Chổi quét rau: “Cây chổi thần có… độc“

Google News

Có thể coi cây chổi quét rau là một tác phẩm báo chí hấp dẫn, thế nhưng  sáng tạo đến đâu cũng đòi hỏi phải chính xác và hơn hết, phải tử tế.

Chúng ta đang thực hiện chiến dịch Nói không với thực phẩm bẩn! Trong khi đó, báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền, kịp thời cung cấp đến người dân những thông tin thiết thực, cập nhật, nóng hổi, và tất nhiên phải chính xác nhất.
Nhưng, làm sao để thu hút sự quan tâm, chú ý của mọi người? Vậy thì, ngoài những yếu tố trên, thông tin phải được truyền tải sao cho hay và hấp dẫn.
Chổi quét rau - Chổi ma thuật
Khoảng 2 năm trước, trong Talkshow Nhập cuộc nghề báo, các diễn giả được hỏi: “Làm thế nào để các bạn phóng viên mới, chưa có quan hệ, chưa có kinh nghiệm có thể tìm đề tài và thực hiện đề tài đó?”
Choi quet rau: “Cay choi than co… doc“
 Ảnh cắt từ clip.
Nhà báo Trần Việt, Phó Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24 (được biết đến với chương trình Chuyển động 24h) sau lời động viên, chia sẻ thân tình, anh có nói: “Nghề báo cần sáng tạo, thiếu sáng tạo, các bạn sẽ tự đào thải chính mình. Làm báo nghĩa là các bạn phải làm sao để độc giả không gập báo, không tắt tivi khi thấy các bạn”.
Cây chổi quét rau là một tác phẩm báo chí của nhà đài khiến cộng đồng mạng xôn xao gần đây. Một tác phẩm đầy sáng tạo. Trong clip, cây chổi ấy được ví như cây chổi ma thuật (giống như của mụ phù thủy)!
Không như những loại chổi khác, cây chổi quét rau có "phép biến hóa vô cùng lợi hại", với vài ba đường quét nhẹ nhàng, từ rau bẩn (phun thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích…) đã biến thành… rau sạch!? Đó là cây chổi trong tác phẩm báo chí Cây chổi quét rau của chương trình Cà phê sáng phát sóng trên VTV3 hôm 3/5 vừa qua.
Theo clip, dùng chổi nan để quét trên rau, làm cho các lá rách, thủng như bị sâu cắn...Thế nhưng, “không biết bà con nông dân nơi khác thế nào, từ bé đến khi đầu tóc bạc phơ, những nơi đã từng đến, tôi chưa thấy ai mang chổi quét rau bao giờ”, một cụ bà gần 70 tuổi, làm ruộng từ nhỏ, hờ hững nói.
Cây chổi “có độc”!
Khi mà “ăn gì cũng sợ”, người tiêu dùng những tưởng được phổ biến thêm một “chiêu thức mới” của bà con vùng trồng rau, biến rau bẩn thành rau sạch, thì bỗng nhiên ngã ngửa…
Cô phóng viên tập sự chịu trách nhiệm chính cho tác phẩm của mình đã kịp nhận lỗi, xin lỗi bà con vùng trồng rau. Nhà đài cũng đã kịp xử lý, đình chỉ phóng viên này. Chỉ còn bà con nông dân trong đoạn clip Cây chổi quét rau là lãnh chịu hậu quả.
Một vùng trồng rau sạch để cung cấp cho thị trường bỗng nhiên bị “phát giác” đã phù phép rau bằng cây chổi ma thuật! Đau lòng. Ai dám tin, dám mua, dám ăn rau của họ? Còn “diễn viên” bất đắc dĩ đóng thế xuất hiện trong clip thì vô cùng xấu hổ…
Muốn biết tường tận câu chuyện cụ thể như thế nào, chỉ cần search cụm từ khóa cây chổi quét rau hoặc chổi quét rau, chúng ta có thể tìm thấy hàng trăm nghìn kết quả khác nhau, chỉ trong chưa đầy 1 phút.
Làm nghề cần sự tử tế
Khi mọi người đang chung tay Nói không với thực phẩm bẩn, việc làm của nhà đài cùng ê-kip Cây chổi quét rau là rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng, báo chí phục vụ ai? Chẳng phải là con người sao?
Việc một tác phẩm có dàn dựng, nhất là trong báo hình, là hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, bỏ qua yếu tố nghiệp vụ của ê-kíp thực hiện, xin được đặt câu hỏi: Để thực hiện thông điệp, để đạt được mục đích của mình bằng cách hy sinh một ai đó liệu có đáng, và có đúng, có hợp tình, và không hổ hẹn với lương tâm hay không?
Muốn tồn tại và phát triển cần phải có tư duy sáng tạo. Nhưng, trẻ con phải học bò trước khi tập chạy, học sinh phải học cơ bản trước khi học nâng cao, một tác phẩm báo chí dù hay và sáng tạo đến đâu cũng đòi hỏi phải chính xác, và phản ánh trung thực.
Nên nhớ rằng, bất cứ nghề nào cũng có những quy định liên quan đến cái gọi là đạo đức nghề nghiệp, gọi nôm na là sự tử tế. Sự tử tế thực ra rất đơn giản. Sự tử tế xuất phát từ lương tâm và thể hiện bằng hành động, và hoàn toàn có thể gọi tên.
Theo Công Lý