Vệ tinh NanoDragon
|
Ảnh: JAXA. |
Dự án chinh phục vũ trụ bằng vệ tinh "Make in Viet Nam" gần đây nhất là sự kiện diễn ra vào sáng ngày 9/11. Vào ngày hôm đó, Việt Nam phóng thành công tên lửa mang vệ tinh NanoDragon vào vũ trụ.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho hay sau khoảng 52 phút, tên lửa có thể bắt đầu thả các vệ tinh mà nó mang theo vào quỹ đạo. Vệ tinh đầu tiên được thả ra là vệ tinh RAISE-2. Vệ tinh cuối cùng được thả vào không gian là NanoDragon.
Sau khi tách thành công, vệ tinh NanoDragon tách khỏi tên lửa Epsilon-5 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo và bắt đầu làm việc trong không gian. Trong lần phóng trên, ngoài NanoDragon, 8 vệ tinh khác của Nhật Bản cũng đã tách thành công khỏi tên lửa đẩy.
NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano, nặng 3,8kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100x100x340,5mm) do VNSC, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam phát triển. Đây là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam và là một sản phẩm nằm trong lộ trình phát triển vệ tinh nhỏ "Made in Vietnam" của VNSC nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/2/2021.
Vệ tinh MicroDragon
|
Ảnh: JAXA. |
Trước đó, vào ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam được phóng lên vũ trụ thành công bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4 cùng với nhiều vệ tinh khác của Nhật Bản tại bãi phóng thuộc nhóm đảo Kyushu và Okinawa.
Sau khi tên lửa Epsilon được phóng lên không trung, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam tách ra khỏi tên lửa đẩy ở độ cao 511 km và đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc.
Nhiệm vụ của vệ tinh MicroDragon sau khi bay vào vũ trụ là quan sát vùng biển ven bờ, đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản Việt Nam và tăng cường phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
Vệ tinh MicroDragon với trọng lượng 50 kg do các kỹ sư thuộc VNSC thiết kế và chế tạo dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia từ JAXA và các giáo sư của Viện Kỹ thuật Công nghệ Kyushu, KyuTech.
Vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon
|
Ảnh: JAXA.
|
Ngày 4/8/2013, tàu vận tải HTV4 (còn gọi là Konotori4) đã được phóng từ bệ phóng Yoshinobu ở Trung tâm Vũ trụ Tanegashima mang theo vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon của Việt Nam lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon là sản phẩm được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư của VNSC. Với kích thước 10x10x11,35 cm, khối lượng 1 kg, Pico Dragon có nhiệm vụ chụp ảnh Trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh bằng các cảm biến gắn trên vệ tinh, và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.
Dự án nhằm là thúc đẩy việc phát triển ngành công nghệ vũ trụ, đây cũng là bước chuẩn bị đầu tiên trong đào tạo nhân lực cho việc tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất riêng của Việt Nam trong tương lai.
Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Ngoài ra, với sự hỗ trợ từ Nhật Bản, VNSC đã thử nghiệm rung động và thử nghiệm nhiệt tại phòng thí nghiệm Đại học Tokyo và một số thử nghiệm khác tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ JAXA, Nhật Bản nhằm đáp ứng điều kiện môi trường vũ trụ trước khi được phóng. Với kết quả thử nghiệm, JAXA đã xác nhận vệ tinh Pico Dragon đạt đầy đủ điều kiện để đưa lên ISS bằng tàu vận tải HTV4.
Vệ tinh F-1
|
Ảnh: FSpace. |
F-1 là vệ tinh siêu nhỏ đầu tiên do một tập đoàn tư nhân Việt Nam tự chế tạo được phóng lên quỹ đạo. Vào tối 4/10/2012, vệ tinh F-1 đã được thả ra khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bằng cánh tay robot của mô-đun Kibo sau khi được phóng lên vũ trụ trên tàu vận tải HTV-3 bằng tên lửa đẩy HII-B từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản ngày 21/7.
Vệ tinh F-1 là thành quả nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu Không gian FPT (FSpace) thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Đại học FPT. Với hình dáng khối lập phương cạnh 10cm và nặng 1 kg, vệ tinh F-1 có mục tiêu là phải "sống" được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển trái đất. thêm nữa, vệ tinh F-1 còn đặt mục tiêu chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Mời độc giả xem video: NASA đón khách du lịch lên trạm vũ trụ quốc tế ISS. Nguồn: THDT.
Tâm Anh (TH)