Rằm tháng 7 nên cúng cỗ chay hay cỗ mặn, và vào thời điểm nào?

Google News

Chuẩn bị mâm cúng ngày Rằm tháng 7 cũng là dịp để thể hiện sự thảo kính cha mẹ, biết ơn tổ tiên và mang ý nghĩa to lớn trong văn hóa cổ truyền người Việt. Vậy mâm cúng ngày này nên làm cỗ chay hay mặn?

Năm nay, Rằm tháng 7 năm nay sẽ diễn ra vào thứ Tư ngày 30 tháng 8. Vào ngày này, hầu như các gia đình đều tổ chức lễ cúng để thể hiện sự thành kính và chân tâm không chỉ với trời Phật mà còn với tổ tiên. Ngoài ra, đây cũng là dịp người ta thể hiện lòng thương xót và cầu nguyện để các linh hồn vất vưởng sớm được siêu thoát.
Theo quan niệm của nhiều người lễ Vu lanXá tội vong nhân đều có nguồn gốc từ các điển tích trong Phật giáo, do đó phải cúng cỗ chay mới đúng. Những người khác cho rằng, chay hay mặn tùy vào đối tượng được cúng là ai, nếu cúng Phật và cô hồn thì nên làm cỗ chay, còn mâm cúng thần linh nên làm cỗ mặn. Mâm cúng gia tiên thì tùy truyền thống gia đình mà biện lễ.
Không có quy định nào về điều này, làm cỗ chay hay mặn tùy thuộc vào niềm tin, phong tục và cả hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Điều quan trọng nhất là sự thành tâm, còn cúng những món gì không quá quan trọng.
Ram thang 7 nen cung co chay hay co man, va vao thoi diem nao?
Gợi ý cách bày biện mâm cúng:
Mâm cúng Phật
Trong ngày Rằm tháng 7, mâm cúng dâng lên cho chư Phật đều là mâm cúng chay, thường là các món ăn nấu từ rau củ, tránh không sát sinh và kèm theo đó là hoa quả tươi.
Mâm cúng thường có một số món cơ bản như xôi (xôi gấc, xôi đỗ xanh, xôi hạt sen, xôi ngũ sắc), nem nấm/nem rau củ, canh nấm/canh rau củ, đậu hũ sốt nấm hoặc sốt cà chua, rau củ luộc. Ngoài ra, các món ăn khác tùy theo sở thích và điều kiện mỗi nhà, miễn mâm cỗ sạch sẽ, đẹp mắt.
Cũng có khi, mâm cỗ dâng lên cúng Phật là mâm hoa thơm quả tươi. Mặc dù mới đầu mùa thu nhưng cũng có nhiều thức quả lẫn món ăn đặc trưng có thể làm lễ vật.
Hoa tươi có thể dùng hoa sen, hoa mẫu đơn, các lẵng hoa kết vòng hoặc lẵng. Quả tươi ngoài những loại quả quen thuộc như táo, cam, thanh long có thể dâng lên na, thị sáp, hồng giấy, phật thủ...
Mâm cúng Gia tiên
Mâm cúng dâng Gia tiên thường là mâm cúng mặn, được chuẩn bị đầy đủ từ xôi, gà luộc, món canh mọc/canh thịt, nem rán, rau xào thập cẩm, giò cắt miếng, bánh chưng, bánh tét... Nhìn chung, mâm cúng mặn dâng Gia tiên không bị giới hạn nên tùy tâm gia chủ chuẩn bị nhiều hay ít món, miễn sao món ăn đầy đặn, sạch sẽ, đẹp đẽ và tươi ngon.
Mâm cúng chúng sinh
Đối với mâm cúng chúng sinh, thường được đặt trước cửa nhà hoặc thực hiện trong chùa. Mâm cúng cô hồn được nhiều gia đình thể hiện tấm lòng từ bi, bác ái, nhiều người thực hiện các tục như phóng sinh, cúng thí thực ở chùa từ ngày mùng 2 Âm lịch đến ngày 14 Âm lịch. Còn mâm cúng chúng sinh cũng được chuẩn bị trong ngày Rằm để trọn vẹn tiết Vu lan.
Mâm cúng thông thường gồm các loại bánh kẹo, bỏng ngô, nước, cháo loãng, hương nến, hoa quả, tiền vàng và gạo muối.
Cúng Rằm tháng 7 vào buổi sáng hay tối?
Theo quan niệm dân gian, cúng Rằm tháng 7 sẽ diễn ra từ ngày 17/8 đến 30/8. Lễ cúng ngày Rằm tháng 7 hiện nay cũng rất linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện gia chủ. Mâm cúng dâng Phật nên thực hiện vào sáng sớm, thời tiết trong trẻo, mát mẻ. Lễ cúng Gia tiên nên thực hiện lúc gần trưa và mâm cúng chúng sinh nên thực hiện buổi chiều trước khi hoàng hôn tắt và không nên thực hiện buổi tối.
Một vài gợi ý cho gia chủ thực hiện mâm cúng đó là các ngày Chủ Nhật (12/7 Âm lịch) tức ngày 28/8 Dương lịch, thứ Ba (14/7 Âm lịch) tức ngày 29/8 Dương lịch và thứ Tư (ngày 15/7 Âm lịch) tức ngày 30/8 Dương lịch.
Theo Tường San / TH & PL