Hành xử của cha mẹ trước nguy cơ con cái tan vỡ hôn nhân

Google News

Khi con cái đứng trước nguy cơ tan vỡ, cha mẹ không nên chỉ lắng nghe một phía, cũng không nên bênh vực hay phán xét bên nào một cách vội vàng, hấp tấp, chủ quan.

Hanh xu cua cha me truoc nguy co con cai tan vo hon nhan
Cha mẹ cần mang đến cho các con tinh thần yêu thương, tha thứ để giúp con hành xử lý trí, sáng suốt hơn. Ảnh: Internet
Khi người trẻ ít kiên nhẫn với hôn nhân
Tết này sang nhà bạn chơi, khi tôi hỏi vợ chồng em trai bạn đi đâu vắng nhà thì cả nhà buồn rười rượi thông báo rằng vợ chồng nó đã ly hôn trước tết. Hai đứa mới cưới hơn 2 năm, có con gái còn nhỏ xíu nhưng do bất đồng nhiều thứ nên chọn chia tay. Con dâu đưa cháu về nhà mẹ đẻ và không cho gia đình chồng thăm nom. Nhớ cháu, mẹ bạn tôi sụt hẳn 8kg và lúc nào cũng buồn bã.
Thống kê cho thấy, số vụ ly hôn ở Việt Nam tính đến năm 2023 lên tới mức 60.000 vụ/năm, tương đương với 0,75 vụ/1.000 dân. Đây là con số đáng báo động khi tỉ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, đồng nghĩa với cứ 4 cặp vợ chồng khi đi đăng ký kết hôn thì sẽ có 1 cặp ra tòa ly hôn. Cuộc sống với nhiều mâu thuẫn khiến cho các đôi trẻ không thể chung sống với nhau, thậm chí nhiều cặp đôi đã chung sống với nhau rất nhiều năm nhưng cũng đi đến quyết định này.
Nguyên nhân tan vỡ hôn nhân ở các cặp vợ chồng trẻ rất nhiều, tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, phụ nữ ngày càng ít phụ thuộc vào hôn nhân và có yêu cầu cao hơn với người bạn đời. Họ không chỉ mong muốn người chồng cùng vợ lo kinh tế, san sẻ việc nhà, không có các thói hư tật xấu như bạo lực, lăng nhăng, rượu chè, cờ bạc, mà còn phải yêu thương và gắn kết tâm hồn với vợ.
Một nguyên nhân nữa cũng rất đáng lưu tâm là các cặp vợ chồng trẻ ngày nay thường thiếu các kỹ năng cần thiết cho đời sống gia đình, ví như cách xử lý xung đột, cách điều hòa mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Vì vậy, họ thường xuyên vấp phải xung đột và gây tổn thương cho nhau bởi những cách ứng xử không phù hợp.
Rời khỏi cuộc hôn nhân ngột ngạt và sau đó tái hôn, N.T.N.C (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa) cho biết cuộc sống cũng không có nhiều thay đổi, chỉ có điều, sự chịu đựng của bản thân nhiều hơn trước mà thôi.
Chị C chia sẻ: “Tôi tái hôn và nhận ra rằng người nào cũng có nhược điểm, gia đình nào cũng có những góc khuất mà người ngoài không nhìn thấy được. Giờ nhìn lại mới thấy nguyên nhân khiến hôn nhân đầu tan vỡ là do cái tôi của cả hai quá lớn. Tôi chỉ toàn nhìn vào điểm xấu của chồng cũ, mà không nhìn nhận những điều chồng làm được.
Còn chồng tôi, thay vì giải quyết mâu thuẫn để hai vợ chồng hiểu nhau, lại tìm đến mẹ để kể tội vợ. Mẹ nghe từ một phía, tức giận xúi con trai ly hôn vì vợ không có đứa này thì có đứa khác. Tôi nghe được câu chuyện lại hằn học với mẹ chồng. Mâu thuẫn cứ thế dâng lên và đến đỉnh điểm thì chia tay”.
