Sau 4 ngày diễn ra phần thi đầu tiên của cuộc thi Miss Grand International 2017 (Hoa hậu Hòa bình Thế giới), bộ trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam - Á hậu Huyền My - đã lọt vào top 25 dựa vào lượng bình chọn của khán giả. Tuy nhiên cùng với đó, không ít ý kiến cho rằng, bộ áo dài của Huyền My khá rườm rà và hao hao với trang phục của Trung Quốc.
Huyền My đang chiếm ưu thế bình chọn
Được biết, đây là sản phẩm của nhà thiết kế Ngô Nhật Huy dành riêng cho
Á hậu Huyền My. Bộ trang phục nặng hơn 30 kg, với phần đuôi dài, được xẻ thành nhiều tà. Phần cầu vai, eo và tà áo được trang trí bằng những họa tiết hoa văn dát vàng. Chiếc mấn đội đầu được trang trí cầu kỳ, nặng gần 8kg. Hoa văn trên chiếc mấn và thân áo được lấy cảm hứng từ họa tiết thời Nguyễn, đặc biệt là từ Pháp lam cung đình Huế. Chất liệu được sử dụng cho bộ áo dài là vải gấm, tông màu đỏ vàng để tôn lên sự uy nghi và sang trọng. Huyền My cho biết, cô rất tự tin về bộ trang phục này và mong muốn được truyền tải tinh thần dân tộc thông qua áo dài truyền thống.
|
Dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều, bộ trang phục của Á hậu Huyền My vẫn đang nhận được lượng vote khá lớn. Ảnh: TL |
Sau 4 ngày đăng tải trên trang web của cuộc thi, Ban Tổ chức Miss Grand International 2017 đã chính thức công bố danh sách top 25 Quốc phục đẹp nhất cuộc thi. Trong đó, có 15 trang phục được lựa chọn dựa trên sự bình chọn của khán giả. Còn lại là 10 trang phục khác do chính Ban Giám khảo chọn ra - đảm bảo tiêu chí đẹp về hình thức nhưng không may mắn lọt top bình chọn.
Danh sách top 15 Quốc phục được khán giả bình chọn nhiều nhất gồm: Indonesia, Việt Nam, Campuchia, Philippines, Lào, Malaysia, Peru, Paraguay, Myanmar, Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ, Argentina, Nicaragua và Tây Ban Nha. Top 10 do Ban Giám khảo bình chọn vào top 25 chung cuộc gồm có: Trung Quốc, Haiti, Brazil, Cộng hòa Dominican, Hàn Quốc, Mexico, Panama, Sri Lanka, Tanzania và Venezuela.
Về lượng bình chọn trên trang fanpage của cuộc thi, bộ áo dài của Huyền My nhận được tới hơn 245.000 lượt like và hơn 2,1 triệu lượt share. Thứ hạng chỉ xếp sau Indonesia. Sau khi top 25 được BTC công bố, khán giả một lần nữa được bình chọn cho bộ Quốc phục mà mình yêu thích. Từ 10 bộ trang phục được khán giả bình chọn nhiều nhất, Ban Giám khảo sẽ chấm điểm để chọn ra sản phẩm chiến thắng. Kết quả sẽ được công bố vào đêm chung kết 25/10.
Nhà thiết kế nói gì?
Bên cạnh lượng bình chọn khá khả quan của khán giả, không ít ý kiến cũng cho rằng, bộ trang phục của nhà thiết kế Ngô Nhật Huy chưa làm toát lên yếu tố dân tộc rõ nét, vẫn hao hao với áo dài của Trung Quốc.
Để tìm hiểu thêm về chiếc áo dài của Á hậu Huyền My và sự sáng tạo với trang phục truyền thống dự thi, chúng tôi đã trò chuyện với nhà thiết kế Thuận Việt - người khá có duyên thiết kế trang phục dân tộc cho các người đẹp dự thi quốc tế. Cho đến giờ, người ta vẫn nhắc đến sự sáng tạo của anh trong bộ trang phục của Hoa hậu Phạm Hương tại cuộc thi Miss Universe 2015. Bộ trang phục thêu thủ công họa tiết chim hạc, riêng lá trúc trên áo dài được thêu kỳ công bằng loại chỉ ép nhũ vàng. Đặc biệt nhất, chiếc mấn hình chim hạc rất ăn nhập với họa tiết trên thân áo đã mang lại cho Hoa hậu Phạm Hương vẻ đẹp quyền lực, và cuốn hút.
