Cận Tết ngộ độc rượu gia tăng, cấp cứu thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm tình trạng ngộ độc rượu tăng cao. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trang suy gan, suy đa tạng sau uống rượu, thậm chí tử vong.

Tình trạng ngộ độc rượu cấp tính thường tăng mạnh vào dịp trước, trong và sau Tết. Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng hôn mê sâu với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận, thậm chí tử vong.
Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai mới đây tiếp nhận bệnh nhân 29 tuổi quê ở Hưng Yên bị ngộ độc rượu. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, khoảng 2 giờ chiều 2/1, thanh niên này đi uống rượu cùng bạn và về nhà ngủ lúc 4 giờ chiều. Tối, gia đình gọi dậy ăn tối, nhưng anh này nói không muốn ăn. Sáng 3/1, người nhà vào gọi dậy thì nam thanh niên này đã không có phản xạ, chân tay lạnh, duỗi cứng. Bệnh nhân nhập viện huyện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, ứ đọng đờm dãi, suy hô hấp, đường máu thấp, phải đặt nội khí quản.
Can Tet ngo doc ruou gia tang, cap cuu the nao?
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên thăm khám bệnh nhân ngộ độc rượu. Ảnh: Tiền Phong. 
Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy có tổn thương não lan tỏa ở hai bên. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi bị đột quỵ và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai tối 4/1 trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy, nhiễm toan chuyển hoá, tiêu cơ vân nặng kèm hội chứng suy thận. Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức, lọc máu nhưng vẫn hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não nặng không hồi phục. Sáng 6/1, gia đình xin cho bệnh nhân về vì không có khả năng cứu chữa. Sau đó, bệnh nhân tử vong tại nhà.
Trước đó, riêng trong tháng 10/2020, có 18 trường hợp ngộ độc methanol được xác nhận tại Trung tâm. Phần lớn các ca bệnh này đều nặng và có trường hợp đã tử vong. Bác sĩ Nguyên cho biết, đây chỉ là một trong số hàng chục trường hợp tử vong do ngộ độc rượu thông thường (rượu Ethanol). Nguyên nhân tử vong thường gặp nhất là do uống nhiều rượu dẫn đến hạ đường huyết.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân khiến ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng là do thị trường vẫn tồn tại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao (cồn công nghiệp), rượu giả… do ý thức của người sản xuất kinh doanh, vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật. Trong khi đó, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, các cơ quan chức năng cũng chưa quản lý hiệu quả chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là rượu thủ công.
Can Tet ngo doc ruou gia tang, cap cuu the nao?-Hinh-2
Nguyên nhân khiến ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng là do thị trường vẫn tồn tại rượu không đảm bảo an toàn, rượu chứa hàm lượng methanol cao (cồn công nghiệp), rượu giả…Ảnh: TTXVN. 
Cách xử trí và điều trị ngộ độc rượu
- Xử trí khi ngộ độc rượu:
+ Nếu nồng độ rượu trong máu dưới 3g/l, giã rượu bằng phương pháp dân gian, nằm nghỉ càng lâu càng tốt. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa).
+ Đặt người bị ngộ độc rượu ở tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.
+ Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai và mắt, loạn nhịp tim, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Mời độc giả theo dõi video "Cảnh báo ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới". Nguồn: VTV1.

- Cách điều trị người bị ngộ độc rượu:
+ Theo dõi huyết áp, mạch, nhịp thở, nhiệt độ thường xuyên.
+ Giảm độc tố của rượu: tăng chuyển hóa rượu bằng nhiều cách khác nhau, đầu tiên là các loại đường glucid, fructose, glucose để giảm nhanh nồng độ rượu trong máu, làm chậm sự hấp thu rượu.
+ Thông đường thở, cho thở ô xy, bóp bóng, máy thở hỗ trợ nếu cần, để loại nhanh cồn ethylic.
+ Nếu bệnh nhân hôn mê: xoay trở thường xuyên 2 giờ/lần để chống loét; đặt thông tiểu để theo dõi lượng nước tiểu của bệnh nhân; hút dịch tiêu hóa; làm ấm từ từ cơ thể, nếu hạ nhiệt độ; rửa dạ dày bằng than hoạt tính hoặc muối kiềm; sử dụng thuốc lợi tiểu. Nếu người bị ngộ độc rượu có biểu hiện vật vã cần cho thuốc an thần (lưu ý phải rất thận trọng); hỗ trợ tim mạch, ổn định huyết áp; sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu...
Cách phòng tránh ngộ độc rượu:
Để phòng tránh ngộ độc rượu, Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo:
+ Không uống rượu pha cồn công nghiệp, rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
+ Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
+ Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
+ Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
+ Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.
Thảo Nguyên