Cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng: Cái ác còn tồn tại đến bao giờ?

Google News

(Kiến Thức) - Nguyên nhân gì khiến một cô giáo được từng tốt nghiệp trường Đại học sư phạm lại có thể nghĩ ra “quái chiêu” dùng nước giẻ lau bảng đến bắt học sinh uống vì nói chuyện trong giờ học?

Liên tục trong thời gian gần đây, nổi bật trên trang nhất các báo luôn dày đặc các thông tin về ngành giáo dục, đáng buồn đa số trong số những tin bài ấy là những sự vụ tiêu cực đáng buồn.
Tuy nhiên, đỉnh điểm khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ từ dư luận lại chính là vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương bắt một học sinh lớp 3 ở trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng) phải uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng chỉ vì học sinh này nói chuyện trong giờ học.
 Vụ việc cô giáo bắt học sinh súc miệng nước vắt từ giẻ lau bảng khiến dư luận bức xúc.
Trong các phương pháp giáo dục thì kỷ luật khi học sinh vi phạm sẽ giúp các em nhìn nhận ra lỗi lầm và không tái phạm. Tuy nhiên, việc bắt học sinh uống nước vắt ra từ chiếc giẻ lau bẩn thỉu là một việc làm phản giáo dục và vô cùng độc ác nhưng nó đáng buồn lại xuất phát từ chính giáo viên chủ nhiệm – vốn được các em coi như mẹ hiền.
Hành vi cô giáo ép học sinh uống nước giẻ lau không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khi phải đứng trước bạn bè uống thứ nước không dành cho con người ấy. Hành vi này đã xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của học sinh, gây chấn động tâm lý và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Đồng thời vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, ảnh hưởng đến ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương ở trường Tiểu học An Đồng ép học sinh uống nước vắt từ giẻ lau cũng giống như việc cô giáo ở trường THPT Long Thới (TP HCM) trong suốt 4 tháng trời giảng dạy bằng cách im lặng, chỉ viết bài lên bảng và không nói gì vì học sinh dọa ghi âm…đó là cách thể hiện rõ ràng nhất sự xuống cấp trong đạo đức của giáo viên.
Những sự việc trên còn là minh chứng cho một nền “giáo dục nô lệ” khi cô giáo, thầy giáo muốn làm gì thì học sinh phải im lặng làm theo mà không dám nói với bố mẹ, nói với người khác để tố cáo những hành vi phản giáo dục của người thầy, người cô ấy. Học sinh do đầu óc bị nhiễm sự “nô lệ” ấy từ nhỏ khi lớn lên sẽ không dám phản ứng với những sự việc xấu, không dám mạnh mẽ đứng lên để bảo vệ lẽ phải.
Với những hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, cô Nguyễn Thị Minh Hương đã bị trường Tiểu học An Đồng chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay, việc một cô giáo được từng được học tập, tốt nghiệp trường Đại học sư phạm lại có thể nghĩ ra “quái chiêu” dùng nước giẻ lau bảng đến bắt học sinh uống vì nói chuyện trong giờ học không một ai lý giải được. Bởi đâu đó có thể nghe học sinh bị đánh, bị phạt nhưng dưới môi trường giáo dục, không một giảng viên nào dạy dỗ sinh viên của mình phạt học sinh súc miệng bằng giẻ lau bảng tàn nhẫn đến như thế?
Theo một số thông tin báo chí, nữ giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương là con gái bà Tạ Thị Ngọc - Phó phòng GD-ĐT huyện An Dương (TP Hải Phòng), phụ trách bậc học Tiểu học, có nghĩa bản thân cô giáo Hương được sinh ra và lớn lên trong gia đình gia giáo, lẽ ra phải biết rèn luyện, học tập từ người mẹ của mình để trở thành người giáo viên tốt, có tri thức và giàu lòng nhân ái nhưng những điều cô Hương vừa thể hiện đã khiến dư luận thất vọng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, do có “ô che nắng” nên cô Hương mới bất chấp tất cả nên mới có hành vi như thế? Tuy nhiên, bản thân cô giáo này đã phải nhận cái kết đắng chát do hành vi của mình gây ra.
Ở cấp độ quản lý ngành giáo dục, khi những sự việc tiêu cực của ngành liên tiếp xảy ra, ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn số 1295/BGDĐT-GDCTHSSV về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, qua công văn này Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Qua đó đã chỉ ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh những tồn tại của ngành giáo dục trong thời gian qua. Điều đó chứng tỏ, “tư lệnh ngành” giáo dục đã quan tâm hơn đến những vụ việc xảy ra và có những chỉ đạo chấn chỉnh.
Hi vọng, những vụ việc đáng buồn như cô giáo bắt học sinh súc miệng nước giẻ lau sẽ không còn tái diễn.
Hải Ninh