Ở Trung Hoa thời phong kiến, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các hoàng đế cần làm là đảm bảo giống nòi bằng việc sinh con trai. Vì mục đích này, họ sở hữu hậu cung khổng lồ với rất nhiều phi tần, được chia thành hệ thống cấp bậc, thường là hoàng hậu, phi tần và thê thiếp.
Ngoài ra, có một lượng lớn thái giám cũng được tuyển chọn để làm công việc giúp đỡ các phụ nữ này trong hậu cung.
Hệ thống cấp bậc trong hậu cung
Người quyền lực nhất trong hậu cung là hoàng hậu, vợ chính thức của hoàng đế. Hoàng hậu là người được tôn kính nhất, cũng là hình mẫu mà phụ nữ Trung Quốc hướng tới. Trong hậu cung, chỉ có hoàng đế và thái hậu có địa vị cao hơn, tất cả những người còn lại đều phải tuân theo lệnh của hoàng hậu.
Khi một hoàng đế Trung Hoa băng hà, ngôi vị hoàng đế sẽ được truyền cho người con, trong khi hoàng hậu được thăng làm hoàng thái hậu. Một số hoàng thái hậu trực tiếp nắm quyền triều chính trong lịch sử Trung Hoa như Võ Tắc Thiên hay Từ Hi Thái Hậu.
Phi tần trong hậu cung
Dưới hoàng hậu là các phi tần. Số lượng và vị trí của họ phụ thuộc vào triều đại cầm quyền. Vào thời nhà Thanh, hậu cung có một hoàng quý phi, hai quý phi và 4 phi tần. Cấp bậc thấp hơn nữa là thê thiếp với số lượng cũng thay đổi theo từng hoàng đế.
Theo luật lệ nhà Chu, một hoàng đế có thể có 9 thượng phi, 27 trung phi và 81 hạ phi. Triều đại nhà Hán không đặt giới hạn số lượng thê thiếp của hoàng đế.
Dưới thời Hán Hoàn Đế Lưu Chí và Hán Linh Đế Lưu Hoằng, số lượng phi tần trong hậu cung lên tới 20.000 người.
Cách thức tuyển chọn phi tần
Vào thời nhà Minh, có một hệ thống chính thức để lựa chọn phi tần vào hậu cung phục vụ hoàng đế. Quá trình tuyển chọn diễn ra trong Tử Cấm Thành sau mỗi ba năm. Các ứng viên đều từ 14-16 tuổi, được lựa chọn dựa trên lý lịch, đức hạnh, hành vi, tính cách, dung mạo và tình trạng sức khỏe.
Vai trò của thái giám
Để đảm bảo rằng tất cả những đứa trẻ sinh ra trong hậu cung đều là con của hoàng đế, nam giới không được phép làm việc trong hậu cung. Ngoại lệ duy nhất là các hoạn quan, cụm từ chỉ những người đã bị triệt sản.
Thái giám đã xuất hiện trong suốt lịch sử phong kiến Trung Hoa. Không chỉ là người hầu việc, họ còn có thể giành quyền lực và sự giàu có bằng cách can thiệp vào cấu trúc hậu cung, chi phối hoàng đế. Dưới thời nhà Minh, có tổng cộng 100.000 thái giám phục vụ các hoàng đế và phi tần.
Cạnh tranh quyền lực trong hậu cung
Với số lượng đông đảo phi tần trong hậu cung, sự cạnh tranh để giành sự sủng ái từ hoàng đế là điều không thể tránh khỏi. Hoàng hậu là người có quyền lực nhất trong hậu cung, nhưng một phi tần mang thai con trai của hoàng đế cũng là điểm lợi lớn.
Những cô gái tham vọng sẽ lên kế hoạch chống lại các đối thủ của mình bằng cách liên kết với thái giám. Nếu thành công, cô gái này có thể lên được vị trí cao hơn. Họ đền đáp các thái giám bằng tiền bạc và lời hứa địa vị quyền lực.
Chuyện căng thẳng trong hậu cung thường diễn ra trong các triều đại phong kiến Trung Hoa. Vào thời nhà Đường, Võ Tắc Thiên là phi tần của hoàng đế Đường Cao Tông Lý Trị. Theo sử sách, Võ Tắc Thiên từng sinh con gái. Nhưng con không may qua đời, bà đổ lỗi cho hoàng hậu Vương Thị.
Năm 655, Đường Cao Tống ra hiếu phế truất hoàng hậu, đem biệt giam. 7 ngày sau, Võ Tắc Thiên được phong làm hoàng hậu mới.
Tuy nhiên, không phải hậu cung lúc nào cũng đầy rẫy âm mưu. Truyền thuyết về hoàng đế Hiên Viên kể rằng, ông có 4 phi tần, không chọn lựa theo bề ngoài mà dựa trên năng lực. Một người được coi là người phát minh ra nghệ thuật nấu ăn và đũa, trong khi một phi tần khác được cho là đã phát minh ra lược. Họ cùng nhau giúp hoàng đế cai trị đất nước.
Nhiều phi tần có số phận bi thảm khi hoàng đế qua đời. Họ bị hiến tế, thường là bị chôn sống, để "đoàn tụ" với hoàng đế ở thế giới bên kia.
Theo Đăng Nguyễn/Khám Phá