Ngộ độc cần sa nguy hiểm sao?

Google News

Theo bác sĩ, ngộ độc cần sa trong trường hợp nặng có thể gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp,...thậm chí tử vong.

Nhập viện vì ngộ độc cần sa
Mới đây, 3 phụ nữ làm nghề tạp vụ ở TPHCM đã phải đi cấp cứu sau khi ăn bánh socola và được phát hiện ngộ độc cần sa.
Nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) gần đây tiếp nhận 3 trường hợp phát hiện ngộ độc cần sa sau khi ăn bánh. Cụ thể, 3 bệnh nhân đều là phụ nữ (độ tuổi lần lượt là 43 tuổi, 38 tuổi và 31 tuổi), làm nghề tạp vụ.
Ngày 7/12, các bệnh nhân được thuê đến dọn dẹp nhà tại một căn hộ ở TP Thủ Đức. Trưa cùng ngày, họ được chủ căn hộ mời ăn một loại bánh socola. Sau ăn khoảng 15 phút, cả 3 có dấu hiệu chóng mặt, khó thở, nôn mửa nên được chuyển đến một phòng khám tư nhân.
Sau khi thăm khám, phòng khám nghi ngờ các nạn nhân ngộ độc chất kích thích nên chuyển đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu. Tại khoa Cấp cứu, 3 bệnh nhân được xét nghiệm nước tiểu, cho kết quả dương tính với chất tác động đến thần kinh Marijuana (cần sa).
Trước đó, vào năm 2022, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân nữ Phạm Thị Ch. (56 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.
Ngo doc can sa nguy hiem sao?
 Mẫu bỏng ngô đã sử dụng do gia đình cung cấp. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống. 
Báo Nhân Dân cho biết, kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân Ch. phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo đúng phác đồ nên đã qua cơn nguy kịch.
Ngộ độc cần sa nguy hiểm sao?
Bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cần sa là một chất kích thích, chất gây nghiện có chứa một số cannabinoid, với thành phần chính là chất delta-9tetrahydrocannabinol (THC).
THC sẽ gắn với thụ thể cannabinoid CB1 và CB2 ở não có thể gây ra các tác dụng kích thích, an thần hoặc ảo giác phụ thuộc vào liều và thời gian sau khi sử dụng. Ngoài ra, THC có thể đồng thời gây các tác dụng giải phóng catecholamine (gây nhịp tim nhanh) và ức chế phản xạ giao cảm (bệnh nhân tụt huyết áp tư thế).
Khi sử dụng cần sa, người dùng thường có triệu chứng như nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, xung huyết kết mạc, chảy nước mắt, nói nhiều, hoang tưởng, kích động mạnh thậm chí có những hành vi và hành động tiêu cực tự gây hại cho mình và người khác.
Sử dụng cần sa trong thời gian dài thường liên quan đến các bệnh lý tâm thần, viêm phế quản mạn, tăng nguy cơ ung thư, rối loạn nhịp tim và bệnh lý mạch vành. Khi ngộ độc nặng có thể gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, co giật, shock đe dọa tính mạng.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người ở Phú Yên ngộ độc thực phẩm

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)