Lần nhật thực xuất hiện ở Việt Nam ấn tượng và gây xôn xao nhất là lần xuất hiện hiện tượng nhật thực toàn phần ngày 24/10/1995 tại Phan Thiết, thu hút đông đảo những nhà thiên văn trên khắp thế giới và Việt Nam.
Lần xuất hiện đó, hiện tượng nhật thực bắt đầu vào khoảng 9h38, khi Mặt trăng bắt đầu "xâm lấn" một phần Mặt trời. Vào thời điểm bắt đầu xảy ra hiện tượng nhật thực, bầu trời tối dần. Đến khoảng 11h13, Mặt trăng hoàn toàn "nuốt chửng" Mặt trời, nhật thực toàn phần chính thức xảy ra, bầu trời tối sầm lại như ngày tận thế, khung cảnh ngoạn mục này kéo dài khoảng 2 phút đồng hồ và được cho là một trong những lần nhật thực ấn tượng nhất xảy ra ở Việt Nam.
|
Hiện tượng nhật thực toàn phần khiến bầu trời trở nên tối đen trong phút chốc. |
Tiếp đến là lần nhật thực toàn phần diễn ra vào ngày 29/3/2006. Tuy vậy lần này chúng ta chỉ quan sát được một phần quá trình diễn ra nhật thực chứ không quan sát được toàn bộ quá trình như lần xuất hiện nhật thực toàn phần diễn ra vào ngày 24/10/1995. Tuy vậy, sự kiện này vẫn gây xôn xao, không ít người đam mê thiên văn và ham thích những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú ở Việt Nam đã đón đợi và quan sát được những khoảnh khắc đẹp khi diễn ra nhật thực.
Lần nhật thực toàn phần này diễn ra trước tiên ở mũi phía đông của Brazil, băng qua Đại Tây Dương với vận tốc khoảng 1.600 km/giờ rồi đến ba nước nằm ven biển là Ghana, Togo, và Benin khoảng 8h sáng. Người dân ở những nước Tây Phi là những người được nhìn ngắm trọn vẹn lần nhật thực này.
|
Cảnh tượng ngoạn mục Mặt trăng "ăn" Mặt trời khi hiện tượng nhật thực diễn ra. |
Ngày 1/8/2008, hiện tượng nhật thực một phần diễn ra ở Việt Nam, vào lần diễn ra hiện tượng thiên nhiên hiếm thấy này, người dân cả nước đều có cơ hội được chiêm ngưỡng, địa điểm quan sát được nhật thực rõ nét nhất là ở Cao Bằng, với độ che phủ Mặt trời hơn 73%. Do dải nhật thực quét từ phía Bắc xuống nên các địa phương càng gần biên cực bắc càng có cơ hội quan sát rõ, các địa phương miền Trung và miền Nam cũng có thể quan sát được nhưng phải chọn nơi cao, thoáng mới có thể quan sát được vì lúc đó mặt trời đã xuống quá sát đường chân trời.
Cuối cùng, lần xảy ra nhật thực ở Việt Nam gây xôn xao gần đây nhất là vào ngày 22/7/2009. Đây được cho là nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21, với thời gian xảy ra nhật thực toàn phần cực đại là 6 phút 39 giây.
|
Ảnh chụp nhật thực qua tấm phim diễn ra vào ngày 22/7/2009 tại Việt Nam. |
Tuy nhiên, do không nằm trong vùng quan sát nhật thực toàn phần nên ở Việt Nam chỉ có thể quan sát được một phần của hiện tượng thiên nhiên trăm năm mới gặp một lần này. Trong lần xuất hiện nhật thực toàn phần thế kỷ này, Hà Giang là địa phương quan sát được hiện tượng nhật thực lớn nhất tại Việt Nam với tỉ lệ che lấp Mặt trời lên tới 75,8%.
Hôm nay, ngày 9/3/2016, Việt Nam lại một lần nữa có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần. Mặc dù vậy, do không nằm trong vùng có thể quan sát thuận lợi, ở Việt Nam chỉ có thể quan sát được hiện tượng nhật thực một phần.
Theo các nhà thiên văn, độ che phủ ở Việt Nam quan sát được rơi vào khoảng hơn 59% là cao nhất và tỉ lệ che phủ sẽ giảm dần từ Nam ra Bắc. Riêng ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, tỉ lệ che phủ là 22,28%.
Ở khu vực Đông Nam Á, nơi xem nhật thực lý tưởng và trọn vẹn nhất là Indonesia. Cụ thể là ở các đảo Palembang, Sumatra, Palu, Sulawesi, Pulau Ternate, Bắc đảo Maluku, người xem có thể quan sát nhật thực với độ che phủ 100%.
Dự kiến sau lần nhật thực diễn ra vào 9/3/2016, những người yêu thiên văn sẽ phải đợi đến 21/8/2017 mới tiếp tục được chứng kiến hiện tượng nhật thực diễn ra lần nữa.
Hiện tượng nhật thực xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Trái đất và Mặt trời. Quan sát từ Trái đất, lúc đó ta sẽ thấy Mặt trăng che khuất hoàn toàn hay một phần Mặt trời. Điều này chỉ có thể xảy ra tại thời điểm sóc trăng non khi nhìn từ Trái đất, lúc Mặt trời bị Mặt trăng che khuất và bóng của Mặt trăng phủ lên Trái đất. Trong lúc nhật thực toàn phần, đĩa Mặt trời bị che khuất hoàn toàn. Với nhật thực một phần hoặc hình khuyên, đĩa Mặt Trời chỉ bị che khuất một phần.
Đinh Ngân (TH)