Cô gái bị ung thư dạ dày vì thói quen dân văn phòng hay mắc

Google News

Nữ MC người Trung Quốc bàng hoàng vì chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vòng Signe ở dạ dày. Cô đã được cơ thể gửi tín hiệu cảnh báo từ sớm nhưng bỏ qua triệu chứng.

Co gai bi ung thu da day vi thoi quen dan van phong hay mac
 Nữ MC Trung Quốc được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày ở tuổi 29 vì thói quen ăn uống kém khoa học. Ảnh minh họa.
Theo Stheadline, cô Tào, 29 tuổi, là người dẫn chương trình, thường xuyên bị đau bụng, khó tiêu. Cô cho rằng bản thân bị đau dạ dày thông thường nên đã tự uống thuốc điều trị.
Sau khi nhận thấy cơn đau bụng ngày càng dữ dội, cô Tào đã đến bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán mắc ung thư.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân mắc một loại ung thư dạ dày rất hiếm gặp là ung thư biểu mô tế bào vòng Signe, với 2 vết loét và nhiều đốm đỏ trên niêm mạc hang vị dạ dày.
Nữ MC chia sẻ rằng cô thường xuyên gặp áp lực trong công việc, bỏ bữa sáng, ăn uống không đúng giờ, sử dụng nhiều rượu và cà phê. Với chế độ sinh hoạt và ăn uống không điều độ này, khi bị đau dạ dày, cô nghĩ rằng vấn đề không quá nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Lý Lực, Trưởng khoa khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Trung ương quận Dương Phố (Thượng Hải), ung thư biểu mô tế bào vòng Signe ở dạ dày là một loại ung thư rất khó phân biệt, triệu chứng giống bệnh viêm dạ dày hoặc loét dạ dày.
Một số biểu hiện ban đầu của bệnh bao gồm đầy bụng và khó chịu, đau âm ỉ, ợ hơi, buồn nôn, trào ngược axit, chán ăn... Bệnh ung thư này hiếm khi được phát hiện sớm.
Bệnh chủ yếu được phát hiện ở giai đoạn cuối và di căn rất nhanh dưới niêm mạc dạ dày. Thời gian sống sót của bệnh nhân ở giai đoạn cuối chỉ 6-12 tháng, tỷ lệ sống sót sau 5 năm gần như bằng 0.
Bác sĩ Lý Lực cho biết để phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày, người dân cần làm 4 việc sau:
1. Thường xuyên nội soi dạ dày. Bác sĩ cũng chỉ ra các nhóm người nên nội soi dạ dày càng sớm càng tốt để sàng lọc ung thư:
Những người dưới 40 tuổi.
Người sống trong môi trường có tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày cao.
Người từng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
Người từng bị viêm dạ dày teo mạn tính, loét dạ dày, polyp dạ dày, viêm dạ dày phì đại, thiếu máu ác tính.
Người có các yếu tố nguy cơ khác của ung thư dạ dày (như ăn nhiều muối, hút thuốc, uống nhiều rượu).
2. Ăn uống đầy đủ, đều đặn, không để bữa đói bữa no. Hạn chế ăn thực phẩm quá chua, cay nóng, nhiều dầu mỡ và muối.
3. Không hút thuốc, uống rượu. Nicotine có trong khói thuốc lá có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, thúc đẩy hình thành viêm dạ dày và loét dạ dày, đồng thời làm chậm quá trình lành vết thương, kích thích dạ dày và gây viêm.
4. Giữ tâm trạng vui vẻ. Làm việc cường độ cao và căng thẳng tinh thần quá mức cũng có thể gây ra bệnh dạ dày. Vì vậy, việc điều tiết cảm xúc là rất quan trọng, bằng cách giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ có thể cải thiện các triệu chứng khó tiêu, vấn đề tiêu hóa khác.
Theo Hảo Hảo/Tạp chí Tri thức