Hậu Covid-19, trẻ 2-3 tuổi có xu hướng gia tăng tình trạng chậm nói

Google News

Thời gian dài giãn cách ở nhà vì Covid-19, trẻ thường xuyên tiếp xúc với thiết bị điện tử, ít tương tác với người thân, môi trường xung quanh nên trẻ chậm nói.

Hậu Covid-19, tỷ lệ chậm nói gia tăng gần 50%

Theo ghi nhận của ThS.BS Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), thời gian gần đây cứ 10 trường hợp trẻ đến tư vấn tâm lý tại Bệnh viện Nhi đồng 1, thì có tới 2 - 3 trẻ chủ yếu từ 2 - 3 tuổi bị chậm nói.

May mắn, 95% trong số này là trẻ chậm nói đơn thuần không đi kèm theo nguyên nhân bệnh lý.

Hau Covid-19, tre 2-3 tuoi co xu huong gia tang tinh trang cham noi
Tư vấn tâm lý cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1. 

BS Đinh Thạc cho biết, 5% trẻ chậm nói còn lại liên quan đến bệnh lý do  bất thường hở môi hở hàm ếch, bất thường về tâm thần hoặc thính lực kém, do biến chứng bệnh lý màng não, do rối loạn phổ tự kỷ...

Trẻ chậm nói là tình trạng chung trên thế giới, đặc biệt sau hậu Covid-19. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ công bố, cứ 5 trẻ dưới 5 tuổi có 1 trẻ bị chậm nói.

Tỷ lệ chậm nói gia tăng gần 50% do trẻ xem, chơi các thiết bị điện tử như điện thoại, ipad, tivi… suốt thời gian dịch bệnh Covid-19.

Từ 2-3 tuổi là khoảng thời gian vàng để trẻ phát triển ngôn ngữ. Đối với trẻ chậm nói đơn thuần, nguyên nhân chậm nói hơn 80% do yếu tố tâm lý xã hội.

Thời gian nghỉ ở nhà do dịch Covid-19, cha mẹ do bận rộn, lại thêm lo lắng về bệnh tật, tài chính, ít tương tác, giao tiếp với trẻ đồng thời tâm lý sợ trẻ quậy phá nên để trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử.

Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo, trẻ trên 2 tuổi mới được tiếp xúc với thiết bị điện tử, thời lượng tiếp xúc cũng ở mức hạn chế, không quá 2 tiếng mỗi ngày để không ảnh hưởng đến việc phát triển ngôn ngữ của trẻ.

ThS.BS Đinh Thạc, nếu ban ngày rất bận, cha mẹ có thể dành thời gian vào buổi tối để chơi với trẻ bằng các trò chơi tương tác như trốn tìm, nói chuyện, đá bóng, chơi vòng…

Trẻ sẽ trở nên thích thú và có thể bật được âm nói. Đặc biệt, nên dạy trẻ tiếp xúc trực tiếp bằng mắt càng nhiều càng tốt.

Việc này sẽ giúp trẻ dần dần hiểu được người lớn nói gì, thêm vào đó, trẻ muốn gì, cha mẹ nên dạy bé chỉ những vật cần, dạy bé nói các đồ vật đó, điều này cải thiện tình trạng giao tiếp phi ngôn ngữ, tình trạng rối loạn ngôn ngữ, chậm nói ở trẻ rất hiệu quả.

Phối hợp đa ngành càng sớm càng hiệu quả trong trị liệu ngôn ngữ

Theo PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, Phòng khám Đa khoa, Bộ môn Nhi - Bộ môn Y học gia đình Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder) là một rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi sự suy giảm kéo dài về giao tiếp và tương tác xã hội, sự hạn chế hoặc lặp đi lặp lại về các mẫu hành vi, sở thích và hoạt động.

Các bệnh lý/bất thường về thể chất đi kèm rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) thường gặp là bệnh động kinh, hội chứng Down, các rối loạn dinh dưỡng và tiêu hóa.

Các bệnh lý/bất thường về thần kinh - tâm thần thường gặp bao gồm chậm phát triển toàn bộ/thiểu năng trí tuệ, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu - trầm cảm và rối loạn giấc ngủ.

Việc chẩn đoán phân biệt RLPTK với các bệnh lý/ bất thường khác rất khó, nhất là ở trẻ nhỏ. Một số chẩn đoán phân biệt cần lưu ý bao gồm: chậm phát triển toàn bộ/ thiểu năng trí tuệ, rối loạn giao tiếp/ xã hội, rối loạn ngôn ngữ, khiếm thính, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu…

Việc phối hợp đa ngành càng sớm càng cần thiết và hiệu quả hơn đối với các trẻ có phát triển bất thường về ngôn ngữ. Ngoài đơn vị Ngôn ngữ trị liệu còn có các chuyên khoa như bác sĩ gia đình, nhi khoa, nội thần kinh, tâm lý, tâm thần, tai mũi họng, tư vấn dinh dưỡng, phục hồi chức năng và các dịch vụ giáo dục sớm, giáo dục đặc biệt, giáo dục kỹ năng sống cùng tham gia phối hợp. 

>>> Mời độc giả xem thêm video Hội chứng bệnh lạ ở trẻ em liên quan Covid-19 (Nguồn: THĐT)
  
An Quý