Những “kẻ nô lệ” thời công nghệ

Google News

Chúng ta đang quá lệ thuộc vào những chiếc di động và dần biến mình thành “nô lệ” cho chúng.

Hôm nọ, mình có đi cùng nhóm đến nhà một người bạn mừng tân gia, vừa vào đến phòng khách, chưa kịp trầm trồ thiết kế, màu sắc, cách bài trí căn nhà đẹp thế nào thì một anh bạn đã hỏi ngay chủ nhà: “Ê, pass wifi là gì mày?”. Sau khi được giải đáp thắc mắc, cậu ấy liền vứt cho đứa con trai cái ipad để ngồi im trên sofa chơi.
Ngay lập tức, như một phản xạ, những chiếc di động được lôi ra để tranh thủ nhập ngay dãy ký tự ấy vào cho khỏi quên. Sau đó, câu chuyện của người lớn mới chính thức được bắt đầu.
Nhung "ke no le" thoi cong nghe
Thay vì trò chuyện trực tiếp với nhau ngoài đời thực, nhiều người trong chúng ta lại chỉ thích cười một mình với màn hình điện thoại. (Ảnh minh họa) 
Nhưng chưa hết, trong quá trình đi thăm thú mọi ngóc ngách của căn nhà, cô bạn “sống ảo” nhất nhóm không quên ghi lại từng chi tiết đẹp, cần mẫn như một nhân viên phải làm báo cáo hình ảnh nộp cho sếp vậy. Sau đó là công đoạn chỉnh sửa ảnh và check in để đăng facebook khoe “cả làng” ngôi nhà đẹp của bạn mình. Tất nhiên, không thể thiếu sự góp mặt của chúng tôi cười nói trong các bức hình đó.
Trước và sau bữa ăn, vợ chồng chủ nhà tất bật lo cơm nước, không để khách phải động chân tay gì. Và thế là ngoài phòng khách, cảnh tượng mà có lẽ ở đâu cũng thấy được là mỗi người một góc, trên tay cầm điện thoại, chăm chú nhìn màn hình. Biết đâu, họ đang thả tim, like hay comment cho loạt ảnh “hiện trường” vừa được cô bạn tôi post lên chăng.
Còn nhớ cách đây mấy ngày, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ gốc Hàn Quốc cho rằng, chúng ta nên sống ở “chế độ máy bay” để có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Khi buồn chán (vì chẳng có gì tiêu khiển), bạn sẽ tò mò nhiều hơn về thế giới xung quanh. Và đó chính là lúc bạn có thể sáng tạo.
Nhưng thật khó để có thể tập trung sáng tạo bởi dường như chúng ta đang bị chi phối, quá lệ thuộc vào những thiết bị công nghệ thông minh và dần biến mình thành “nô lệ” cho công nghệ, thay vì mục đích ban đầu của việc sản xuất chúng là phục vụ cho nhu cầu của con người.
Theo Linh Đan/Người Đưa Tin