Bị tố quấy rối tình dục, nam giám đốc có hành động bất ngờ

Google News

Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ, trong quá trình hành nghề, ông từng được biết và nghe về các vụ QRTD mà chính bản thân người quấy rối không cho rằng mình đang quấy rối người khác, đến khi bị tố cáo mới ngớ người.

Quấy rối tình dục, nạn nhân không chỉ là nữ giới
Quấy rối tình dục (QRTD) là vấn đề nhức nhối đang được dư luận quan tâm. Nạn nhân của QRTD không chỉ là nữ, mà còn có cả nam giới.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, nam giới cũng là đối tượng có nguy cơ bị quấy rối tình dục cao, có thể bị phái nữ hoặc chính phái nam quấy rối. Thực tế, những vụ việc đàn ông bị quấy rối không phải là hiếm, song nạn nhân thường bị xem nhẹ.
Không nhiều nam giới công khai tố cáo chuyện bản thân bị quấy rối. Nhiều trường hợp có thể trở thành tâm điểm bị đả kích, cười cợt khi công khai.
Bi to quay roi tinh duc, nam giam doc co hanh dong bat ngo
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội. Ảnh: NVCC
Năm 2023 từng xảy ra vụ việc nam giáo viên trẻ ở TP.HCM lên tiếng tố cáo Phó hiệu trưởng trường QRTD. Theo thầy giáo này, vị quản lý có những biểu hiện không đứng đắn như thường dùng tay chạm vào vùng riêng tư của mình, gửi những tin nhắn nhạy cảm, dùng từ ngữ thiếu chuẩn mực.
Thầy giáo trẻ đã phản ánh lên hiệu trưởng. Hiệu trưởng lại cho rằng "đây là câu chuyện của hai người". Thậm chí, thầy giáo trẻ còn nhận được nhiều bình luận như "đàn ông với nhau, đùa như vậy là thường", hoặc nếu có quá đà thì cũng "chẳng hay ho gì mà lôi ra", "chỉ xấu mặt cả hai".
Hay một câu chuyện khác tại công sở của người đàn ông tên H. Anh cho biết, mình thường bị quấy rối tình dục tại công ty cũ, bị lôi vấn đề thân thể, các bộ phận riêng tư và "bản lĩnh đàn ông" ra bình phẩm, đùa giỡn…
Ngoài lời nói, anh H. thường xuyên bị chị quản lý lớn hơn 4 tuổi tấn công bằng những hành vi thiếu đứng đắn như nhìn chằm chằm, đụng chạm, vuốt ve, sờ ngực, mông... Không ít lần H. phản ứng, tỏ rõ thái độ không đồng tình nhưng ai cũng cho đó là chuyện bình thường.
Bi to quay roi tinh duc, nam giam doc co hanh dong bat ngo-Hinh-2
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Freepik
Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ, trong quá trình hành nghề, ông từng được biết và nghe về các vụ QRTD mà chính bản thân người quấy rối không cho rằng mình đang quấy rối người khác, đến khi bị tố cáo mới ngớ người.
Cách đây vài năm từng có vụ việc giám đốc một trung tâm nghiên cứu bị đồng nghiệp tố cáo có hành vi quấy rối đạo đức và tình dục nhân viên nữ. Người lên tiếng không phải là nạn nhân, mà là một đồng nghiệp chung của hai người.
Tuy nhiên, ông giám đốc này đã viết bức thư "tuyên bố trong sạch" khẳng định mình vô tội, sẽ tìm cách chứng minh sự trong sạch bằng mọi giá. Đến hiện tại, không có tin tức gì liên quan đến việc chứng minh vô tội của vị giám đốc, còn trung tâm nghiên cứu đã có giám đốc mới.
Hay những hoạt động, trò chơi trong những dịp "team-building" của công ty cũng được nhiều người xem là trò đùa. Ít ai cảm thấy có người lợi dụng thực hiện hành vi QRTD. Cũng có người không thoải mái, nhưng không dám phản ứng, sợ bị cho là không hòa đồng, hoặc đang làm quá lên. Những hành vi như khoác vai, chạm eo nếu bị phản ứng, thường được bào chữa bằng lý do "thân thiết, quý mến".
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, khi bị QRTD tại nơi làm việc, người lao động cần ứng xử khéo léo, khôn ngoan, kịp thời với 3 nguyên tắc cần phải nhớ: Nói không, bỏ đi và thông báo.
