ô nhiễm, bụi từ mỏ đá.

Phản ánh tới Báo Tri thức và Cuộc sống, nhiều hộ dân sống hai bên đường Tỉnh lộ 768, và đường Đoàn Văn Cự thuộc địa bàn xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết: Nhiều năm qua, người dân ở đây phải sống chung với bụi do quá trình khai thác đá và vận chuyển nguyên vật liệu từ các mỏ đá trên địa bàn gây ra.

Theo người dân nơi đây, nhiều người đã bị các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là trẻ em, người già. Người dân cũng bức xúc vì nhà cửa lúc nào cũng bị bụi bám đầy, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Dong Nai: Hang tram ho phai song chung voi o nhiem tu mo da
 Bụi mịt mù trên cả tuyến đường mỗi khi có phương tiện chạy qua. Ảnh: Nguyễn Thanh

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, lãnh đạo xã Thiện Tân cho biết: "Vấn đề ô nhiễm môi trường này, địa phương đã nhiều lần tiếp nhận ý kiến từ người dân và cũng đã kiến nghị đến các đơn vị liên quan để xử lý, nhưng vẫn chưa khắc phục hết được".

Ngày 5/4 vừa qua, UBND huyện Vĩnh Cửu đã tổ chức buổi làm việc tại UBND xã Thiện Tân với sự tham gia của lãnh đạo UBND huyện cùng các phòng ban và 11 đơn vị khai thác khoáng sản, hoạt động trung chuyển; 23 doanh nghiệp kinh doanh bến thủy nội địa, cảng và cảng thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn xã Thiện Tân để thảo luận phương pháp, có hướng xử lý đối với việc ô nhiễm môi trường do khai thác, vận chuyển tài nguyên trên địa bàn gây ra. 

 Sau buổi làm việc trên, ngày 8/4 UBND huyện Vĩnh Cửu đã có Thông báo số 369/TB-UBND truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quang Phương như sau:

Công tác đảm bảo vệ sinh, môi trường trên địa bàn xã Thiện Tân được chia làm 3 cụm.  Cụm số 1 thuộc Khu vực ấp Ông Hường, đường Tân Hiền do HTX Bình Thạch chịu trách nhiệm duy trì công tác vệ sinh môi trường. Riêng Cụm số 2 và 3 gồm Tỉnh lộ 768, khu vực Đồi Chùa, ấp Vàm, đường Đoàn Văn Cừ giao cho các đơn vị khai thác khoáng sản, và các doanh nghiệp kinh doanh bến thủy nội địa cùng đóng góp kinh phí, thuê đơn vị có chức năng để quét, rửa đường, làm sạch mặt đường để bảo vệ môi trường cho người dân.

Dong Nai: Hang tram ho phai song chung voi o nhiem tu mo da-Hinh-2
 Người đàn ông trong ảnh xịt, rửa đường trước nhà mình nhiều lần trong ngày. Ảnh: Nguyễn Thanh

Ngoài ra, để đảm bảo tính công bằng trong việc đóng góp kinh phí, UBND huyện Vĩnh Cửu yêu cầu: "Các mỏ khai thác đá cung cấp sản lượng khai thác đá trong 2 năm gần đây, cung cấp số liệu về phương tiện vận chuyển, biển số xe lưu thông của đơn vị mình và số liệu thuê của đơn vị dịch vụ giao thông vận tải. Các bến thủy nội địa cung cấp số liệu về số lượng chuyến trung chuyển vật liệu xây dựng vào bến của mình trung bình mỗi tháng là bao nhiêu chuyến; số lượng xe vận chuyển thuộc sở hữu của bến thủy nội địa, số lượng xe vận chuyển thuê của đơn vị vận tải và số lượng xe của khách hàng vào mua đá tại bến thủy nội địa. Sau khi có số liệu cụ thể, UBND xã Thiện Tân phối hợp cùng Phòng TNMT huyện Vĩnh Cửu tiến hành lập dự toán, sau đó UBND  huyện sẽ tố chức buổi làm việc tiếp theo".

Dong Nai: Hang tram ho phai song chung voi o nhiem tu mo da-Hinh-3
 Người dân phải dùng tấm nhựa để ngăn bụi. Ảnh: Nguyễn Thanh

Được biết, tại Đồng Nai, ngoài khu vực tập trung nhiều mỏ đá khai thác tài nguyên hiện nay là phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) thì địa bàn xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) là địa phương có rất nhiều mỏ đá đang hoạt động khai thác.

Để vận chuyển khoáng sản là đất, đá từ mỏ khai thác xuống các bến thủy nội địa, cũng như vận chuyển đến các địa điểm khác để phục vụ cho công trình, mỗi ngày, tuyến đường này có hàng trăm lượt xe ben lưu thông. Trong quá trình vận chuyển, đất đá từ xe ben rơi vãi xuống đường đã gây ra tình trạng ô nhiễm kéo dài.

Chia sẻ với phóng viên, một người dân sống ở đây cho biết: “Phải có cách làm sao để hút hết bụi, cát sỏi rơi trên đường thì mới giảm phần nào ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, sinh hoạt người dân. Chứ các công ty khai thác đá cứ cho xe chạy qua tưới chút nước, rồi chừng mười phút sau là khô, bụi bay mù trời, nhất là đang đỉnh điểm mùa khô thì việc tưới cũng vô ích. Việc tưới này chỉ để đối phó với cơ quan chức năng và người dân cho có thôi”.

Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục phản ảnh về vấn đề trên sau khi có thêm thông tin từ cơ quan thẩm quyền.

 

Hải Anh