Methanol dùng để đốt, rửa dụng cụ không phải nước sát khuẩn

Google News

Bộ Y tế khẳng định methanol không phải là thuốc, nguyên liệu làm thuốc và không được sử dụng cho mục đích sát khuẩn trong y tế.

Ngày 10/5/2022, Bộ Y tế đã có công văn số 2377/ BYT-QLD do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký yêu cầu tăng cường quản lý sản phẩm chứa methanol được mua, bán tại các cơ sở kinh doanh dược.

Methanol dung de dot, rua dung cu khong phai nuoc sat khuan
 Bộ Y tế nêu rõ “methanol là hóa chất dùng với mục đích là chất đốt, rửa dụng cụ, làm dung môi hóa chất xét nghiệm; chứ không được sử dụng cho mục đích sát khuẩn."

Bộ Y tế nêu rõ “Methanol là hóa chất dùng với mục đích là chất đốt, rửa dụng cụ, làm dung môi hóa chất xét nghiệm. Bộ Y tế khẳng định methanol không phải là thuốc, nguyên liệu làm thuốc và không được sử dụng cho mục đích sát khuẩn trong y tế.”

Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế kiểm tra đầy đủ thông tin về thành phần, nhãn mác trước khi mua, bán sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay.

Các cơ sở kinh doanh này cũng phải hướng dẫn cụ thể, đầy đủ cho người mua, bệnh nhân về các lưu ý, đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay.

Tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế trên địa bàn, đảm bảo cơ sở bán lẻ thuốc không được phép kinh doanh, bày bán các sản phẩm có chứa methanol.

Methanol dung de dot, rua dung cu khong phai nuoc sat khuan-Hinh-2
Một số cơ sở bán lẻ thuốc bày bán các sản phẩm chứa hóa chất methanol gây nhầm lẫn với cồn sát trùng.  

Đối với các cơ sở kinh doanh thuốc hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế, Bộ Y tế yêu cầu không kinh doanh các sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế khi phát hiện thành phần sản phẩm có chứa methanol…

Trước đó, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nam bệnh nhân (54 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội) ngộ độc do uống nhầm cồn. Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng đau đầu, mờ mắt, chóng mặt.

Theo gia đình người bệnh, do dịch bệnh Covid -19 nên gia đình đã mua cồn về để ở mỗi phòng 1 chai với mục đích tiện cho công tác sát khuẩn. Chai cồn 70 độ được đó được gia đình mua tại hiệu thuốc gần nhà.

Do mua tại hiệu thuốc nên gia đình tin tưởng để sử dụng cho mọi công tác sát khuẩn mà không đọc kỹ công dụng ghi trên nhãn mác: “Dùng làm chất đốt và rửa kính”.

Trung tâm đã xét nghiệm chai cồn do gia đình mang tới có nồng độ cồn công nghiệp methanol là 56%.

Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, loại cồn sát trùng thực sự chúng ta cần dùng phổ biến là ethanol, còn cồn công nghiệp methanol lại là hóa chất độc hại không được dùng làm sát trùng.

>>> Mời độc giả xem thêm video Bị kiểm tra nồng độ cồn, tài xế đánh Cảnh sát giao thông ( Nguồn: THĐT)
 
 
Phương Khánh