Tài xế gây TNGT 6 người chết ở QNinh lĩnh án 5 năm?

Google News

(Kiến Thức) - Tài xế gây TN khiến 6 người chết ở Quảng Ninh phải chịu mức án nào, nạn nhân được bồi thường ra sao là vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm.

Trưa 6/12, trên Quốc lộ 18A đoạn đi qua huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, một tai nạn nghiêm trọng xảy ra làm 18 người thương vong. Nguyên do là tài xế xe kéo rơ-mooc Bùi Xuân Hà khi đến đoạn đường vòng không giảm tốc độ, lại lấn sang làn đường ngược chiều, va chạm với xe khách. Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng với Bùi Xuân Hà và đề nghị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Dư luận băn khoăn, với hành vi vi phạm trên, lái xe Bùi Xuân Hà sẽ bị xử thế nào theo quy định của pháp luật? Các nạn nhân thiệt mạng và bị thương sẽ được bồi thường ra sao? PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp.
 Hiện trường vụ tai nạn.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái nhìn nhận, căn cứ vào hành vi vi phạm, lái xe Bùi Xuân Hà bị đề nghị truy tố trước pháp luật về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là chính xác và sẽ bị xem xét xử lý theo điều 202, Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định, Bùi Xuân Hà sẽ phải chịu xử lý theo điều 202, Bộ luật Hình sự nếu hành vi của Hà thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu sau:
- Khách thể của tội phạm: Hà điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông dẫn đến hậu quả sáu người tử vong và 12 người bị thương. Hành vi này đã xâm phạm đến hai khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ là tính mạng của con người và trật tự an toàn xã hội.
- Mặt khách quan:
+ Hành vi nguy hiểm cho xã hội: Hà đã thực hiện hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong chạy quá tốc độ và không làm chủ tốc độ.
+ Hậu quả: 6 người chết, 12 bị thương.
+ Mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả: Hậu quả đáng tiếc xảy ra là do hành vi thiếu ý thức của Hà không làm chủ được tốc độ, lấn đường. Do đó, hành vi của Hà có mối quan hệ nhân quả với hậu quả chết người.
- Chủ thể: Hà là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hà bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Về năng lực trách nhiệm hình sự: Hà không phải người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình theo điều 13 Bộ luật Hình sự.
- Mặt chủ quan:
Về mặt nhận thức, Hà thấy trước hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh khi không làm chủ tốc độ phóng xe nhanh, nhưng ý chí chủ quan cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra nên Hà vẫn thực hiện hành vi.
Như vậy, Hà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự.
 Lái xe Bùi Xuân Hà tại cơ quan điều tra.
Nói về việc bồi thường cho các nạn nhân vụ tai nạn, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, việc bồi thường thiệt hại do tính mạng bị bị xâm phạm được thực hiện theo quy định tại Chương 21 Bộ luật Dân sự về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/4/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thiệt hại về tính mạng được xác định như sau:
1- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
2- Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hoả táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...
3- Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt mạng có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết. Tiền cấp dưỡng được xác định như sau:
+ Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng đó.
+ Đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng:
- Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
- Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động, không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
4- Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân.
+ Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng nạn nhân.
+ Không phải trong mọi trường hợp tính mạng bị xâm phạm thì những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân đương nhiên được bồi thường khoản tiền bù đắp về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào vị trí, vai trò của nạn nhân trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa nạn nhân và những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân...
+ Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương, tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Như vậy, Hà phải đối mặt với mức án lên đến năm năm tù giam và phải bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân.
Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 



Hải Ninh

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Hà Anh Tuấn -

Tuyên bố đền bù và thi hành việc đền bù là 2 việc hoàn toàn khác nhau, ví dụ tuyên bị cáo phải bồi thường 1 tỷ đồng mà không biết người nhà bị hại có nhận được đồng nào không mới là quan trọng. Cần có chế tài cho việc thi hành án, ví dụ nếu không có tiền bồi thường thì hết hạn tù phải làm việc bắt buộc trong đó có sự quản lý của công an để lấy tiền lương hàng tháng trả cho bị hại. Chừng nào trả xong thì mới được tự do hoàn toàn. Như vậy thì mới thực sự công bằng cho bị hại và bị cáo mới có động lực để đền bù.

Hiển thị thêm bình luận