Bà chủ ngân hàng sang làm sữa sạch

Google News

Nữ doanh nhân Thái Hương là cá nhân nắm giữ số vốn điều lệ lớn nhất ngân hàng TMCP Bắc Á đồng thời là chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH.

Cũng có lẽ chính vì lý do đó, hoạt động của hai tổ chức càng được thuận lợi, hướng đến những tầm nhìn và sứ mệnh phục vụ nông nghiệp nông thôn.
Những “nữ tướng” thời đại mới không còn là chủ đề đặc biệt trên các diễn đàn kinh tế, người ta không còn lạ gì những người đàn bà thép nắm quyền điều hành cả khối tài sản nghìn tỷ đồng hay một tổ chức tín dụng đầu ngành tài chính- ngân hàng.
Hơn ai hết, với bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT TH-Group đồng thời là Tổng Giám đốckiêm Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Bắc Á thì câu chuyện của bà đặc biệt hơn, ở cái tầm, cái tâm của người làm kinh tế.
Nắm giữ 7% cổ phần ngân hàng Bắc Á
Là Ngân hàng cổ phần ra đời tương đối muộn so với 52 ngân hàng cổ phần đã được cấp phép trước đó, tuy nhiên Ngân hàng TMCP Bắc Á lại là ngân hàng cổ phần duy nhất ở khu vực miền Trung, có thị phần trải dài từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng …
Chọn thị phần chủ yếu ở khu vực nông thôn với thu nhập và mức sống thấp hơn các thị trường mà các tổ chức tài chính khác hướng đến vừa là cơ hội đồng thời là thách thức cho chiến lược hoạt động và phát triển của Bắc Á. Ngành nghề kinh tế chủ yếu của người dân là sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và diêm, sản xuất dựa vào phương thức thủ công của các nông hộ là chủ yếu, các doanh nghiệp trên địa bàn phần lớn ở mức vừa và nhỏ, thu nhập và mức sống của người dân khu vực miền Trung thấp hơn nhiều so với các khu vực đô thị và thành phố lớn khác trong cả nước.
Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Bắc Á Thái Hương 
Trong bài phát biểu kỷ niệm 20 năm thành lập Ngân hàng Bắc Á – nơi mà bà Thái Hương đang làm Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT, nữ doanh nhân chia sẻ : “Chúng tôi luôn thấu hiểu nổi gian truân vất vả một nắng hai sương ngày ngày phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vắt kiệt những giọt mồ hôi, nước mắt để làm ra củ khoai, cân thóc, nhưng để ăn thì thừa mà đem bán thì thiếu, cuộc sống luôn bấp bênh bởi câu nói truyền miệng “được mùa mất giá, được giá lại mất mùa” . Vì thế, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong đó và luôn ấp ủ một khát khao đến cháy bỏng là phải làm được điều gì đó đóng góp vào sự nghiệp chung để giúp dân mình bớt khổ, quê mình bớt nghèo, từng bước phát triển đi lên”.
Thành lập từ tháng 9/1994 với 20 tỷ đồng, đến nay, Ngân hàng Bắc Á đã nâng vốn điều lệ lên tới 3.700 tỷ đồng, tổng tài sản lên đến 53,98 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm đến 68,21% dư nợ tín dụng, với 1.200 cán bộ nhân viên và 84 điểm giao dịch hiện diện tại 12 tỉnh thành trên cả nước.
Theo báo cáo được công bố công khai gần đây nhất của ngân hàng này, bà Thái Hương hiện sở hữu 6,988% vốn điều lệ, mức sở hữu cao hơn cả chủ tịch HĐQT ngân hàng Bắc Á là bà Trần Thị Thoảng đang nắm giữ 5,188% cổ phần, số cổ phần này được bà Thái Hương giữ từ ngày đầu thành lập ngân hàng.
Từ ngân hàng sang làm sữa sạch
