Thượng tá Lê Đức Đoàn: Hóa cội đa già

Google News

(Kiến Thức) - Kể từ ngày 31/10, công dân ưu tú của Hà Nội là thượng tá Lê Đức Đoàn, thuộc Đội CSGT số 1, PC67 Công an TP Hà Nội chính thức nghỉ hưu.

Kể từ ngày 31/10, công dân ưu tú của Hà Nội là thượng tá Lê Đức Đoàn, thuộc Đội CSGT số 1, PC67 Công an TP Hà Nội chính thức nghỉ hưu. Nhưng cũng từ đó, bóng dáng của ông hóa cội đa già, gieo nỗi nhớ nhung cho nhiều người dân Thủ đô...
44 ngày nhớ mặt đường
Hẹn hò mãi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được người lính già Lê Đức Đoàn ở phố Nhà Chung. Ông vận chiếc áo vest cũ màu, lái xe wave đi giữa dòng người tấp nập. Nhiều người khi nhận ra gương mặt của ông liền nở nụ cười tươi, khẽ cúi đầu chào. Ông đáp lại bằng cái giơ tay vẫy chào mọi người theo phong cách nhà binh, rồi lặng lẽ trôi theo dòng người ồn ã.
Ông hẹn chúng tôi tại một quán cà phê vỉa hè ở phố Nhà Chung. Với cái bắt tay thật chặt, miệng luôn mỉm cười. Ông chọn một góc nhỏ hướng mặt ra phố nhìn dòng người đi lại rồi bắt đầu câu chuyện. "Từ ngày nghỉ hưu đến nay (13/12) tròn 44 ngày. Mặc dù mỗi buổi sáng được ngủ nướng thêm một tí, được thảnh thơi ngồi lai rai bên ly cà phê sáng, được gặp gỡ bạn bè... nhưng điều đó không làm tôi bớt nhớ mặt đường. Nhớ những gương mặt quen thuộc. 20 năm gắn bó với cầu Chương Dương, với mặt đường, tôi nhớ đến từng mặt người. Buổi sáng nhường nào khuôn mặt vội vã đi làm thì khi về cũng thấy nhường nấy mặt người. Trên đường đi làm về, trông thấy tôi nhiều bạn bè giơ tay chào hỏi. Có người thậm chí kiếm được ít quả chuối, trái cam có khi cũng dừng lại mời. Tình cảm đó làm tôi nhớ da diết".
Từ khi nghỉ, công việc hằng ngày của ông là dậy vào lúc 7 giờ sáng. Muộn hơn so với lúc chưa nghỉ hưu 1 giờ. Sau đó đi ăn sáng, rồi rong xe đến phố Nhà Chung ngồi uống cà phê một mình và chìm đắm trong những ký ức của riêng mình, nhìn dòng người qua lại.
 Thượng tá Lê Đức Đoàn lặng lẽ bên góc phố Nhà Chung, Hà Nội nơi ông đã ngồi suốt hơn 20 năm qua.
"Người cũ"
Ông tự nhận mình là người "cũ". Bởi từ mấy chục năm nay, ông có thói quen chỉ đi uống cà phê ở phố Nhà Chung, sửa chiếc đồng hồ Pujot từ thời Liên Xô ở phố Hàng Phèn, chỉ uống bia ở phố Ô Quan Chưởng và 20 năm trời bám mặt cầu Chương Dương...
"Tôi ngồi ở quán cà phê này từ cách đây hơn 20 năm, khi đứa con trai đầu mới bước vào lớp 1. Hồi đó, mỗi ngày tôi thường đưa cháu từ phố... đến trường, rồi tranh thủ rẽ vào quán cà phê trước khi đến công sở. Buồi chiều, tôi cũng ngồi quán này đợi cháu tan học. Đến nay, khi đứa con trai cả của tôi đã lập gia đình, nhưng hai bố con vẫn dành thời gian đến quán cà phê này để hàn huyên và ôn lại kỷ niệm cũ", ông Đoàn cho biết.
Ngoài những khoảng lặng cho riêng mình. Khi nào có bạn đến thăm, ông Đoàn cũng dẫn họ đến phố Ô Quan Chưởng nhâm nhi cốc bia hơi. Đây là nơi mà người lính già đã gắn bó từ hồi mới đi học ở Liên Xô về. Đến nay, trong tâm trí ông vẫn còn đọng lại hình ảnh về những quán bia hơi vỉa hè. Hồi đó, Ô Quan Chưởng là một trong những nơi xuất hiện dịch vụ bia hơi sớm nhất Hà Nội. Người nào được ngồi lai rai cốc bia vỉa hè đã là sang trọng, sướng lắm... 
