Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng, người tiêu dùng kêu ai?

Google News

(Kiến Thức) - Vị lãnh đạo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam thừa nhận, thị trường TPCN đang phát triển nở rộ nhưng lộn xộn và khó kiểm soát, giá cả các sản phẩm bán ra không theo một căn cứ nào...

Những ngày qua, thông tin đăng tải trên báo Lao Động về góc khuất bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng online có thể khiến bất kỳ ai đọc cũng rùng mình vì sự tàn nhẫn của những người nhân danh thầy thuốc, nhà thuốc dỏm đế bán thuốc bằng mọi giá.
Rùng mình bởi ở trong guồng quay của thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) này, mọi chuẩn mực đạo đức bị gạt sang một bên. “Phải ép. Ép để bệnh nhân thấy rằng, bệnh của họ cần phải chữa ngay. Lực ép phải cao. Phải nói các thảo dược đang khan hiếm, nếu không nhận lấy cơ hội thì sau này chi phí điều trị sẽ tăng cao”; “Phải nhắc đi nhắc lại với khách 2 từ “khỏi bệnh”, để trong tâm trí của họ in hằn từ “khỏi bệnh”, có vậy người ta mới tin tưởng…” hay lời tư vấn lạnh lùng của những người mạo nhân danh bác sĩ, thầy thuốc mặt “búng ra sữa”: “Càng nhiều tiền, càng mặn mà thì càng kê nhiều. Cứ bịa ra thế chứ ai mà đi cân chỉnh lại liều lượng và thành phần thuốc bao giờ. Nó là TPCN mà, dùng có chết đâu…”.
“Một kẻ đọc, viết chưa sõi cũng có thể dõng dạc chẩn bệnh, kê đơn. Một kẻ nửa chữ về chuyên ngành y, dược không biết nhưng cũng có thể nổi lên như một bậc thầy tư vấn sức khỏe”… Tất cả chỉ vì hai chữ “lợi nhuận”.
Có thể nói, chưa lúc nào, người tiêu dùng bị “hoa mắt, chóng mặt” vì thông tin về TPCN như hiện nay và cũng chưa bao giờ TPCN lại đa dạng và dễ dàng mua bán, sử dụng như thế.
Được quảng bá sản phẩm Vinaca Ung thư CO3.2 hỗ trợ điều trị ung thư, nhưng bên trong các viên nang chỉ toàn than tre. Ảnh minh họa.
Theo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm TPCN của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN.
Trên các trang mạng, rất nhiều loại sản phẩm được quảng cáo và bán tràn lan với đủ loại nguồn gốc và mức giá khác nhau từ vài chục nghìn đồng tới cả triệu đồng/sản phẩm. Đặc biệt, nhiều sản phẩm còn được quảng cáo thổi phồng như thần dược, chữa đủ loại bệnh khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua sử dụng với mong muốn tăng cường sức khỏe. Chỉ cần một cuộc điện thoại, một cú click chuột… sẽ có người tận tình tư vấn mang sản phẩm giao đến tận nhà.
Cùng với sự phát triển “thần tốc” của thị trường, thì chính vị lãnh đạo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam thừa nhận, thị trường TPCN đang phát triển nở rộ nhưng lộn xộn và khó kiểm soát; giá cả các sản phẩm bán ra không theo một căn cứ nào, cùng một loại nhưng mỗi nơi một giá khác nhau… Các vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.
Trong khi đó, thực tế hiện nay nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam không phân biệt được, và cũng không quá quan tâm đâu là thuốc, đâu là TPCN, nếu người bán không chủ động thông tin. Người tiêu dùng càng không có công cụ để kiểm tra chất lượng thực phẩm chức năng, chỉ biết tin theo những gì mà các đơn vị sản xuất, kinh doanh quảng cáo.
Theo lãnh đạo Hiệp Hội Thực phẩm chức năng, nguyên nhân của thực trạng nói trên là do hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng còn lỏng lẻo, đến nay vẫn chưa có Nghị định nào quy định về quản lý thực phẩm chức năng, việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý các cơ sở sản xuất chưa được chặt chẽ, thị trường thực phẩm chức năng vẫn đang bị thả nổi.
Mới đây nhất, Cục An toàn thực phẩm xử phạt 475 triệu đồng với 12 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó đa phần là vi phạm về quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh, mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng, thấp nhất là 25 triệu đồng. Tuy nhiên, dường như mức xử phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe nếu so sánh với con số lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc mua bán TPCN. Bằng chứng là trong danh sách bị xử phạt, có nhiều công ty, doanh nghiệp không phải vi phạm lần đầu.
Trong bối cảnh sản phẩm thực phẩm chức năng “nở rộ”, việc làm giả, làm nhái ngày càng tinh vi, khó kiểm soát; nếu các cơ quan chức năng không siết chặt quản lý thì đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất không chỉ là người tiêu dùng mà còn cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Và khi xảy ra hậu quả đáng tiếc, người tiêu dùng biết kêu ai hay tự chịu tránh nhiệm?
Cao Nguyên