Cô giáo Việt kể trải nghiệm ở Trung tâm Vũ trụ & Tên lửa Hoa Kỳ

Google News

Cô là giáo viên duy nhất của Việt Nam trong năm 2015 được tham dự chương trình đào tạo đặc biệt do Honeywell cùng Trung tâm Vũ trụ & Tên lửa Hoa Kỳ.

Một lần thất bại, nhưng Thuyết không nản lòng và quyết tâm ôn luyện. Để rồi một ngày, cô trở thành giáo viên duy nhất của Việt Nam trong năm 2015 được tham dự chương trình Honeywell Educators @ Spacee Academy (HESA) - chương trình đào tạo đặc biệt do Honeywell cùng Trung tâm Vũ trụ & Tên lửa Hoa Kỳ (USSRC) tổ chức. Vượt xa hơn những trải nghiệm quý báu, chuyến đi ấy đã tiếp thêm ngọn lửa cho người giáo viên trẻ trong hành trình khát khao đổi mới…
Tự đi tìm cơ hội cho chính mình
Cô giáo Nguyễn Thanh Thuyết năm nay tròn 24 tuổi, trẻ hơn rất nhiều so với tôi tưởng. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm hóa (trường ĐH Cần Thơ), Thuyết trở về vùng quê nghèo Vĩnh Châu (Sóc Trăng) xin dạy học tại trường THCS&THPT Khánh Hòa. Một lần rất tình cờ, Thuyết lên mạng đọc báo, rồi gõ vào từ khóa: “Học bổng dành cho giáo viên”. “Khi đó, em thấy có một số bài báo viết về cô Nguyễn Thị Phương Giang (Phú Yên) và thầy Bùi Tuấn Ngọc (Hải Phòng) - hai giáo viên Việt Nam đã tham gia chương trình Honeywell trong 2 năm trước. Thông qua sự chia sẻ của hai thầy cô trên báo, em thấy chương trình này rất bổ ích cho giáo viên, nên rất thích thú”.
 
Nhưng thích là một chuyện, còn có được tham gia chương trình hay không lại là một chuyện khác. Sau nhiều lần đắn đo, Thuyết đã mạnh dạn nộp hồ sơ trên trang webside chính thức của Honeywell.
Niềm vui đến bất ngờ, khi Thuyết là giáo viên duy nhất ở Việt Nam được chương trình lựa chọn. Thuyết mừng đến rơi nước mắt, bởi chính cô cũng không ngờ một giáo viên trẻ nơi vùng quê nghèo heo hút lại có được cơ may như vậy. Tham gia chương trình, Thuyết được sắp xếp ở ký túc xá với 3 người bạn đến từ Florida, Arizona, New York City của Mỹ. Sau đó, được phân vào đội Tranquility với khoảng 15 thành viên đến từ các quốc gia: Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Nam Phi…
Tự tin để thử thách và cống hiến
“5 ngày, khoảng thời gian rất ngắn, nhưng với em đó là một trải nghiệm quý báu trong đời. Không chỉ được gặp gỡ, trao đổi với các giáo viên đến từ khắp nơi trên thế giới; mà em còn được tiếp cận với những phương pháp giảng dạy mới, nhất là được trải nghiệm những thành tựu khoa học trước giờ chỉ nghe nói hoặc chỉ thấy trên tivi”. Thuyết kể.
Giờ đây, Thuyết càng thấy gắn bó máu thịt hơn với những bộ môn khoa học vốn đã yêu thích từ thuở nhỏ, để từ đó truyền lại nguồn cảm hứng cho các em học sinh. Thuyết nói: “Học sinh Việt Nam có tâm lí rất sợ những bộ môn khoa Học, các em nói nó trừu tượng, khó hiểu, khó tiếp thu. Hiện nay, theo tinh thần đổi mới của Bộ Giáo Dục là chú trọng phát triển kĩ năng cho học sinh. Áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, lấy học sinh làm trung tâm, giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Sau khi tham gia HESA, được trực tiếp trải nghiệm các hoạt động, tham gia các dự án như một học sinh, tôi càng thêm tin tưởng rằng việc đổi mới giáo dục hiện nay. Đặc biệt, Honeywell đã mang lại cho chúng ta một cái nhìn khác về các môn khoa học, nó chẳng những không hàm chán mà ngược lại còn rất thú vị. “Hãy để các em tự mình trải nghiệm, tìm tòi kiến thức, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Có như vậy, học sinh mới có hứng thú với môn học và biết cách áp dụng chúng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống” - Thuyết nói.

Theo Lao động