Nghẹt thở giải cứu công nhân trong các tai nạn hầm mỏ

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc giải cứu 33 thợ mỏ Chile mắc kẹt trong hầm suốt 69 ngày được đánh giá là cuộc cứu hộ ấn tượng nhất thế giới.

Giải cứu hơn 200 công nhân mắc kẹt ở mỏ vàng Nam Phi
Hàng trăm công nhân đã xuống một mỏ khai thác vàng trái phép ở phía Đông thủ đô Johannesburg của Nam Phi từ ngày 15/2/2014. Tuy nhiên, đến ngày 17/2//2014, thế giới chấn động khi biết tin hơn 200 công nhân bị mắc kẹt trong mỏ khai thác vàng trái phép trên. Nguyên nhân của vụ tai nạn kinh hoàng trên được xác định là do lối ra bất ngờ bị đá rơi lấp kín.
 Công nhân được giải cứu thành công và đưa lên mặt đất.
Theo một số nguồn tin, một người tình cờ đi ngang qua khu vực xảy ra tai nạn trên  nghe thấy tiếng kêu cứu của những thợ mỏ nên đã vội vã thông báo với cảnh sát.
Ngay sau khi nhận được thông tin, giới chức trách đã cử đội cứu hộ tới hiện trường giải cứu các thợ mỏ. Khi đó, đội cứu hộ đã huy động những máy xúc hạng nặng để dỡ bỏ những tảng đá chắn lối ra đồng thời tạo lối thoát an toàn cho các thợ mỏ rời khỏi hầm. Sau hai giờ nỗ lực giải cứu các nạn nhân, đội cứu hộ đã đưa được toàn bộ thợ mỏ ra ngoài an toàn.
Cuộc cứu hộ bất hủ 33 thợ mỏ Chile mắc kẹt trong hầm 69 ngày
Vào ngày 5/8/2010, 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt ở độ sâu gần 700m do đường hầm chính dẫn vào khu mỏ vàng và đồng San Jose ở miền bắc Chile bất ngờ sụp xuống. Sau khi xảy ra tai nạn trên, Tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố sẽ dốc toàn lực để cứu các thợ mỏ. 
Trong suốt nhiều ngày tìm kiếm, đội cứu hộ đã thực hiện các mũi khoan thám sát để tìm kiếm tung tích và sự sống của các thợ mỏ nhưng không có tín hiệu khả quan. Khi mọi người tưởng chừng mất hết hy vọng, không còn thợ mỏ nào sống sót thì một máy khoan đã nhận được một mảnh giấy của các thợ mỏ gửi lên mặt đất để thông báo rằng "Chúng tôi 33 người vẫn ổn trong khu trú ẩn" vào ngày 22/8. 
Vị trí các mũi khoan đường hầm trong công tác giải cứu 33 công nhân Chile.
Sau khi nhận được thông tin đó, đội cứu hộ lập tức triển khai các công đoạn giải cứu trong đó có việc chuyển thực phẩm dành cho phi hành gia, nước uống và thuốc men để hơn 30 thợ mỏ duy trì sự sống.
Một trong những công tác khó khăn nhất trong việc giải cứu các thợ mỏ đó là khoan đường hầm giải cứu mất rất nhiều thời gian và công việc đó rất phức tạp. Từ ngày 30/8 - 20/9, đội cứu hộ lần lượt thực hiện 3 mũi khoan thành công, chạm đến hầm trú ẩn của các thợ mỏ.
 Lồng cứu hộ Phoenix được thiết kế để giải cứu 33 thợ mỏ mắc kẹt trong hầm lò.
Đến ngày 25/9, lồng cứu hộ đặc biệt Phoenix (Phượng hoàng), nặng 420 kg, được sơn màu quốc kỳ Chile, rộng hơn 53 cm, cao 1,9m do nhóm chuyên gia Chile hợp tác cùng NASA chế tạo được đưa tới hiện trường để giải cứu các nạn nhân. Kể từ đây, các nhân viên cứu hộ tiếp tục cố gắng đẩy nhanh tiến độ để đưa nhóm thợ mỏ lên mặt đất.
Sau đó, đội giải cứu đã gia cố những đoạn hầm cứu hộ không ổn định bằng ống thép và lắp đặt lồng cứu hộ Phượng hoàng vào vị trí, chuẩn bị chu đáo cho việc đưa những thợ mỏ lên trên mặt đất.
Cuối cùng, vào đêm 12/10 (theo giờ Chile), thợ mỏ đầu tiên được đưa lên mặt đất thành công. Sau 22 giờ, toàn bộ 33 thợ mỏ được giải cứu thành công và an toàn trở về với gia đình.
Cuộc giải cứu kỳ diệu hơn 3.000 công nhân dưới lòng đất ở mỏ vàng Elandsrand
Vào sáng ngày 3/10/2007, hơn 3.000 công nhân mỏ vàng Elandsrand, cách thành phố Johannesburg, Nam Phi 80 km về phía Tây bị mắc kẹt ở độ sâu 2,2 km khi một đường ống dẫn khí vỡ tung. Điều này khiến cho đường dây điện của toàn bộ các cầu thang máy dẫn lên cửa hầm bị phá hủy. Rất may là không có thợ mỏ nào bị thương nhưng do nhiệt độ lên tới 30-40 độ C, không có thức ăn và nước uống nên những người mắc kẹt trong mỏ trở nên lo lắng, hoảng loạn.
Sau khi nhận được thông tin, chính quyền đã điều lực lượng cứu hộ đến hiện trường giải cứu các nạn nhân. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp khá nhiều khó khăn do có nhiều đất đá, bùn lầy và nhiệt độ cao trong khu mỏ. Đội cứu hộ đã cố liên lạc với các công nhân bị mắc kẹt thông qua một đường dây điện thoại trong hầm. 
Để giải cứu các nạn nhân, đội cứu hộ đã sử dụng một thang nâng của đường hầm khác gần đó, chuyên dùng cho việc vận chuyển thiết bị, dụng cụ làm việc trong mỏ để đưa các công nhân lên trên mặt đất. Trong quá trình giải cứu các thợ mỏ bằng thang nâng trên, các nhân viên cứu hộ đã làm việc vô cùng thận trọng, tránh để xảy ra sai sót có thể khiến tai nạn khác diễn ra tiếp theo. 
Những công nhân trong lúc chờ được giải cứu đã được đội cứu hộ chuyển thực phẩm, nước uống qua khu vực gần hầm thông gió. Đến tối 4/10, công tác cứu hộ kết thúc và toàn bộ công nhân được cứu sống thành công.
Tâm Anh (tổng hợp)