Đào tạo trẻ có vai trò rất quan trọng với mọi nền bóng đá nhưng đào tạo ra thì cầu thủ cần được chơi chuyên nghiệp, thi đấu ở môi trường bài bản và có sức cạnh tranh để phát triển. Tức cấp độ chuyên nghiệp là đầu ra của đào tạo trẻ, là nơi cung cấp cầu thủ giỏi phục vụ ĐTQG. Đây là vấn đề để nói VPF đang làm kém so với sự phát triển của bóng đá trẻ Việt Nam.
Thành tích của các đội trẻ Việt Nam được phản ánh đầy đủ với 6 năm có kết quả bất bại trước Thái Lan. Lứa Công Phượng vùi dập Úc 5-1, lứa Quang Hải giành vé dự U20 World Cup 2017 và cả hai kết hợp giúp bóng đá Việt Nam giành Á quân U23 châu Á 2018. Năm ngoái, U23 Việt Nam vô địch U23 Đông Nam Á, tứ kết U23 châu Á 2022. Lứa Quốc Việt, Văn Khang, Văn Trường vừa đánh bại U20 Úc, Qatar ở U20 châu Á 2023...
Đằng sau sự tiến bộ kể trên thì bóng đá trẻ Việt Nam rơi vào tình cảnh "phú quý giật lùi". Lứa Công Phượng, Quang Hải giành Á quân U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam đè bẹp Thái Lan 4-0 ở vòng loại U23 châu Á 2020... nhưng cấp độ ĐTQG đá thua đội hình B của Thái Lan ở AFF Cup 2022. Đó là nghịch lý để thấy HAGL, Viettel, PVF, SLNA, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội (thuộc Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT - Sở VHTT Hà Nội)... đã làm rất tốt về đào tạo trẻ, nhưng sân chơi chuyên nghiệp chưa nâng tầm cho ĐTQG.
Lấy ví dụ bằng cột mốc là năm 2007, đây là thời điểm có hai câu chuyện lịch sử cho bóng đá Việt Nam: V.League có 14 đội tham gia và Học viện HAGL ra đời. Tức một bên là đỉnh của sân chơi chuyên nghiệp, một bên là gốc về đào tạo trẻ. Sau 15 năm, giải chuyên nghiệp và đào tạo trẻ phát triển ra sao?
Về đào tạo trẻ, sau sự ra đời của Học viện HAGL có PVF, Viettel, Nutifood, Juventus, Lyon..., cộng thêm hệ thống bóng đá phòng trào, các trung tâm dùng ngân sách nhà nước, các CLB phát triển bóng đá trẻ, có thể nói "mọc lên như nấm" sau hiệu ứng lứa Công Phượng.
Về sân chơi chuyên nghiệp, năm 2007 có 14 đội thì bây giờ vẫn 14 đội, tức 15 năm vẫn đứng yên tại chỗ về số đội. Năm ngoái, V.League 2022 có 13 đội do CLB Quảng Ninh nghỉ chơi. Giải hạng Nhất 2023 chỉ còn 10 đội do 2 CLB không tham dự gồm Cần Thơ và Sài Gòn FC.
Về logic, các cầu thủ trẻ được đào tạo phải đá từ các cấp độ thấp đến cao, tức từ các giải U đến hạng Nhất và V.League. Nhưng số đội hạng Nhất kém V.League đến 4 đội, 10 so với 14. Nhìn xa hơn, hệ thống đào tạo trẻ phát triển nở rộ nhưng số đội chuyên nghiệp không đáp ứng được việc xử dụng các tài năng trẻ, trong khi phần gốc (hạng Nhất) còn nhỏ hơn phần đỉnh (V.League).
Hãy nhìn Thái Lan, Thai Premier League đã dịch chuyển sang chuyên nghiệp từ năm 2001 với 10-12 đội trong các mùa đầu tiên. Bây giờ giải đấu này có 16 đội, Thai League 2 có 18 đội và giải hạng Nhì có đến 72 đội. Thái Lan đã làm tốt hơn Việt Nam để cho cầu thủ phát triển ở phần đỉnh, tức sân chơi chuyên nghiệp. Đây là lý do Việt Nam mạnh hơn Thái Lan về cấp độ trẻ nhưng ĐTQG trải qua 15 năm chưa thắng "voi chiến" tại sân chơi chính thức.
Hệ thống đào trẻ phát triển, các đội trẻ liên tục tạo tiếng vang nhưng sân chơi chuyên nghiệp vẫn đứng yên. Phần lỗi này phải nói đến sự quản lý và điều hành của VPF. Đúc kết theo bầu Đức từng phát biểu thì"VPF không giúp cho V.League phát triển, làm lỡ thời cơ nâng tầm giải đấu. Nếu quản lý tốt, làm tốt thì không thể có chuyện bỏ giải, hay giải đấu cứ luẩn quẩn trong tranh cãi đủ các thứ...".
Theo Văn Nhân/Saostar