ĐBQH: Thông qua Luật Đất đai đáp ứng nguyện vọng của nhân dân

Google News

ĐB Nguyễn Quang Huân cho biết, cử tri và Nhân dân rất mong muốn Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), bởi Luật chi phối lớn đến đời sống kinh tế, xã hội.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định tiến bộ, cụ thể hơn về thu hồi, đấu thầu đất. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm khiến ông băn khoăn.
DBQH: Thong qua Luat Dat dai dap ung nguyen vong cua nhan dan
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: Mai Loan.
Điều chỉnh, khắc phục tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai
Ông đánh giá như thế nào về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, thưa đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân?
So với dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 6 (27 điểm cần tiếp tục thảo luận và còn nhiều ý kiến khác nhau), đến Kỳ họp bất thường lần thứ 5, nhiều nội dung đã được thống nhất và chỉ còn một phương án trình Quốc hội. Dự thảo luật lần này đã thể hiện nỗ lực rất lớn của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong thời gian qua, chất lượng dự thảo luật đã cao hơn nhiều.
Để khơi thông nguồn lực đất đai, phát huy được ở khía cạnh là tư liệu sản xuất và chỗ ở thay vì thiên về khía cạnh tài sản như hiện nay, tôi cho rằng quá trình sửa luật cần bảo vệ được nền tảng lý luận đã được Hiến định và được cụ thể hóa, áp dụng vào thực tế cuộc sống, chính là thành công trong quá trình sửa luật.
Nếu chỉ bảo vệ được nền tảng lý luận mà không áp dụng được vào thực tế, nghĩa là kinh tế thị trường không vận hành được là luật chưa hoàn thiện; còn nếu nghiêng về kinh tế thị trường, xa rời nền tảng sẽ không thành công. Vì vậy, hai tiêu chí phải song hành, vừa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, nhưng không được xa rời lý luận nền tảng.
Trong Dự thảo Luật Đất đai trình tại Kỳ họp bất thường này, ông thấy còn băn khoăn ở nội dung nào?
Tôi quan tâm đến quy định tại Điều 126 về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Nhà nước thay mặt Nhân dân thực hiện quyền sở hữu, nhưng khi muốn thực hiện quyền sở hữu cần thu hồi trước, khi là đất của Nhà nước rồi mới tiến hành đấu giá. Tuy nhiên, hiện trong Dự thảo Luật đang quy định ngược.
Theo Dự thảo: “Trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu hoặc thời hạn khác theo hợp đồng đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu.
Nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hợp đồng đã ký kết mà nhà đầu tư không ứng đủ vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hủy kết quả trúng đấu thầu”.
Tôi cho rằng, nếu quy định như vậy sẽ gây ra tình trạng khiếu kiện, bởi khi tiến hành đấu giá, người dân biết được khu vực đó có dự án và khiếu kiện vì mong muốn giá chênh lệnh về khoản đầu tư sau này, chứ không phải địa tô chênh lệch 1, mà người có đất đang được hưởng.
Tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu, nếu không đầu tư thì không được hưởng chênh lệch, nhưng nhà đầu tư đã đấu thầu trúng giá đất, Nhà nước mới tiến hành thu hồi đất dẫn tới khiếu kiện. Vì thời điểm thu hồi, giá đất trên thị trường biến động, người sử dụng đất không sẵn sàng bàn giao đất, dẫn đến không thu hồi được.
Cho nên, chúng ta phải xác định quy trình thu hồi và đấu thầu đất thật rõ ràng, từng bước trong điều 126, mới có thể khắc phục tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai trong đấu thầu và giải phóng mặt bằng.
Một trong những nội dung được quan tâm, gây tranh luận nhất tại Kỳ họp thứ 6 liên quan đến thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ. Ông thấy tại Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần 5, nội dung này có gì khác biệt với Luật hiện hành?
Đối với việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ ràng hơn tại Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong đó đã quy đinh rõ: Thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đây là quy định rất tiến bộ so với luật hiện hành, tránh tình trạng cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa thu hồi và sang nhượng quyền sử dụng.
Tại Nghị quyết 18-NQ/TW đã có nêu: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”. Ở đây cần hiểu rõ, mục tiêu là tiếp cận giá thị trường, đầu tư thì được hưởng, không đầu tư thì không, tuy nhiên, vẫn còn có cách hiểu khác nhau về vấn đề này.
Tôi cho rằng, cần nghiên cứu để cụ thể hóa Nghị quyết 18, đảm bảo thống nhất trong nhận thức và thực hiện. Khi tiến hành đền bù cho người dân khi chưa hình thành dự án nghĩa là đền bù cho người sử dụng đất địa tô chênh lệch 1 (chưa đầu tư nên không được hưởng địa tô chênh lệch 2). Nếu không làm rõ nội hàm này, có thể có tình trạng, người sử dụng đất nhận thấy khi đấu thầu, có dự án (trong vòng 36 tháng) sẽ cố tình dây dưa không trả đất mà muốn được hưởng địa tô chênh lệch 2. Như vậy, khi không có một chuẩn mực nào cả, sẽ rất khó điều hành.
Vì thế, các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những tiến bộ nhất định, nhưng để rõ ràng hơn và giải quyết căn cơ tình trạng khiếu kiện cần có cơ chế cụ thể hơn do vậy, cần chỉnh sửa lại Điều 126 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng chặt chẽ hơn nữa.
Thông qua Dự thảo Luật đáp ứng mong mỏi của Nhân dân
Ông kỳ vọng gì với việc thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5?
Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu: Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, Nghị quyết 18-NQ/TW cũng nêu ra các yêu cầu giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, bất cập của luật hiện nay. Nếu chưa giải quyết mà đã thông qua thì chưa phải là cách tốt nhất.
Nhiều quy định trong dự thảo luật đã nhận được sự đồng thuận, đồng tình, thống nhất so với Kỳ họp trước, nhưng những vấn đề tồn tại cũng là căn bản, không thể du di.
Tôi nghĩ rằng, với quyết tâm chính trị, việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân, nhất là dưới góc nhìn Luật Đất đai chi phối đến đời sống kinh tế-xã hội.
Tuy vậy, vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện. Nếu thông qua vội vàng khi các vấn đề còn khúc mắc trong luật hiện hành chưa được giải quyết trong luật sửa đổi thì việc sửa đổi luật cần phải cân nhắc kỹ.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) góp ý bên lề về Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan (thực hiện)