Gặp nhau cuối năm của xuân Canh Tý 2020 đánh dấu việc VTV giới thiệu format hoàn toàn mới sau khi dừng sản xuất Táo Quân. Sự thay đổi khiến nhiều khán giả kỳ vọng, nhưng đồng thời đón nhận không ít ánh mắt e dè.
Rốt cuộc, sau khi lên sóng, chương trình vấp phải tranh cãi trái chiều. Bên cạnh những ghi nhận trong nỗ lực đổi mới chương trình, nhiều ý kiến cho rằng chương trình năm nay thiếu đầu tư về mặt kịch bản và chưa rõ ràng về format.
|
Chương trình Gặp nhau cuối năm nay xây dựng một format mới thay thế Táo Quân. |
Format khác hoàn toàn Táo Quân
Thay vì mượn cốt truyện dân gian của Táo Quân với hình ảnh các Táo lên chầu trời và báo cáo Ngọc Hoàng tình hình của ngành mà bản thân đảm nhận trong suốt một năm dưới hạ giới, Gặp nhau cuối năm năm nay xoay quanh câu chuyện về làng Vũ Đại thời hội nhập.
Các nhân vật trong chương trình chủ yếu bước ra từ các tác phẩm văn học thời kỳ hiện thực phê phán, như Lão Hạc (Quốc Khánh), Thị Mầu (Vân Dung), Nô (Tự Long), Xuân tóc đỏ (Xuân Bắc), Mõ (Quang Thắng)….
Đặc biệt, Gặp nhau cuối năm lần đầu tiên có sự tham gia của bộ đôi danh hài là Xuân Hinh (vai Chí Phèo) - Thanh Thanh Hiền (bà Phó Đoan).
Câu chuyện mở đầu với sự kiện Mõ (Quang Thắng) kêu gọi họp làng. Từ đó, lần lượt các nhân vật cứ thế xuất hiện. NSƯT Quốc Khánh bước ra sân khấu với vẻ già nua trong vai cụ Hạc. Nhưng đây thực chất lại là nhân vật có tiếng nói quyền lực trong làng.
NSND Tự Long đảm nhận vai anh Nô mê làm ca sĩ. Nô luôn luôn khắc khẩu với Chí Phèo của Xuân Hinh. Cả hai sau đó còn có màn “đấu khẩu” qua việc thể hiện tài năng ca hát, nhưng chung cuộc không có ai chiến thắng.
Cùng với Nô là Thị Mầu của Vân Dung với biệt tài "sinh con ngoài giá thú". Chí Trung vào vai “ông hoàng truyền thông nghìn like”. So với các nhân vật khác, Chí Trung là đại diện của lối sống hiện đại, với phương châm "thốc, thếch, thến”. Nhân vật có hai đệ tử là Duy Nam và Trung Ruồi với những màn livestream bán hàng online.
Qua màn tung hứng của nhóm nhân vật, chương trình miêu tả về một ngôi làng cổ trong thời hội nhập, người người mở homestay để kinh doanh. Tuy nhiên, tổng thể nội dung có phần dài dòng, nhiều chi tiết thừa.
Bước ngoặt nội dung là sự xuất hiện Xuân Bắc với khả năng "chém gió" của Xuân “tóc đỏ". Xuân đi cùng vợ mình là bà Phó Đoan (Thanh Thanh Hiền). Cả hai liên tục đưa ra những sáng kiến đột phá nhằm phát triển ngành du lịch ở làng Vũ Đại.
Với biệt tài bốc phét, Xuân khuyên dân làng phải thay đổi. Cả làng Vũ Đại tin tưởng hoàn toàn đôi vợ chồng Xuân Tóc đỏ và sẵn sàng thay đổi diện mạo ngôi làng để làm giàu. Tất cả quyết tâm chặt cây đa, lấp giếng làng, rồi đập cổng làng.