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi. Ông Đoàn lại như lạc vào những câu chuyện xưa như cổ tích. Nói đến Ô Quan Chưởng, ông luôn miệng cười. Ông kể về cái thú uống bia, tụ tập bạn bè. Còn nói về cà phê sáng ông lại trầm ngâm, ánh mắt xa xăm như lục tìm những kỷ niệm đẹp từ trong quá vãng.
20 năm, 40 lần cứu người tự tử
Trong quãng thời gian 20 năm bám đường, kỷ niệm của đời ông có lẽ nhiều không đếm được mà tất cả đều đáng nhớ, đáng tự hào và trân trọng. Đó là lần ra tay “tả xung hữu đột” với gần 10 tên cướp trên địa bàn Gia Lâm. Sau đó ông bị thương nặng, dập xương mũi, gò má, nằm viện suốt 3 tháng ròng. Hậu quả là ông mang thương tật hạng 3/4 đến suốt đời. Hay đơn giản là cái bắt tay của nhà thơ Trần Đăng Khoa thường dành cho ông mỗi khi có dịp ngang qua cầu Chương Dương...
Nhưng trong muôn vàn những kỷ niệm diễn ra suốt 20 năm, điều khiến ông tự hào nhất là đã cứu được trên dưới 40 người leo cầu Chương Dương tự tử
Dấu ấn đầu tiên của ông trong việc cứu người đó là đầu năm 1994. Khi một người phụ nữ trẻ tuổi quê Hưng Yên vì mâu thuẫn tình cảm với người yêu nên đã tìm đến cầu Chương Dương với ý định tự tử. Cô gái đứng trên lan can cầu, đôi mắt đờ đẫn nhìn dòng nước sông Hồng đang cuộn chảy. Những người đi đường không dám lại gần vì sợ kinh động khiến cô gái có thể nhảy cầu ngay. Nhận được tin báo, ông chạy như bay ra chỗ cô gái. Cách chỗ cô gái đứng khoảng 3m ông đi chậm rãi đến gần rồi bất ngờ ôm chặt cô gái ra khỏi lan can cầu. Sau này, khi cuộc sống đã dần ổn định, cô gái được ông cứu đã đôi lần ghé qua cầu Chương Dương thăm người lính đã cứu mình. 
Ông Đoàn chia sẻ: "Cứu người tự tử đôi khi mình cũng phải xác định sẵn sàng hy sinh. Bởi những người này thường đứng chỗ nguy hiểm mà nếu trượt chân thì cả họ và mình đều rơi xuống sông".
Ông nhớ lại trường hợp cứu người cuối cùng trong quãng thời gian làm ở cầu Chương Dương. Đó là năm 2012 khi một cô gái sinh năm 1983 ở phường Bồ Đề, quận Gia Lâm vì mâu thuẫn với chồng mà đến cầu tự tử. Trông thấy sự việc. Ông lập tức nhảy lên chiếc xe buýt rồi dặn người tài xế đi nép vào mạn cầu. Cách cô gái khoảng 3m thì phải mở cửa để ông ra. Tài xế làm theo lời ông dặn. Khi mở cửa xe buýt, ông lao đến thành cầu ôm chặt cô gái, trong khi hai chân cố trụ vững trên đường ống nước chạy dọc theo cầu. Câu đầu tiên ông nói với cô gái là hãy nghĩ đến bố mẹ đẻ, đến anh chị em trong gia đình. Rồi đứa con trong bụng (vì lúc đó cô gái đang có thai). Sau một hồi giằng co, cô gái cũng chùng lại. Ông đưa cô về bốt trực trò chuyện. Cô gái đã ôm chặt lấy ông, khóc ròng. 
Ông nhớ lại: "Hôm đó là mùa đông. Trời lạnh nhưng nước mắt cô gái đã làm ướt đẫm một vai áo ấm. Kỷ niệm đó khiến tôi không thể nào quên. Thế rồi cô ấy kể cho tôi nghe tất cả mọi chuyện. Tôi lấy số điện thoại của chồng cô ấy gọi lên. Lúc gặp tôi, ông chồng mặt tái xanh tái dại rồi đưa vợ về. Đến nay, đôi vợ chồng đó vẫn sống với nhau hòa thuận và đã có với nhau một đứa con. Thỉnh thoảng họ đưa nhau đi làm qua thì dừng lại chào hỏi và cảm ơn vì đã cứu họ qua cơn sinh tử. Với tôi thế là đủ".
"Từ hôm nghỉ đến nay, nhiều bạn bè trong và ngoài nước biết tin khi ghé qua Hà Nội đã hẹn gặp. Tôi lại ngồi với các bạn cũ ôn chuyện xưa. Đến bữa về ăn cơm vợ nấu, bế cháu đi dạo, ngắm phố phường... Tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại đã là viên mãn".
Thượng tá Lê Đức Đoàn
Quách Dương