Chuyện con bò đi lạc vào nhà quan và liêm sỉ

Google News

(Kiến Thức) - Lại chuyện con bò “đi lạc” vào nhà “quan” thay vì hộ nghèo. Chuyện xảy ra ở thôn Phú Gia 2, xã Quế Phước, Quế Sơn, Quảng Nam. 

Chuyen con bo di lac vao nha quan va liem si
 
Lại chuyện con bò “đi lạc” vào nhà “quan” thay vì hộ nghèo. Chuyện xảy ra ở thôn Phú Gia 2, xã Quế Phước, Quế Sơn, Quảng Nam. Đáng lý, bò giống cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Biên, 82 tuổi, thuộc diện hộ nghèo thì lại được ông Nguyễn Văn Phượng, Trưởng thôn mang về nuôi. Sự việc được phát hiện, ông Trưởng thôn đề nghị phải... trả công nuôi trong vòng 2 năm. 
Đây không phải lần đầu tiên con giống cấp cho hộ nghèo đi sai địa chỉ như vậy. Trước đó, 12 con dê giống được đi thẳng vào trang trại nhà ông Bí thư Huyện ủy Thạch Thành Thanh Hóa thay vì các hộ nghèo ở xã Thành Yên. Câu chuyện bị vỡ lở, ông Chủ tịch xã Thành Yên lý giải rằng đưa dê vào nhà Bí thư Huyện vì “có điều kiện chăm sóc”, khi mà trang trại đã có 70 con rồi.
Ông Hoàng Văn Ty, nguyên Phó ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn khi nghe tin này bảo không có gì lạ. Điều mà ông Ty thấy thật khó chấp nhận là “sao bây giờ người ta tranh nhau... nghèo?”.
Theo ông Ty, người Việt vốn khiêm tốn. Ai đến chơi nhà, dù nhà có to rộng, đẹp đẽ mà được khen rằng “nhà anh giàu quá”, “nhà anh hoành tráng quá”, chủ nhà cũng dễ có tâm lý xua tay: “Có đáng gì đâu” rồi so sánh với nhà nọ, nhà kia để chứng tỏ rằng mình vẫn còn thua họ lắm. Và người Việt cũng không muốn “vạch áo” để thiên hạ biết mình nghèo. Cha mẹ có nghèo cũng cố gắng để con được bằng bạn bằng bè. Nhà có nghèo đến mấy người ta cũng luôn giữ mình “đói cho sạch”.Thậm chí, nhiều người còn tự ti, giấu giếm thân phận nghèo kém của mình.
Ấy thế mà, từ ông trưởng thôn đến ông bí thư huyện ủy đều chấp thuận sự nghèo, tranh giành cái tiếng ấy từ người khác. Nếu xét theo kiểu tâm lý thông thường, rõ ràng đó là sự lạ. Song theo ông Ty, xét về liêm sỉ quan chức thì “bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra” chứ không phải riêng chuyện nhận nhầm con giống.
Ông Ty cho rằng, lâu nay, vấn đề liêm sỉ của những người có quyền hành trong xã hội dường như đang bị “bỏ quên”. Sự ăn bớt của học sinh nghèo, ăn bớt của người nghèo, ăn bớt tiền ngân sách trong đầu tư xây dựng cơ bản, mang tiếng đi nước ngoài học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là đi du lịch, dùng xe công không đúng mục đích... ở đâu cũng có và được nhắc đến nhiều lần. Ấy thế nhưng nó vẫn tiếp tục xảy ra với muôn hình vạn trạng biểu hiện, thách thức dư luận.
Chế tài xử lý đã có và thậm chí, nhiều chuyên gia về luật pháp còn cho rằng tương đối đầy đủ. Vậy nhưng chế tài vẫn còn những kẽ hổng mà nếu không có liêm sỉ, những gian xảo, dối trá không những đủ lọt lỗ hổng mà còn đâm thủng hàng phòng ngự là chế tài.
Theo ông Ty, cần phải nhìn nhận lại văn hóa làm quản lý, trong đó đặc biệt chú ý đến yếu tố phải biết xấu hổ, có liêm sỉ của người lãnh đạo, quản lý. Mà muốn vậy, công tác cán bộ cũng cần phải huy động được sự tham gia của người dân trong việc giám sát, kiểm tra, đánh giá. Dĩ nhiên, để có được điều này đòi hỏi người có trách nhiệm phải nhận thức được liêm sỉ quan chức ở đâu đó đang có vấn đề. Bằng không, liêm sỉ vẫn sẽ là một khái niệm xa vời với một bộ phận cán bộ. 
An Nhiên

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

bùi đán -

không có cái dân cần khi đến cửa quan mà không phải bôi trơn muốn là hộ ngheo nếu không cùng vây cánh họ hàng thì cũng phải chạy ăn của dân không từ thứ gì hạng quan như thế làm gì có nhân cách nói chi đến liêm sỷ người ta không mất cái không thuộc về mình

Hiển thị thêm bình luận