Trước đó, bộ trang phục của Hoa hậu Diễm Hương mặc tại phần thi truyền thống của Miss Universe với họa tiết thổ cẩm cũng được đánh giá cao từ công chúng trong nước. Thế nhưng, khi được hỏi về thiết kế của Ngô Nhật Huy, nhà thiết kế Thuận Việt không muốn so sánh hay nhận xét trực tiếp về bộ trang phục của một nhà thiết kế khác. Thay vào đó, anh chia sẻ những nguyên tắc chủ đạo: “Khi thiết kế một trang phục dân tộc để dự thi thì điều đầu tiên là phải tính đến tiêu chí của từng cuộc thi. Ví dụ như ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thì phần trang phục dân tộc luôn đòi hỏi yếu tố phá cách, mới lạ. Yếu tố thứ hai là phải phù hợp với thí sinh mặc trang phục đó. Chẳng hạn, khi tôi thiết kế cho Trương Thị May dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 tại Moscow (Nga) thì ngoài việc mang bản sắc dân tộc của trang phục còn tính đến tính cách của Trương Thị May. Bộ áo dài lấy ý tưởng từ hình ảnh hoa sen, biểu trưng cho quốc hoa của Việt Nam và cũng gắn với việc Trương Thị May theo đạo Phật. Vì thế, cô sẽ đẹp hơn với bộ trang phục làm tôn lên thần thái của người theo đạo Phật. Cũng có người nói, các thiết kế của tôi đơn giản quá, không thấy được sự hoành tráng nhưng tôi cho rằng, văn hóa của Việt Nam không thiên về sự bề thế, cầu kỳ. Điều làm nên điểm nhấn cho trang phục là phối màu sắc phải tinh tế, phù hợp với người mặc. Còn hoành tráng chỉ là yếu tố phụ mà thôi".
Khác với nhà thiết kế Thuận Việt, khi chúng tôi liên hệ với nhà thiết kế Xuân Thu, chị đã đưa ra những nhận xét trực diện về bộ trang phục của Á hậu Huyền My: "Về tổng thể, tôi đánh giá cao ở bộ trang phục này là phần tay áo. Nó sáng tạo và độc đáo ở chỗ, khi khép hai tay áo vào với nhau sẽ hiện ra họa tiết hình mặt trời. Phom dáng nhìn cũng biết ngay đó là áo dài Việt Nam. Tiếc là nhà thiết kế hơi tham về chi tiết, khiến cho tổng thể bộ trang phục nhìn vào có cảm giác bị ngợp, rối. Chiếc mấn cũng là một sự độc đáo cho bộ trang phục vì xét về hình thể học thì xương sọ của người Việt nhỏ nên chiếc mấn có tác dụng che đi nhược điểm và làm cho khối đầu bề thế hơn. Giá như, các họa tiết trên mấn ăn nhập hơn nữa với phần thân áo và cân đối thêm thì gương mặt của Huyền My sẽ được tôn lên rõ nét hơn".
>>>> Video: Á hậu Huyền My bật mí về người đàn ông trong mơ:
Về việc các trang phục áo dài của Việt Nam khi dự thi hay bị so sánh giống với Trung Quốc, nhà thiết kế Thuận Việt cho rằng, điều đó là rất khó tránh khỏi vì văn hóa Việt Nam ảnh hưởng khá nhiều từ Trung Quốc. Vì vậy, nếu có bị giống ở vài chi tiết cũng không phải là vấn đề lớn. Quan trọng là bộ trang phục đó không phản cảm và lai căng. Nếu mình cứ cứng nhắc về yếu tố dân tộc quá thì tác phẩm sẽ bị khô cứng, rập khuôn. "Mới đây, tôi có làm giám khảo cho một cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc thì thấy, khi đụng đến đề tài này thì rất khó để không bị ảnh hưởng. Để hạn chế những ý kiến khác nhau thì các nhà thiết kế nên tránh sử dụng những họa tiết mang tính gần gũi với các nền văn hóa khác", nhà thiết kế Thuận Việt nói.
Theo Minh Nhật/Gia đình xã hội