Trung Quốc xác lập “Tư tưởng Tập Cận Bình“

Google News

(Kiến Thức) - Sau Chủ tịch lập quốc Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc đương quyền đầu tiên có hệ tư tưởng được đưa vào Điều lệ đảng.

Trong phiên bế mạc ngày 24/10/2017, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã đưa Tư tưởng Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trung Quoc xac lap “Tu tuong Tap Can Binh“
Sau Mao Chủ tịch, Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc đương quyền đầu tiên có hệ tư tưởng được đưa vào Điều lệ đảng. Ảnh: SCMP.
Bản thân Tập Cận Bình đã mô tả tư tưởng này như là một phần của hệ tư tưởng lớn được xây dựng từ “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, một khái niệm của Đặng Tiểu Bình. Tư tưởng này được cho là sự tiếp nối của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, "Thuyết ba đại diện" và Quan điểm phát triển khoa học.
Nội dung chính của "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" bao gồm:
- Hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và chấn hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa để Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa thịnh vượng, dân chủ văn minh.
- Xác định mâu thuẫn chủ yếu của xã hội chủ nghĩa thời đại mới là mâu thuẫn giữa nhu cầu cuộc sống ngày càng tốt đẹp của nhân dân với sự phát triển không tương xứng.
- Xác định chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là "5 trong 1", bố trí chiến lược là "bốn toàn diện".
- Mục tiêu của cải cách sâu rộng toàn diện là hoàn thiện và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa với đặc thù của Trung Quốc và thúc đẩy hiện đại hoá hệ thống quản trị nhà nước và năng lực quản trị.
- Thúc đẩy mục tiêu điều hành đất nước theo luật pháp là xây dựng một chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa có đặc điểm Trung Quốc và xây dựng một quốc gia xã hội chủ nghĩa pháp trị.
- Xây dựng quân đội nhân dân tuân theo sự lãnh đạo của đảng và giành chiến thắng, xây dựng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) thành một đội quân đẳng cấp thế giới.
Mời quý độc giả xem Video: Lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài (Nguồn: Truyền hình thông tấn):
- Quan hệ ngoại giao với đặc thù Trung Quốc nhằm thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế mới.
- Xác định đặc trưng bản chất và ưu thế lớn nhất của “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trên tờ “Nhân dân Nhật báo”, Giáo sư Hàn Khánh Tường thuộc Trường Đảng Trung ương đã có bài viết làm rõ nội hàm của “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.
Trước đó, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đề ra khái niệm “Trung Quốc mộng”. Tập Cận Bình mô tả rằng "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc". Ông cũng tuyên bố rằng những người trẻ tuổi nên "dám ước mơ, làm việc cần mẫn để thực hiện những ước mơ và đóng góp vào sự phục hồi của quốc gia".
Theo tạp chí lý luận của đảng Cầu Thị, giấc mộng Trung Quốc là sự thịnh vượng của Trung Quốc với nỗ lực tập thể, chủ nghĩa xã hội và vinh quang quốc gia. Để thực hiện điều đó, Ban lãnh đạo ĐCS Trung Quốc đã đặt ra hai mục tiêu trăm năm. Một là xây dựng một xã hội khá giả vừa phải vào năm 2020, tức là một năm trước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai là đưa Trung Quốc trở thành “siêu cường xã hội chủ nghĩa” vào năm 2049, tức đúng dịp tròn 100 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.
Con đường để thực hiện hai mục tiêu này là thông qua nguyên tắc “Bốn toàn diện”: xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách kinh tế-xã hội sâu sắc toàn diện, xây dựng một nền pháp trị toàn diện và quản lý Đảng bằng kỷ luật một cách toàn diện.
Theo Giáo sư Hàn Khánh Tường, xây dựng một xã hội khá giả toàn diện để làm nền tảng cho công cuộc hiện đại hóa và phục hưng dân tộc Trung Hoa; cải cách sâu sắc toàn diện là để tạo lực đẩy đi tới; nền pháp trị toàn diện để đảm bảo quản lý nhà nước một cách hiệu quả; thi hành kỷ luật đảng toàn diện là để đảm bảo cho khả năng lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc.
Một nội dung quan trọng khác của học thuyết này là xây dựng quân đội Trung Quốc hùng mạnh để đối phó với “sự chống đối của các cường quốc khác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc” mặc dù theo Giáo sư Hàn Khánh Tường, triết lý ngoại giao của Trung Quốc vẫn trung thành với nguyên tắc tạo môi trường hòa bình để phát triển.
Chuyên gia nghiên cứu Lăng Đức Quyền của Tân Hoa Xã nhận định: “Tư tưởng mới của Tập Cận Bình trong Báo cáo chính trị đã nắm chắc trọng tâm về kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc; chỉ ra mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc trong thời đại mới; làm rõ phương châm, sách lược cơ bản, thể hiện tôn chỉ vì nhân dân; nhấn mạnh yêu cầu kỷ luật đảng nghiêm minh và là tuyên ngôn chính trị, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Trung Quốc”.
Minh Châu (TH)