Bản đồ Quy hoạch Thủ Thiêm thất lạc: Chuyện thật như đùa!

Google News

(Kiến Thức) - Bản đồ quy hoạch dự án Thủ Thiêm – một cơ sở quan trọng về mặt pháp lý đã “bỗng dưng” thất lạc khiến nhiều năm qua cả hệ thống chính trị phải vào cuộc kiếm tìm. Chuyện lạ lùng có thật trong công tác lưu trữ mà cứ ngỡ như chuyện đùa.

Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (TP HCM) có tổng diện tích 657ha và được quy hoạch là trung tâm hiện đại và mở rộng của thành phố Hồ Chí Minh với các chức năng là trung tâm tài chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ cao cấp…Để triển khai xây dựng dự án, 15000 hộ dân đã phải di dời với tổng số tiền chi trả bồi thường, tái định cư lên đến gần 30.000 tỷ đồng.
Một “siêu dự án”quan trọng như vậy thì tất nhiên những hồ sơ, văn bản pháp lý, bản đồ quy hoạch phải được lưu giữ cẩn thận. Tuy nhiên, tấm bản đồ gốc quy hoạch tỷ lệ 1/5000 – một văn bản pháp lý quan trọng đi kèm với Quyết định số 367 của Thủ tướng phê duyệt ngày 4/6/1996 đã bị thất lạc nhiều năm qua chưa được tìm thấy.
“Bản đồ này hiện tìm không ra. Thành phố đã chỉ đạo các sở ngành rà soát từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây, và báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp để có ý kiến”, “Từ năm 1995 đến nay nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm, họ cho biết không lưu trữ tấm bản đồ. "Tài liệu hồ sơ thì có lưu nhưng đi kèm với bản đồ thì không có", Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, ngày 2/5.
 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Tri thức trẻ.
Chánh Văn phòng UBND TP HCM - Võ Văn Hoan khẳng định: “ Bản đồ chưa tìm thấy trong hồ sơ lưu chứ không phải không có, các bộ ngành cũng đang cố gắng tìm.Trong thủ tục trình Chính phủ phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, mới được phê duyệt… Thành phố đang chỉ đạo phải truy bằng được".
Thất lạc bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 có lẽ là trường hợp hi hữu xảy ra tại TP HCM đến mức vô lý.
Bởi bản đồ quy hoạch nằm trong hồ sơ quy hoạch đô thị là tài liệu nhà nước được lưu trữ theo các quy định của Luật lưu trữ (trước đây là Pháp lệnh lưu trữ quốc gia và được bảo quản vĩnh viễn nên không thể để thất lạc. Hơn nữa tấm bản đồ này được lưu giữ tại nhiều cơ quan từ địa phương cho đến Trung ương nên khó mà trong cùng một thời điểm, thất lạc ở tất cả các cơ quan như thế.
Mất bản đồ quy hoạch 1/5000 không chỉ chuyện rất lạ lùng trong công tác lưu trữ mà còn khiến dư luận hoài nghi, người dân bức xúc khiếu kiện suốt nhiều năm trời.
Bởi bản đồ này được ban hành kèm theo quyết định 367/QĐ-TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm – đó là một cơ sở pháp lý quan trọng, ảnh hưởng nhiều từ việc quy hoạch dự án đến việc thu hồi đất, đền bù, giải tỏa, xây dựng dự án, cũng như xác định ranh giới giữa khu đô thị và phía ngoài khu đô thị.
Vì thế khiến dư luận đặt ra câu hỏi: “Không có bản đồ 1/5000 thì lấy cơ sở nào, TP HCM đưa ra bản đồ chi tiết 1/2000 và phê duyệt chi tiết, bồi thường, hỗ trợ, giải phòng mặt bằng” và lâu nay TPHCM lấy căn cứ, ranh giới ở đâu để thực hiện dự án?”.
Một dự án ảnh hưởng đến 15.000 hộ dân, hàng ngàn ha đất đã được giao cho doanh nghiệp, các chủ dự án thì tất nhiên tấm bản đồ quy hoạch ấy là quy hoạch định hướng và có tính khả thi như là cái gốc, trên cơ sở được Thủ tướng phê duyệt và dựa vào cơ sở quy hoạch gốc thể hiện cụ thể, chi tiết của dự án mà đơn vị thực hiện dự án xác định được hạng mục bên trong dự án, xác định ranh giới giữa khu đô thị và phía ngoài khu đô thị. Quan trọng hơn, nó là căn cứ gốc để xác định, nhà nào phải di dời, nhà nào không thuộc diện di dời.
Khi mất bản đồ quy hoạch gốc người dân có quyền nghi ngờ sự khuất tất trong quá trình giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai không đúng mục đích.
Người dân cho rằng, phần thu hồi tập trung đất nông nghiệp, ít đất dân cư và các cơ sở công cộng, trường học. Tuy nhiên, hàng loạt hộ dân không hiểu vì sao họ nằm ngoài quy hoạch cũng bị thu hồi đất. Hàng chục năm qua, hàng trăm người dân Thủ Thiêm đi khiếu nại gõ cửa các cơ quan chức năng từ địa phương cho đến Trung ương khi họ cho rằng, cần phải có bản đồ quy hoạch để xác định ranh đất của họ nằm trong hay ngoài quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm khiến nơi đây thành điểm nóng về khiếu kiện đất đai.
Trên thực tế, quá trình xây dựng, triển khai dự án này đã xảy ra nhiều tranh chấp, liên quan việc xác định ranh quy hoạch, dẫn đến kiện tụng kéo dài nhiều năm nay. Khi người dân đề nghị chính quyền cung cấp bản đồ đi kèm với Quyết định 367 để xác định ranh quy hoạch – bởi đó là mấu chốt để giải quyết những thắc mắc của người dân. Tuy nhiên, thành phố HCM không thể cung cấp được bản đồ. Dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài phức tạp mà không có hướng để giải quyết.
Tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng: “Bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996, cái này về pháp lý đã được xây dựng lại năm 2005”. Tuy nhiên, thực tế từ năm 1996 đến năm 2005, quy hoạch dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm bị “treo” cũng ngần ấy năm, nhiều hộ gia đình đã bị ảnh hưởng bởi quy hoạch này, đặc biệt là một số hộ dân đã được thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng trước 2005 dựa vào bản quy hoạch đã bị thất lạc.
Có một điều cũng lạ lùng không kém, trong khi các cơ quan ban ngành TP HCM cho rằng, có bản đồ 1/5000 và hiện đang bị thất lạc thì Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) – ông Nguyễn Hồng Điệp lại cho rằng, TP HCM cần sớm trả lời sòng phẳng, thẳng thắn với người dân là không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, vì Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng không có.
Nếu sự thật là không có tấm bản đồ quy hoạch 1/5000 như lời Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương thì lý do vì sao đại diện TP HCM lại trả lời rằng “Bản đồ chưa tìm thấy trong hồ sơ lưu chứ không phải không có”. Để minh bạch vụ việc trên, TP HCM nên giao Công an vào cuộc để làm rõ xem đó là do thất lạc hay do mục đích gì mà một số cá nhân phải giấu giếm. Đồng thời, đưa ra những giải pháp tốt nhất để giải quyết những kiến nghị của dân, khép lại những câu chuyện lùm xùm liên quan sự việc hi hữu trên.
Thiên Nga