Từ kinh doanh ngân hàng, bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á (Bac A Bank), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH Group quay sang nuôi bò sữa, làm rau sạch. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ khả năng quản lý khi trong cùng một thời điểm, TH Group ôm đồm nhiều dự án từ bò sữa đến rau, dược liệu, y tế…
Cánh đồng hoa hướng dương đẹp nhất nước là nguồn dinh dưỡng cho trang trại bò sữa.
Sự ra đời hết sức bất ngờ được bà Thái Hương chia sẻ với truyền thông :” Khi vụ bê bối sữa nhiễm Melamin vỡ lở năm 2008, tôi xem ti vi, thấy thương con mình và đau đớn cho nhiều trẻ em Việt Nam phải ăn sữa bẩn. Sáng hôm sau tôi quyết định chắc chắn rằng mình sẽ làm sữa tươi sạch. Cuộc họp cổ đông được triệu tập tức khắc và chỉ một thời gian ngắn kỷ lục, TH True Milk đã ra đời”.
Đánh trúng tâm lý thị trường, nhu cầu người dân đã không còn là “ăn no mặc ấm” mà chuyển sang “ăn sạch mặc đẹp”, bà chủ của trang trại hơn 40.000 con bò sữa dốc sức đầu tư vào dây chuyền sữa khép kín, sạch từ khâu nguyên liệu, lấy giống đến từng giọt sữa cung cấp cho người tiêu dùng.
Tất cả mọi quy trình được thực hiện bài bản với sự trợ giúp của các chuyên gia đến từ nước ngoài, quy trình quản lý chuồng trại, chăm sóc sức khỏe cho bò… bà Thái Hương không ít lần cho thấy được tầm nhìn và sứ mệnh của TH True Milk là “không tìm tối đa hóa lợi nhuận mà tìm cách hợp lý hóa lợi ích quốc gia”.
Khi hai mảng cùng chung sứ mệnh
Cũng giống như tầm nhìn của ngân hàng Bắc Á, những dự án đầu tư được bà Chủ tịch đưa về thực hiện tại xứ Nghệ - nơi mà trước đó chưa ai tin sẽ xuất hiện cánh đồng châu Âu giữa cái thời tiết khắc nghiệt đầy nắng và gió miền Trung ấy.
Bắc Á Bank luôn đồng hành cùng TH True Milk tại các dự án đầu tư 
Đồng hàng cùng TH True Milk không thể không kể đến sự hỗ trợ của ngân hàng Bắc Á tại các dự án, các chương trình giới thiệu, truyền thông… Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại tỉnh Nghệ An” có tổng mức đầu tư là 1,2 tỷ USD trên tổng diện tích 37.000 ha với tổng đàn bò gồm 137.000 con. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành giai đoạn 1 với 45.000 con bò trên diện tích 8.100 ha đất, mức đầu tư gần 400 triệu USD. Với doanh thu năm 2012 là 2.000 tỷ đồng, năm 2013 là 3.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2014 là 5.000 tỷ đồng, và năm 2017 là 15.000 tỷ đồng. Nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Đông Nam Á có công suất 500 triệu lít/năm đã được hoàn thành đưa vào sử dụng vào ngày 9/7/2013, tiếp đến là các dự án trồng và chế biến dược liệu sạch, trồng rau củ quả sạch...
Trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ngân hàng Bắc Á, Tổng giám đốc Thái Hương khẳng định đầu từ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là sứ mệnh quan trọng của ngân hàng, Thời gian tới, Bắc Á tiếp tục tư vấn đầu tư cho tập đoàn TH – nơi mà bà dành tâm huyết thực hiện dự án Chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2 tại tỉnh Nghệ An, đầu tư các dự án chăn nươi bò sữa mới tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Bắc Giang, Gia Lai và dự án sản xuất, chế biến dược liệu sạch tại tỉnh Nghệ An, Đắc Lắc và Lâm Đồng...
Theo Người đưa tin