Mồm miệng lở loét vì tẩy da chết cho môi

Google News

(Kiến Thức) - Lạm dụng mỹ phẩm tẩy da chết cho môi, nhiều chị em đã phải đến gặp bác sĩ da liễu trong tình trạng đôi môi bị tróc lở.

Thị trường không chỉ có mỹ phẩm tẩy tế bào chết trên cơ thể mà còn có loại dùng cho da môi. Trong đó, có loại mỹ phẩm giới thiệu chiết xuất từ thảo dược như đường đen, vỏ cam, tinh dầu cà phê, tinh chất đu đủ… tác dụng loại bỏ lớp da bong tróc trên môi, giúp không bị khô, nứt. Nhưng theo chuyên gia cảnh báo, chị em không nên tin, sử dụng tùy tiện mỹ phẩm tẩy da chết cho môi
Những nguy hiểm 
Theo BS Huỳnh Quang, Phòng khám chuyên khoa da liễu Huỳnh Quang (TPHCM), da môi hay bong tróc phụ thuộc nhiều yếu tố của cơ thể, nếu bị bong tróc quá nhiều gây khó chịu, người bệnh nên đi khám tổng quát để biết và điều trị bệnh. Thường khi thấy da môi khô hay bị bong tróc, nhiều người cho rằng do cơ thể thiếu nước, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính, bởi cơ thể có thể thiếu vi chất, các nguyên tố vi lượng... 
Trong điều trị da liễu, da môi bong tróc quá nhiều là bị viêm môi bong vảy, da bong hết lớp này lại tới lớp khác như bệnh chàm, để tự nó bong chứ không nên tác động vào nó, điều trị thời gian khoảng 2 tuần. Trường hợp da môi có những hạt trắng nhỏ li ti kết bè trên bề mặt da, không ngứa ngáy khó chịu là do khuẩn herpes simplex. Người bệnh nên đi khám chuyên khoa để có phác đồ điều trị bôi, uống cụ thể, không nên tự ý dùng mỹ phẩm, hoặc các loại thuốc, kem bôi... có thể gây mất cảm giác môi. 
“Các bệnh da liễu về da môi thường do dùng son môi rẻ tiền, kém chất lượng, gây kích ứng, dị ứng môi như sưng phù, ngứa, nổi mụn nước, nặng hơn là lở loét. Chúng tôi từng gặp những ca lở loét môi gần như sứt môi do sử dụng phải mỹ phẩm “rởm” làm đẹp cho môi”, BS Huỳnh Quang cho biết.
Mòm miẹng lỏ loét vì tay da chét cho moi
Mỹ phẩm giới thiệu tẩy da môi chết bán tại chợ Phạm Văn Hai, TPHCM. 
Dựa hơi, thổi phồng công dụng để… bán hàng
Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TPHCM) hiện bán nhiều loại mỹ phẩm được giới thiệu có tác dụng tẩy da chết cho da môi, trên bao bì đều không có hướng dẫn tiếng Việt. Bà Trần Thị Hải, chủ shop mỹ phẩm tại chợ giới thiệu hai loại kem tẩy da môi chết: “Hello kitty hàng của Nhật giá 120.000đ/120g và kem tẩy oriflame kết hợp tẩy cả da môi, da mặt. Tẩy xong bôi kem dưỡng không màu của Mỹ. Riêng Hello kitty còn có loại rẻ bèo khi mua phải cẩn thận...”. 
Trong khi đó, trên một số trang mạng cũng chào bán mỹ phẩm tẩy da môi chết, ví dụ như trang Skin House.vn chào hàng mỹ phẩm etude house, innisfree lip scru dạng tuýp và skinfood green coffee lip scrub giới thiệu chiết xuất từ đường đen, vỏ cam và tinh dầu cà phê giúp môi không khô nứt, bong tróc. Trang www.artdeco.com.vn thì giới thiệu ferment peeling tẩy da môi chết được chiết xuất từ trái đu đủ...
TS Võ Văn Năm, Phó trưởng Bộ môn Dược liệu, trường Đại học Y dược TPHCM cho biết, trong nghiên cứu dược khoa, vỏ cam, tinh dầu hạt cà phê hay đu đủ có các thành phần chủ yếu là chống lão hóa, chống oxy hóa, chứ không có tác dụng tẩy tế bào chết cho da. Vỏ cam có thành phần isoflavonoids chống oxy hóa nhưng dùng đường uống. Với đường đen thì chưa có nghiên cứu nào nói tới tác dụng tẩy da chết.
Cơ chế da môi rất nhạy cảm, tế bào chết trên da tự lột bỏ, nếu dùng mỹ phẩm tẩy theo kiểu “bắt ép” với mong muốn da không bong tróc sẽ gây hại. Bởi thời điểm lớp da ngoài cùng của môi bị bong bắt buộc thì lớp da non bên trong chưa đủ khả năng chống chọi với môi trường, khi đó nó tự khô lại. Nhiều chị em sau khi tẩy da còn dùng kem dưỡng môi nhưng kem không đạt chất lượng đã khiến lớp da non của môi bị tổn thương nghiêm trọng. Có nhiều yếu tố tác động đến da, còn phụ thuộc nội tiết tố của cơ thể. Tốt nhất nên dưỡng da chủ yếu bằng đường ăn uống, bổ sung trái cây, vitamin A, D, C, E... vừa lành vừa hiệu quả, cung cấp đủ nước cho cơ thể, tránh táo bón.
Theo các chuyên gia, thảo dược khi đưa vào mỹ phẩm hay thuốc chữa bệnh đều có nghiên cứu khoa học chứng minh, có công thức, thành phần công dụng chính xác, nhưng với điều kiện sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ và nơi bán có uy tín. Những mỹ phẩm quảng cáo chứa thành phần thảo dược nhưng chưa một công trình nghiên cứu nào chứng minh công dụng thì không nên dùng. Đôi khi đánh vào tâm lý người dùng, công dụng của thảo dược bị thổi phồng nhằm mục đích kinh doanh.
Dù cảnh báo nhiều nhưng vẫn có chị em cả tin những mỹ phẩm chào bán “dọc đường”, đến khi phát bệnh tới phòng khám thì da đã lở loét, tiền mất tật mang, tốn kém chi phí điều trị, ảnh hưởng thẩm mỹ, có chị em không thể phục hồi làn da lại như ban đầu. Điều trị bệnh cho da, đặc biệt là da môi thì chị em nên tới bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn hướng dẫn một cách chính xác, sử dụng mỹ phẩm thích hợp với điều kiện da, bệnh của mình. 
BS Huỳnh Quang 
Hương Nguyên