Dù đồng lòng, song, thực tế không một ai dám phá cổng làng vì đó là nơi lưu giữ nhiều giá trị, bản sắc. Nhát búa cứ thế nâng lên rồi lại phải hạ xuống. Cuối cùng, tất cả nhận ra dù đổi mới, hội nhập cỡ nào, thì cũng phải giữ gìn được văn hóa riêng biệt, những giá trị mà cha ông để lại.
Như lời anh Nô trải lòng: "Bao đời nay, nếp sống của người làng được ghi tạc ở cổng làng, là những nét đẹp về phong tục, tập quán riêng biệt. Lũy tre thấp thoáng đàng xa. Mấy mươi bước nữa về qua cổng làng, trong lòng bỗng thấy xốn xang. Quê hương hai tiếng nặng mang suốt đời".
|
Ngoài Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, chương trình giữ nguyên đội hình của Táo Quân, chỉ vắng mặt Công Lý. |
Đậm tính giải trí, nhưng có quá dân dã?
Thay vì xây dựng kịch bản hài theo hướng “trào phúng”, đả kích các vấn đề xã hội như thương hiệu của Táo Quân, format mới của Gặp nhau cuối năm mang đậm tính giải trí. Chương trình không đi sâu vào việc phê phán các sự kiện nội cộm trong năm. Thay vào đó, Gặp nhau cuối năm lần này xây dựng nội dung nhẹ nhàng, hài hước, tổng hợp.
Chương trình sử dụng nhiều bài hát chế cùng các những làn điệu truyền thống như chèo, dân ca… Nhưng cũng lồng ghép qua các trend nổi tiếng trên mạng như "Để tao Phèo cho mà nghe", đi đua đưa đi, hay 1977 Vlog…
Hình thức thể hiện cũng tương đối phong phú. Ngoài tính hài đậm chất sân khấu, chương trình còn có múa dân gian, múa đương đại, nhảy hip hop, dance, ballet, thậm chí cả một chút nhạc kịch.
Thực tế, đây là format hài tổng hợp, cũng được ưa chuộng tại một số nước châu Á trong thời khắc chuyển giao đất trời trên sóng truyền hình. Ngoài tiểu phẩm hài, chương trình còn thu hút cả phần nhìn với ánh sáng, thiết kế sân khấu đẹp mắt.
Gặp nhau cuối năm năm nay cho thấy nhiều nỗ lực trong việc đổi mới. Ngoài format, tính chất của chương trình cũng thay đổi, và chứng tỏ sự mạo hiểm của nhà sản xuất nhằm cố gắng vượt thoát khỏi cái bóng quá lớn của Táo Quân suốt 16 năm qua.
Song, sau khi lên sóng, chương trình hứng chịu không ít lời phê bình từ khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng kịch bản chưa xứng tầm với một chương trình phát trên sóng giờ vàng đêm giao thừa với hàng chục triệu khán giả theo dõi.
Nhiều câu thoại và tình tiết trong chương trình bị cho quá dân dã, thậm chí phản cảm. “Tại sao một chương trình phát trên sóng giao thừa lại có những từ ngữ như nứng, toạc toạc, nhân vật thậm chí còn dùng cử chỉ để mô tả điều đó?”, khán giả Nguyễn Hiệp bình luận.
Trong khi đó, người xem Văn Khoa nêu quan điểm: “Nhiều đoạn trong chương trình bị nhảm, nói quá sâu về chuyện cướp, giết, hiếp. Nội dung cũng quá dài dòng, chỉ có mỗi đoạn cuối là xúc động, đáng xem”.
|
Chương trình mang đậm tính giải trí, thay vì đem lại tiếng cười trào phúng như những năm trước. |
Thực tế, nhiều chuyên gia từng nhận định rằng dân dã là một đặc tính của nghệ thuật hài nhằm tạo nên “tiếng cười tống cựu nghinh tân”. Tuy nhiên, sự dân dã ở Gặp nhau cuối năm dường như đã vượt qua giới hạn của một chương trình trước thời khắc giao thừa. Do vậy, ê-kíp khó tránh khỏi phản ứng tiêu cực từ công chúng.