Giải mã hai bộ xương lớn nhất Việt Nam ở Quảng Bình

Google News

Hàng trăm năm qua, dân địa phương vẫn giữ gìn và đặt hai bộ xương lớn nhất Việt Nam ở vị trí trang trọng trong ngôi miếu.

Hai bộ xương cá Voi lớn nhất Việt Nam kể trên hiện vẫn được người dân biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) gọi bằng cái tên trang trọng là “cá Ông, cá Bà” và thờ tự một cách kính cẩn, hàng năm tổ chức lễ hội linh đình.
Xương ‘cá Ông, cá Bà’ 200 năm tuổi
Với đặc trưng là một địa phương ven biển, cuộc sống chủ yếu dựa vào biển khơi nên từ thời khai canh lập làng, người dân xã Cảnh Dương đã tổ chức những buổi lễ cúng bái những loài cá lớn chết và trôi dạt vào bờ và gọi chúng với cái tên trang trọng là “thần cá”. Với hành động này, người dân bày tỏ mong muốn những vị “thần cá” sẽ mang lại sự bình yên, may mắn cho những ngư dân mỗi lần ra khơi.
Trong số những loài cá được người dân phong làm thần thì loài cá Voi được người dân coi trọng nhất. Để thể hiện cho sự kính trọng này, người dân Cảnh Dương suốt 200 năm qua đã xây miếu thờ 2 bộ xương cá Voi thuộc hàng “khủng” nhất Việt Nam và gọi với cái tên trang trọng là “cá Ông, cá Bà”.
Giai ma hai bo xuong lon nhat Viet Nam o Quang Binh
Hai bộ xương cá Voi được người dân ven biển Quảng Bình thờ như những vị thần. (Ảnh: Trần Anh) 
Theo gia phả của một dòng họ lớn ở Cảnh Dương thì hai bộ xương cá này có thể xuất hiện từ đời vua Gia Long (1809) và vua Duy Tân (1907). Cụ thể, gia phả Tây Trung Họ Trương (Còn gọi là Trương Trung Tây gia phả) có đoạn viết: "Năm Kỷ Tỵ (1809), đời Gia Long thứ 9, Đức Bà vào, các dòng họ trong làng tổ chức đón linh đình. Năm Đinh Mùi (1907), đời Duy Tân thứ 16, Đức Ông vào, các dòng họ tổ chức đón linh đình".
Hai bộ xương “cá Ông, cá Bà” rất lớn, riêng phần xương ống đã to như cái cột nhà; những mảnh xương sườn thì dài hơn 4m. Người dân địa phương luôn bảo quản 2 bộ xương một cách rất cẩn thận nên dù đã hàng trăm năm nhưng chúng vẫn còn khác trắng và sạch.
Giai ma hai bo xuong lon nhat Viet Nam o Quang Binh-Hinh-2
Hai bộ xương "cá Ông, cá Bà" được đánh giá là những bộ xương lâu đời và có kích cỡ "khủng" nhất Việt Nam. (Ảnh: Trần Anh) 
Ông Hồ Quang Hường - Phó chủ tịch Hội Ngư dân Cảnh Dương (người quản lý Ngư Linh miếu) cho biết: “Chúng tôi bảo quản hai bộ xương cá rất cẩn thận. Mảnh vụn vỡ hay chất bột từ xương rơi xuống chúng tôi hứng lại cho vào túi nilong và đưa lên bàn thờ. Trải qua thời gian, do chiến tranh và vài lần bị trộm nên 2 bộ xương chỉ còn được từng này”.
Ông Cao Quý Hà – Phó chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: ‘Hai bộ xương cá Ông, cá Bà đang thờ tại ngôi miếu trong xã đã có từ rất lâu đời. Hiện nay, chúng tôi cũng đã cắt cử người quản lý, chăm nom hai bộ xương cá và hàng tháng có hai lần (mồng 1 và 15) người dân tại làng biển Cảnh Dương lại đến Ngư Linh miếu để thắp hương ước mong cho trời yên, biển lặng ra khơi đánh bắt được thuận buồm xuôi gió”.
Lễ hội Cầu Ngư thờ ‘thần cá’
Hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng Giêng người dân biển Cảnh Dương lại tổ chức lễ hội Cầu Ngư tại miếu Ngư Linh với mong muốn “cá Ông, cá Bà” phù hộ cho những con tàu của họ ra khơi đánh bắt được thuận buồm, xuôi gió.
Giai ma hai bo xuong lon nhat Viet Nam o Quang Binh-Hinh-3
Ngai thờ 2 vị "thần cá" tại Ngư Linh miếu. (Ảnh: Trần Anh) 
Theo lãnh đạo UBND xã Cảnh Dương, trước đây hai bộ xương “cá Ông, cá Bà” được đặt thờ tại nhà truyền thống của xã. Tuy nhiên, sau đó vì thấy không phù hợp nên năm 2013 người dân đã quyên tiền xây dựng miếu Ngư Linh và rước “cá Ông, cá Bà” về đó thờ và tổ chức lễ hội hàng năm.
Trong chương trình lễ hội, sau nghi lễ tế cúng thần linh, tế cúng thành hoàng là các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ như: Đua thuyền, đá bóng, đấu vật...
Những lễ thức thờ thần cá nơi đây đã mô phỏng cuộc sống, nét đẹp văn hóa của người dân làng biển. Điều này còn trở thành cảm hứng cho nhiều thi ca đi vào sáng tác thơ văn, hò vè…
“Nay mừng mở hội cầu xuân/ Trời sinh Thánh thượng Duy Tân trị vì/ Trời yên, biển lặng bốn bề/ Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên/ Lênh đênh mặt nước bao miền/ Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô/ Xuân sang lai láng biển hồ/ Ngư dân trông thấy Nước vô lạch nhà/ Tưng bừng nổi trống, kết hoa/ Nghe tin làng nước gần xa đón mừng...” - đây là những câu hát trong bài “Chèo cạn” mà người dân hay hát trong lễ hội Cầu Ngư tại Ngư Linh miếu.
Cũng tại lễ hội Cầu Ngư, hàng nghìn người dân ở xã Cảnh Dương cũng đua nhau mang những lễ vật là những sản vật trong cuộc sống hằng ngày để dâng lên “cá Ông, cá Bà” với hi vọng hai vị “thần cá” sẽ mang lại cho họ một mùa biển đầy ắp cá tôm.
Theo Trần Anh/VTC News