Tu sao cho nhẹ?

Google News

Chưa đầy 7 giờ sáng sân chùa đã đầy ắp người, sau khóa lễ lạy và trì tụng Chú Đại bi, Đại đức Thích Thiện Ký đã trao đổi đề tài: “Tu sao cho nhẹ?”

Chùa Phước Huệ ở xã Ninh Quang (Khánh Hòa) sáng ngày 03/02/Ất Mùi (22/03/2015) bắt đầu khai khóa lớp giáo lý căn bản dành cho mọi đối tượng. Chưa đầy 7 giờ sáng sân chùa đã đầy ắp người, sau khóa lễ lạy và trì tụng Chú Đại bi, Đại đức Thích Thiện Ký đã trao đổi đề tài: “Tu sao cho nhẹ?”
Cả tuần mệt nhoài với biết bao công việc, lớp dạy cho mình, lớp dạy cho sinh viên thực tập dự giờ, lớp lại dự giờ sinh viên thực tập, rồi giáo án điện tử, tập nghi thức cho học sinh chuẩn bị thi nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3… Nhắm mắt ngủ cũng thấy vô số công việc, đầu óc kêu o, o… nên tranh thủ ngày Chủ Nhật mấy chị em rủ nhau đi chùa nghe pháp.
Tu sao cho nhe?
Trước hết thầy giảng về chữ “tu”, tu là tháo gỡ bớt những gánh nặng về thân và tâm. Thân đừng chú trọng về hình thức quá cầu kỳ, đừng đua đòi khi điều kiện kinh tế gia đình mình chưa ổn định, đừng thấy người bạn đồng tu có chiếc áo tràng lam vải siêu Đài Loan rồi ước muốn không được lại sinh tâm phiền não. Tâm phải tập buông bỏ dần dần, cái thân đã không thật thì khi nghe một câu trái ý nghịch lòng cũng không nên ôm ấp vào lòng cho khổ. Nhiều người đi chùa lâu năm nhưng không chịu thực hành lời Phật dạy nên đau khổ dài dài. Muốn hết khổ phải tập chuyển hóa thân và tâm, nhất là đừng đề cao bản thân mình vì "không có mợ, chợ vẫn đông bình thường".
Tu sao cho nhe?-Hinh-2
Thầy kể câu chuyện thời đức Phật có một gia đình nghèo, bố mẹ mù lòa, cậu con trai duy nhất phải làm thuê nhưng vẫn không đủ sống qua ngày. Điều đáng trân trọng là cả gia đình rất kính lễ đức Phật. Khi biết Ngài cùng Tăng đoàn đi hóa duyên sẽ ngang nhà, cậu con trai dặn bố mẹ, ngày mai con cũng phải đi làm nên không ở nhà đảnh lễ và cúng dường Phật được, con đã chuẩn bị được ít thức ăn, khi Phật đến bố mẹ hãy quỳ trước cửa và thưa với Ngài rằng: Gia đình chúng con quá nghèo, nhưng với tấm lòng kính tín Phật, chúng con mời Ngài thọ nhận chút ít phẩm vật do con trai của con đã chuẩn bị sẵn, chúng con bị mù lòa không thấy đường, xin mời Ngài vào bếp tự sớt bát để chúng con được ân triêm công đức. Đức Phật rất hoan hỷ tự mình đi vào ngôi nhà lá chật chội để thọ nhận thức ăn cúng dường của hai ông bà mù lòa…nhưng tấm lòng rất sáng.
Tu sao cho nhe?-Hinh-3
Qua câu chuyện này thầy muốn các phật tử phải học hạnh từ bi và độ lượng như đức Phật, nếu trong cuộc sống chúng ta không đề cao bản ngã, không chấp vào cái tôi của mình thì trên đường tu sẽ rất nhẹ nhàng. Sỡ dĩ chúng ta đau khổ hoài vì mình là phật tử, là con Phật mà không chịu học theo Ngài, đi chùa không chịu tu theo Phật, chỉ cầu xin đủ thứ thì làm sao Phật cho được, không toại nguyện thì bảo Phật không linh, không đi chùa nữa.
Nghe xong bài pháp tôi đã "ngộ" ra, đức Phật là bậc đạo sư, là thầy của muôn loài vậy mà Ngài sống khiêm hạ, tình thương Ngài dành cho chúng sinh không phân biệt giai cấp giàu nghèo bởi tấm lòng vô ngã vị tha. Lâu nay tôi vẫn tự hào mình là tổ trưởng, điều hành mọi công việc chuyên môn cho hơn 10 người trong tổ nên "cái tôi" quá lớn đã làm cho tôi tưởng mình là cái rốn của vũ trụ.
Rất cám ơn thầy, con đã biết cách tu như thế nào để thân và tâm được nhẹ nhàng và thanh thản.
Theo Quảng Ấn/Phật giáo Việt Nam