Mặt Bao Công không hề đen
Theo sách Tống sử, Bao Công tên thật là Bao Chửng (999-1062), tự Hy Nhân. Ông còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, Bao học sĩ hay Bao Long Đồ.
Ông nổi tiếng là một vi quan thanh liêm, chính trực dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 - 1063).
Bao Công người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Từ khi còn nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là người con hiếu thảo, sống mực thước.
Năm 1027, ông thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Tuy nhiên, do cha mẹ già yếu nên ông xin khoan nhận việc và ở nhà chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. 10 năm sau, cha mẹ qua đời, Bao Công mới bước ra chính trường. Khi ấy ông đã 38 tuổi.
Khi nhắc đến Bao Công, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh một vị quan thanh niêm với gương mặt đen xì và vầng trăng khuyết ở giữa trán. Tuy nhiên, đây chỉ là tình tiết được tạo dựng trên các bộ phim. Sự thật là Bao công có diện mạo hoàn toàn khác.
Bao Công ngoài đời thực được cho là người trắng trẻo, có phần thư sinh. Tạo hình mặt đen là do ảnh hưởng của kinh kịch, hát bội. Bởi theo các loại hình này, mặt trắng là đại diện cho kẻ tiêu nhân; mặt đỏ đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa; mặt đen đại diện cho sự nghiêm túc, quân tử, chí công vô tư.
Tương truyền, Bao Công là một trong 7 vị Bắc Đẩu tinh quân, giáng trần, tên là Văn Khúc Tinh Quân. Vì vậy mới có việc Bao Công ban ngày xử án dương gian, ban đêm xử án âm phủ.
Theo văn hóa dân gian, vầng trăng trên trán của Bao Công tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối.
Đây chính là cơ sở để các bộ phim sau này xây dựng hình tượng Bao Công.
Chỉ phá 2 vụ án
Bao Công làm quan muộn, thời gian lại ngắn. Tính từ lúc nhậm chức tới khi qua đời chỉ có 27 năm. Trong thời gian ấy ông từng làm qua rất nhiều vị trí như ri huyện Thiên Trường; Tri phủ Đoan Châu, Doanh Châu, Dương Châu, Lư Châu, Triệu Châu; Tri phủ Giang Ninh rồi Phủ doãn phủ Khai Phong, nắm giữ toàn bộ việc hình pháp, trị an trong kinh thành. Ông cũng từng nhận đi sứ Khiết Đan rồi về làm Lễ bộ Thị lang, Tam ti Hộ bộ… Ông từng gánh vác công việc ở các bộ Công, Hình, Binh, Lễ.
Chức vụ lớn nhất của Bao Công trước khi qua đời là Khu mật Phó sứ, tương đương với chức phó tể tướng, vị trí quan trọng trong cơ quan quyền lực tối cao của triều Tống. Tuy nhiên, xét về cấp bậc, Bao Công chỉ ở hàm nhị phẩm, chưa bao giờ là tướng gia, không có quyền tiền trảm hậu tấu bằng ba khẩu Long - Hổ - Cẩu đầu đao như tỏng truyện hay phim ảnh.
Về phá án, chính sử chỉ chép lại 2 vụ có liên quan đến Bao Công. Một vụ là ở thời điểm làm tri huyện Thiên Trường (vụ án chiếc lưỡi bò) và một vụ là khi ông đứng đầu Tri gián viện (vụ án Lãnh Thanh mạo danh Thái Tử).
Còn các vụ án nổi tiếng khác như "Chém Bao Miễn", "Xử án Trần Thế Mỹ", "Trảm Bàng Dục"… đều là tuồng tích diễn kịch, có thể do hậu thế sáng tạo ra.
Chẳng hạn như vụ "Chém Bao Miễn", khi tra hết gia phả cũng như khu mộ gia tộc họ Bao, không phát hiện ai có tên là Bao Miễn. Bao Công lại là con một, không có anh em nên không thể có cháu ruột. Còn trong vụ xử án Trần Thế Mỹ thì đây là nhân vật có thật trong lịch sử nhưng lại sinh ra ở đời Thanh, cách Bao Công tới hơn 600 năm.
Trong tiểu thuyết, sân khấu cũng có những tình tiếu được hư cấu, đảo lộn so với lịch sử. Chẳng hạn như nhân vật phản diện Bàng Thái sư được lấy hình tượng từ gian thần Trương Nghiêu Tá. Trong khi đó, Bàng Tịch (988-1063) là một trung thần tài giỏi, đậu tiến sĩ năm 1015, từng làm đến chức Khu mật sứ - tương đương với tể tướng, nhiều lần can gián va và ai phi, được gọi là "Thiên tử Ngự sử". Bàng Tịch có con là Bàng Nguyên Anh, cháu là Bàng Cung Tôn đều làm quan. Không có ai là Bàng Dục phạm tội bị Bao Công kết án cả.
Theo Thanh Huyền/Khoevadep