Sao lại chờ người chết mới xác định “điểm đen” giao thông?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Trần Ngọc Thịnh bức xúc về 1 quyết định của Bộ GTVT: "Tại sao phải chờ khi có người chết mới xác định đó là “điểm đen” giao thông?...”

“Quyết định số 13/2005/QĐ-BGTVT ngày 02/02/2005 của Bộ trưởng Bộ GTVT về tiêu chí xác định điểm đen là căn cứ vào tình hình TNGT xảy ra trong một năm về số vụ và mức độ thiệt hại: 2 vụ tai nạn nghiêm trọng (có người chết) hoặc 3 vụ trở lên trong đó có 1 vụ nghiêm trọng hoặc 4 vụ trở lên có người bị thương... Tại sao phải chờ khi có người chết, bị thương nghiêm trọng mới xác định đó là “điểm đen”?”, ông Trần Đức Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ & Quản lý TP HCM đặt câu hỏi.
 Ảnh minh họa.
Nguyên nhân của các vụ TNGT chúng ta thường được nghe một câu quen thuộc: "Ý thức tham gia giao thông kém". Đừng quy kết một cách thiếu trách nhiệm như vậy. Theo ông Thịnh, xác định "điểm đen" công trình giao thông phải xác định ngay từ đầu khi thiết kế, thi công, nghiệm thu. Cứ quy tụ 3 yếu tố rủi ro thì có thể coi là một điểm đen để cảnh báo cho người tham gia giao thông biết và phòng tránh TNGT tại những vị trí đó. Hạ tầng giao thông luôn đặt lên số một, phải khẳng định nơi nào đạt chuẩn, nơi nào không. Ngay việc cắm biển báo giao thông, vừa qua Bộ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định là không đạt chuẩn.  
Về yếu tố con người thì không ai muốn xảy ra TNGT, nhưng ý thức của mỗi người lại khác nhau. Ví dụ, ý thức thi bằng lái xe, có không ít trường hợp dùng bằng giả. Vấn đề này lại liên quan đến luật. Luật ra không những đủ mà còn quá nhiều, nhưng chỉ dừng ở văn bản. Đưa luật ra rồi thì phải có hệ thống giám sát, giám sát được luật thì mới thực hiện được và phải trung thực.
Cũng theo ông Thịnh, trên nhiều bản tin truyền hình hằng ngày thống kê nhan nhản các vụ TNGT chết người. Việc cảnh báo này sẽ là một cách tuyên truyền về luật giao thông nếu như bản tin chọn lọc các vụ TNGT để phát và phải nêu rõ nguyên nhân. Về hạ tầng, phương tiện, người vận hành xe chiếm bao nhiêu phần trăm?  Cũng con người đó, chạy trên phương tiện như vậy, trên quãng đường đó thì chỉ được phép chạy bao nhiêu km/giờ... 
Như vậy chính là tuyên truyền luật đến người dân. Hoặc xe quá tải lên đường cao tốc có cách ngăn chặn mà không cần phạt, chỉ được chọn một điều kiện, đúng tải thì barie mở cho đi, quá tải thì chỉ còn cách quay đầu xe lại. Tương tự, đối với cầu bộ hành, không qua cầu vượt thì không còn đường khác... Đó là vấn đề quản lý, tầm nhìn và trách nhiệm.
Quỳnh Hương