Cha mẹ cần can thiệp đúng cách
Các chuyên gia về gia đình cho rằng, cha mẹ cần hiểu rằng con cái khi đã lập gia đình là chúng đã có cuộc sống riêng của mình. Gia đình của con là một tổ chức riêng, và phải được điều hành một cách độc lập bởi ý chí của các con. Cách các con lèo lái gia đình đó, những va chạm, mâu thuẫn, xung khắc và cả thương yêu, chính là một trong những con đường đi tới sự trưởng thành của chúng.
Bà N.T.T (TP Tuy Hòa) những ngày trước tết rối bời vì con dâu đã gửi đơn lên tòa án để ly hôn. Con dâu cũng chuyển đồ đạc, đưa cháu nội về nhà mẹ đẻ ở TX Sông Cầu sau những trận cãi vã nảy lửa với chồng. Mặc dù xót ruột, lo lắng nhưng bà T không dám can thiệp quá sâu vào gia đình con mà chỉ bảo con dâu nếu còn nhiều khúc mắc thì cứ về nhà mẹ đẻ và khi nào muốn về nội thì gọi điện, gia đình sẽ mang xe ra đón về.
Trong thời gian ấy, bà T nói chuyện với con trai về việc con dâu là do chính con trai chọn; rằng con đã có 30 năm vô lo vô nghĩ và đã đến lúc trưởng thành, chịu trách nhiệm với gia đình, con cái; rằng nếu tan vỡ, hai con đều có điều kiện để tìm gia đình mới nhưng nếu con trai không thay đổi mà cứ sống phóng túng thì sẽ còn nhiều cuộc hôn nhân nữa chứ không dừng lại ở lần hai. Và nhất là với con cái, chúng sẽ tổn thương rất nhiều khi cha mẹ đổ vỡ. Dù vậy, nếu vợ chồng nhất quyết ly hôn thì bà sẽ không cản.
Thời gian các con ly thân, cứ mỗi 2 tuần, vợ chồng bà đánh xe ra TX Sông Cầu thăm cháu, đưa cháu đi ăn, đi chơi và tuyệt nhiên không nói với con dâu về việc quay lại nhà chồng. Sau thời gian cảm nhận được tình thương, sự quan tâm của ba mẹ chồng và nhận thấy những thay đổi tích cực từ chồng, người con dâu đã mang cháu nội về nhà. Tết này, cả gia đình bà T có một chuyến du lịch dài ngày từ mùng 5 tết đến sau rằm tháng Giêng, như là cách kết nối lại gia đình sau nhiều lục đục.
Khi con cái đứng trước nguy cơ tan vỡ, cha mẹ nào cũng xót ruột, lo lắng và muốn làm điều gì đó giúp con mình. Thế nhưng, sự yêu thương dành cho con ruột nhất định sẽ có phần thiên lệch khiến cho cái nhìn của cha mẹ và sự phán xét, khuyên bảo, góp ý... mang tính chủ quan, không hoàn toàn công tâm. Vì vậy, theo các chuyên gia về gia đình, điều cha mẹ nên làm khi cảm thấy gia đình các con có vấn đề, là mang đến cho các con cảm giác về tình yêu thương, nhận thức rõ ràng về sự ấm áp của tình cảm gia đình khiến các con hướng mọi xử sự của mình theo hướng trân trọng những yêu thương mà mình đang có, từ đó sẽ hành động sáng suốt, lý trí và tình cảm hơn. Như gia đình bà T, nhờ bà đứng giữa, thấu hiểu, yêu thương và mong muốn hòa giải nên đã góp phần rất lớn để giữ gìn, tránh việc gia đình của con tan vỡ, con mình, cháu mình phải rơi vào cảnh tan đàn xẻ nghé.
Theo Thái Hà/Báo Phú Yên