Nhà nước phải tính đến lợi ích toàn dân

Google News

(Kiến Thức) - Theo TS Ngô Đức Lâm, việc ngành điện "rục rịch" tăng giá trong khi giá xăng dầu liên tục lao dốc... là không hợp lý.

Theo TS Ngô Đức Lâm, người từng nghiên cứu về giá điện, việc ngành điện "rục rịch" tăng giá trong khi các yếu tố đầu vào không có biến động, giá xăng dầu liên tục lao dốc... là không hợp lý. Ngành điện đã nhiều lần đề xuất tăng giá, nhưng ông cho rằng dù có tăng bao nhiêu, tăng thời điểm nào cũng được, miễn là công khai các khoản đầu vào, đầu ra để tính chi phí thực trên từng đơn vị điện.
Đến hẹn lại tăng là vô lý
- Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa có yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phối hợp với Tổng cục Năng lượng nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Là người từng nghiên cứu về giá điện, ông nhận định thế nào về thời điểm tăng giá điện hiện nay?
- Theo tôi thì việc đầu tiên cần phải minh bạch để biết giá hiện hành là cao hay thấp, phải tăng hay giảm. Thủ tướng đã có yêu cầu cuối năm 2014 các đơn vị năng lượng phải công khai các khoản như tiền lương, giá nguyên phụ liệu đầu vào, giá chi cho quản lý.... Như hiện nay người ta vẫn bảo sao thì người dân biết thế. Kể cả các nhà khoa học, nhà kinh tế cũng không biết. 
- Nhưng năm nay các chuyên gia cho rằng nguồn nước ổn định, giá nguyên vật liệu không biến động, tại sao lại tăng giá điện?
- Câu hỏi là giá đầu vào tăng hay giảm, yêu cầu ngành điện phải nói rõ. Trong giá điện thì thủy điện quyết định phần lớn. Năm 2013, các chuyên gia cho rằng đó là năm "thắng lợi của thủy điện", đồng nghĩa giá điện sẽ phải giảm, nhưng ngành điện không có động thái giảm giá nào mà vẫn liên tục đề xuất tăng. Chính ngành điện không rõ ràng, không minh bạch ở các khâu tính toán giá thành điện. Còn ai kinh doanh cũng phải có lãi, người dân cũng không phản đối việc tăng giá, miễn là nó hợp lý. Còn nếu bảo tăng giá theo lộ trình, "đến hẹn là tăng" theo kế hoạch có sẵn mà không tính toán các yếu tố cấu thành giá thì rõ là vô lý.
- Bản thân ông có thấy việc đề xuất tăng thời điểm này là vô lý?
- Tôi thấy rằng giá năng lượng như dầu đã giảm xuống rất thấp, thủy điện năm nay không biến động, nhiều thủy điện lớn đã hoạt động hòa vào lưới điện quốc gia, khó có khả năng có các yếu tố tăng giá để đưa ra mức tăng. Giữ nguyên đã là phải xem xét chứ chưa nói gì đến tăng. Ngành điện phải giải thích rõ, như trước đây có lần tăng họ bảo rằng do phải bù lỗ cho những năm trước, nhưng rồi tìm hiểu ra mới thấy năm trước họ đầu tư sân golf, khu nghỉ dưỡng... chứ có phải toàn bộ đầu tư để phát triển điện đâu.
- Nghĩa là nếu minh bạch, việc tăng giá hay giảm giá là điều bình thường, không ai phản ứng?
- Đúng, nếu ngành điện chứng minh được mình đang lỗ thì tăng giá là cần thiết quá đi chứ. Kinh doanh phải có tái đầu tư. Nhưng nếu chúng ta làm rõ ra được năm qua thủy điện phát triển, chiếm đến 50 - 60% điện năng thì tôi tin ngành điện có lãi lớn.
Nha nuoc phai tinh den loi ich toan dan
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật, Bộ Công Thương nói về đề xuất tăng giá điện.
Giá thành ở Việt Nam phải thấp hơn các nước
- Ông từng nghiên cứu về giá điện, ông có so sánh gì giá điện ở Việt Nam so với các nước khác?
- Thực ra không nên so sánh giá điện ở Việt Nam với các nước khác, vì nhiều người cứ nói rằng giá điện ở Việt Nam thấp. Thực ra là bởi vì chúng ta có sẵn nguyên, nhiên liệu như than, khí, năng lượng thủy điện từ hệ thống sông suối lớn.... Ở Nhật Bản họ đâu có những tài nguyên đó. So sánh giá thành như thế thì khập khiễng. Rồi thu nhập bình quân ở các nước đó cao. Mà theo tôi, giá điện ở Việt Nam không phải là thấp đâu. 
- Chỉ số giá tiêu dùng hiện đang rất thấp, giá dầu thô đang lao dốc không phanh, có người nói rằng việc tăng giá thời điểm này hẳn là không muốn tạo ra "cú sốc" cho người tiêu dùng?
