Đã tiếp dân cần phải giải quyết được việc cho dân

Google News

(Kiến Thức) - Việc tiếp dân, Nhà nước ta cũng đã đề ra từ lâu nhưng cũng vẫn chỉ là hình thức, chưa giải quyết được triệt để nguyện vọng của công dân.

 Ảnh minh họa.
 Đọc bài “Lời hứa dân không muốn nghe” trò chuyện với ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội, tôi xin đề xuất ý kiến như sau.
Việc tiếp dân, Nhà nước ta cũng đã đề ra từ lâu nhưng cũng vẫn chỉ là hình thức, chưa giải quyết được triệt để nguyện vọng của công dân, vì khi tiếp dân thường phân công những người là đại diện cơ quan như là chánh văn phòng, trưởng, phó các phòng ban hoặc đại diện công đoàn. Những người này chỉ làm nhiệm vụ ghi chép ý kiến phản ánh và nhận đơn từ của công dân rồi báo cáo cho lãnh đạo giải quyết, thế là xong nhiệm vụ của người tiếp dân. 
Một khi lãnh đạo bận nhiều việc, thậm chí còn có lãnh đạo coi thường nên những kiến nghị của công dân để hàng tháng thậm chí hàng năm vẫn không giải quyết được. Mất lòng tin, rồi cuối cùng cũng là “Lời hứa dân không muốn nghe” như ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội đã nói.
Nay đã có Luật Tiếp dân được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 quy định tiếp dân phải đích thân Tổng Thanh tra Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành ở trung ương và chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương trực tiếp nghe dân và giải quyết những kiến nghị cho dân là một việc làm rất hợp lòng dân. 
Tôi hoàn toàn tán thành những quy định như thế trong luật, đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng ở cấp trung ương và địa phương khi tiếp dân phải xem xét, giải quyết những việc mà công dân đề nghị một cách dứt điểm, nếu còn phải cân nhắc nghiên cứu thì cần hứa với dân trong phạm vi 3 - 7 ngày hoặc 15 ngày (theo Luật) phải có hồi âm kết quả đúng hạn. 
Trong trường hợp khó khăn, phải điều tra nghiên cứu, thủ trưởng cũng nên có nhưng buổi “vi hành” xuống với dân, nghe dân nói, lấy ý kiến đa số của dân với lẽ phải để quyết định công việc.  Được như vậy sẽ làm cho dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, quan hệ giữa “quan và dân” được gần gũi, gắn bó, hiểu biết nhau hơn, và cuối cùng đạt được yêu cầu giải quyết công việc cho dân, phát huy được hiệu lực của luật đã ban hành. 
Lộc Xuân (Thanh Thủy, Phú Thọ)