Trường hợp người quấy rối là đồng nghiệp cùng cấp hoặc cấp dưới thì khiếu nại lên cấp trên. Nếu cấp trên không giải quyết thì có thể báo cáo lên cơ quan quản lý của cấp trên.
Trong trường hợp cấp trên là người quấy rối, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ Luật Lao động.
Điều quan trọng là người bị quấy rối nên lựa chọn cách ứng xử khéo léo để đảm bảo không bị quấy rối và vẫn có cơ hội làm việc.
Vực dậy tinh thần cho nạn nhân bị quấy rối tình dục
Trong quá trình công tác, Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Chi - chuyên gia tâm lý - Viện Tâm lý học Nhân văn nghe rất nhiều tâm sự của những nạn nhân bị QRTD. Một câu chuyện chị nhớ sâu sắc đó là lời tâm sự của một cô gái từng bị QRTD bởi chính những người anh em họ của mình. Vì là mối quan hệ họ hàng, rất khó để nói ra và đối tượng là 2-3 người nên cô gái đó sợ hãi, hoảng loạn, giữ kín trong lòng.
Những lần quấy rối ấy đã trở thành vết hằn trong tiềm thức của cô gái trẻ. Để rồi, nó trở thành vết thương tinh thần khó xóa nhòa, đeo đẳng cô mãi đến khi trưởng thành. Vốn là một học sinh rất giỏi, nhưng vì chịu những tổn thương tinh thần từ nhỏ, cô gái ấy luôn đánh giá thấp bản thân mình, tự hạ thấp giá trị của mình.
Bi to quay roi tinh duc, nam giam doc co hanh dong bat ngo-Hinh-3
Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Chi - chuyên gia tâm lý - Viện Tâm lý học Nhân văn. Ảnh: NVCC
Thế nên dù sau này, khi có một công việc tốt, thu nhập ổn, nhiều đàn ông thành đạt theo đuổi thì cô cũng chỉ dám chọn một người đàn ông bình thường, công việc, địa vị xã hội kém mình về mọi mặt để cưới. Bởi cô cho rằng mình chỉ xứng lấy người như thế. Và khi bước chân vào hôn nhân và ngay cả khi có chuyện “giường chiếu” vợ chồng, cô luôn bị ám ảnh bởi những kí ức bị QRTD ngày trước. Vết thương ấy như dao cứa vào tim cô, cuộc sống hôn nhân cũng vì vậy mà không thể hạnh phúc.
“Tôi hiểu rằng hậu quả từ chuyện bị QRTD đối với cô gái ấy là rất lớn nên mỗi lần nhắc lại, cô ấy đều vô cùng sợ hãi. Vì vậy, để vực dậy tinh thần, thay đổi suy nghĩ của cô gái đó, tôi đã tiếp xúc thường xuyên, chia sẻ và đưa ra những giải pháp tâm lý cụ thể giúp cô ấy nhận ra giá trị của bản thân, để cô ấy quên đi nỗi ám ảnh quá khứ, bao dung với quá khứ đồng thời bao dung với chính bản thân mình.
Giúp cô ấy hiểu rằng, chỉ khi mình thấy bản thân có giá trị và chuyện quá khứ nên buông bỏ thì mới có thể lạc quan với hiện tại. Và giờ cô ấy đã trở thành một người hoàn toàn khác, sống hạnh phúc, vui vẻ bên chồng con”, nhà tâm lý học chia sẻ.
Từ câu chuyện trên, chị Chi cho rằng, các phương pháp cần để giúp người bị tổn thương vượt qua nỗi ám ảnh vì bị QRTD là giúp nạn nhân hiểu tại sao mình lại rơi vào bối cảnh đó. Khi nạn nhân tìm được nguyên nhân, gỡ bỏ được những hình ảnh trong tâm trí của mình về đối phương, họ mới có thể buông bỏ được quá khứ. Người bị quấy rối không nên găm vào đầu hình ảnh đó với tư tưởng thù hằn.
Và điều quan trọng hơn cả, người bị quấy rối nên hiểu rằng họ xứng đáng được hạnh phúc. Những tổn thương quá khứ không nên là nguyên nhân khiến họ cho rằng mình không xứng đáng với bất cứ ai hoặc không có quyền sống vui vẻ. Bao dung cho người khác chính là bao dung với chính mình. Luôn sống trong tâm lý oán trách, thù hằn sẽ chỉ khiến nỗi đau ấy đeo đẳng mãi cuộc đời, ảnh hưởng tương lai.
Trên thực tế rất nhiều người vì ám ảnh quá khứ mà sự nghiệp không thể phát triển, hôn nhân không thể hạnh phúc. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra rằng, tha thứ, bao dung với kẻ quấy rối trong trường hợp này chính là cứu rỗi bản thân mình chứ không có nghĩa là phải cam chịu, bỏ qua cho kẻ đã gây ra nỗi ám ảnh đó.
Theo Tú Linh/Vietnamnet