- Thời điểm tăng giá điện rất nhạy cảm nên Nhà nước phải xem xét thật là kỹ càng. Thời điểm cuối năm, chúng ta đang khuyến khích sức mua, việc tăng giá điện có thể phá hỏng phương án kích thích sản xuất, tăng trưởng kinh tế lấy nguồn thu bù cho phần ngân sách đang bị hụt vì giá dầu thô giảm mạnh. Giá điện cũng hãy làm như giá xăng dầu, rất công khai theo giá thế giới lên xuống.
- Chúng ta đã nói rất nhiều về việc phát triển thị trường điện cạnh tranh, sao mãi đến tận bây giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu nào thưa ông?
- Đây là cả một câu chuyện dài, chúng ta chỉ cần nhìn vào sơ đồ điều hành thị trường điện hiện nay là biết đã có thị trường điện cạnh tranh hay chưa, khi nào có. Ta chưa thể hình thành thị trường điện cạnh tranh, có lý do kỹ thuật, có lý do lợi ích nhóm, có lý do người ta không muốn làm... chứ không phải do một nguyên nhân nào. Ở quốc gia nào cũng thế thôi, dễ gì một người chủ động từ bỏ quyền lợi của họ đâu.
Vai trò phản biện chính sách kém
- Vì sao không chỉ riêng điện lực mà trong nhiều lĩnh vực khác, mỗi lần tăng giá đều không thấy các nhà khoa học lên tiếng, phải chăng vai trò phản biện chính sách của chúng ta quá kém?
- Những cơ quan phản biện và các nhà khoa học có vai trò phản biện hiện chưa thực sự phát huy được năng lực của mình trong vai trò phản biện, làm rõ chính sách. Việc tăng giá hay giảm giá theo cảm tính thì rất khó nói. Nếu các nhà khoa học đưa ra được cách tính chi tiết các khoản a, b, c, d để rồi đưa ra con số giá điện cuối cùng thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ không dám làm khác đi tính toán đó. Nhưng nhà khoa học không có dữ liệu để làm, nhà quản lý thì có trăm ngàn lý do để không làm.
- Theo ông thì cách tính giá điện hiện nay đã thực sự khoa học, sát với giá thành chưa?
- Tôi không biết họ tính toán dựa trên cơ sở nào, gồm các yếu tố đầu vào nào. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đi sâu vào vấn đề này, làm sao phải thành lập những bộ phận độc lập để tính toán giá hợp lý. Còn các tổ chức phản biện vẫn nằm trong chính quyền thì chưa chắc đã cho ra một con số chuẩn xác được. Trước đây các chuyên gia cũng thắc mắc trong cách tính giá điện thì những cái gì được đưa vào giá thành, nhưng cũng không ai làm rõ ra được.
- Vì đâu mà vai trò phản biện lại thấp trong lĩnh vực này thưa ông?
- Hiện tôi thấy là không có một cơ quan nào đứng ra phản biện vấn đề này để đưa ra một cái bảng cụ thể là bao nhiêu phần trăm thủy điện, bao nhiêu phần trăm nhiệt điện, dùng bao nhiêu than, dầu khí, rồi khi thiếu nước, phải đưa thêm dầu DO vào để chạy phát điện thì giá sẽ rất đắt. Tôi chưa thấy có đơn vị nào đứng ra công bố công khai các yếu tố này. Tính toán này quá dễ dàng.
- Theo ông thì doanh nghiệp có muốn làm điều này không?
- Tất nhiên, ai người ta muốn việc đó, sợ chết khiếp đi ấy chứ! Mình mà là doanh nghiệp có khi mình cũng thế ấy chứ (cười). Ai làm ở vị trí nào cũng phải tính toán lợi ích ở góc độ đó của mình, còn ở phía Nhà nước thì phải tính lợi ích của toàn dân, phải điều hòa các lợi ích cho hợp lý. Muốn vậy thì phải có một tổ chức độc lập tính toán các lợi ích đó, không vì dân mà hại doanh nghiệp, không vì doanh nghiệp mà hại dân.
- Xin cảm ơn ông!
Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự kiến điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 lên 1652,19đ/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1508,85đ/kWh). Trước đó, trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, giá điện năm nay không tăng do việc phát điện của các nhà máy điện có lợi thế nhờ cả năm nước về các hồ chứa thủy điện nhiều, giảm được việc huy động sản lượng điện chạy dầu...
Tô Hội (Thực hiện)