Mất oai, quyền và còn nhiều thứ nữa

Google News

(Kiến Thức) - Đọc bài “Công => Oai => Quyền => Lợi” nói về vấn đề vận động cán bộ lãnh đạo nhận khoán tiền đi xe công, tôi thấy đúng là rất khó.

 
Mỗi lãnh đạo hưởng ứng chủ trương không đi xe công mà nhận khoán một cục với số tiền 4,5 triệu đồng/tháng, nếu đi xe taxi, xe ôm chỉ hết khoảng 1 triệu đồng/tháng, còn dư ra 3,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này đối với đa phần người lao động sẽ rất có ý nghĩa bởi công việc lao động của họ khá thất thường, thu nhập không ổn định, nếu cứ đều đều 3,5 triệu đồng/tháng thì quả là hạnh phúc. 
Nhưng với các bậc lãnh đạo thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả bởi ngoài công việc ổn định, tiền lương cao lại còn những thứ thu nhập ngoài lương... nên việc dư ra mấy triệu bạc/tháng nếu không đi xe công chẳng làm họ bận tâm, và “tiêu chuẩn xe của ta, ta cứ sử dụng!” là đương nhiên. 
Đi xe công sẽ oai, sẽ thể hiện quyền lực, sẽ có lợi ích cá nhân và còn được vô tư sử dụng xe theo ý muốn. Không nhận xe công thì trước hết người lái xe được giao nhiệm vụ phục vụ sẽ không hài lòng vì vô hình trung họ bị giảm “vị thế”, đường đường lái xe con cho một lãnh đạo oách hơn nhiều so với lái xe to cho nhiều người đi chung. 
Mặt khác, vợ con lãnh đạo cần xe đi chợ, đi thăm bạn bè, đi lễ chùa, đi về quê, đi tham quan du lịch... bất kỳ lúc nào cũng được phục vụ chu đáo và tất nhiên, lái xe cũng dễ bề kết hợp tranh thủ xin xỏ sếp bà sử dụng xe đưa đón con đi học hoặc nhiều việc riêng khác. Quả là lợi cả đôi đường! Những chi phí xăng xe và chi phí “phát sinh” đó chắc sẽ không phải là 3,5 triệu đồng/tháng.
Để chủ trương đó có tính khả thi cao, cơ quan chức năng cần siết chặt quy định sử dụng xe công, hạn chế việc tùy tiện sử dụng xe công phục vụ cho việc riêng của các gia đình lãnh đạo.
Văn Quý (Hà Nội)