Bắt cựu chủ tịch Sen Tài Thu, nhà đầu tư có đòi được tiền?

Google News

Ngày 29/1 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt cựu Chủ tịch HĐT quản trị Công ty Sen Tài Thu với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kẻ chủ mưu đã bị bắt, nhưng còn tiền của các nhà đầu tư thì ra sao?

Mới đây, thông tin bà Phạm Thị Hòa - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu và 2 người khác là Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên Tổng Giám đốc Sen Tài Thu), Nguyễn Thị Thùy Linh (con gái bà Hòa) bị bắt vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã khiến không ít nhà đầu tư đứng ngồi không yên, lo lắng cho khoản tiền đầu tư vào Sen Tài Thu của mình.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, nếu các nhà đầu tư muốn sớm lấy được tiền, họ cần nhanh chóng tập hợp, cung cấp tài liệu, chứng cứ về vụ việc cho cơ quan chức năng. Việc này vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng, vừa giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong việc củng cố hồ sơ điều tra. Dù vậy, thời gian lấy lại được số tiền đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan điều tra, có 100 hợp đồng với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư đã được huy động. Sau khi thu được tiền các đối tượng đã cắt hoa hồng rất cao từ 7 - 30% cho đối tượng cấp dưới và đội ngũ mở rộng khách hàng. Công an thành phố Hà Nội tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ vai trò một số đối tượng khác liên quan.

Bat cuu chu tich Sen Tai Thu, nha dau tu co doi duoc tien?
Bà Phạm Thị Hòa, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sen Tài Thu tại trụ sở Công an (Ảnh: VTV)

Dưới danh nghĩa mua bán cổ phần, Sen Tài Thu đã bắt đầu huy động hơn 1.000 tỷ đồng từ năm 2021 với lãi suất cam kết khoảng 12%/ năm. Tổng số tiền đã huy động được là 1.021 tỷ đồng của 463 khách hàng.

Người đầu tư trung bình một vài tỷ, cá biệt có người đầu tư lên đến hơn chục tỷ đồng. Những nạn nhân này đều bị lừa chung một kịch bản là ban đầu gửi tiền vào sẽ được trả đầy đủ cả lãi và gốc.

Sau một thời gian, đến đầu năm 2023, nhiều người đã không còn nhận được cả gốc và lãi. Các nạn nhân đã lên công ty gặp lãnh đạo để đòi tiền nhưng bất thành. Lãnh đạo doanh nghiệp Sen Tài Thu tuyên bố, công ty không còn khả năng chi trả. Lãnh đạo đương nhiệm của Công ty Sen Tài Thu thì cho rằng trách nhiệm thuộc về ban lãnh đạo cũ.

Luật sư Hiếu cho rằng, phương thức huy động vốn của Công ty Sen Tài Thu có dấu hiệu của mô hình đa cấp Ponzi, lấy tiền của người vào sau trả cho người vào trước, đến khi không “kéo” thêm được nhà đầu tư mới sẽ sụp đổ. Thông thường, điều này đồng nghĩa với việc số tiền lấy từ nhà đầu tư để duy trì cho toàn hệ thống chỉ còn rất ít hoặc thậm chí… không còn.

Đồng thời, cần lưu ý rằng sau khi các quyết định tố tụng như khởi tố vụ án, khởi tố bị can nếu như đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản, phong tỏa giao dịch dân sự, kinh tế liên quan đến cá nhân, tổ chức để đảm bảo thi hành án sau này nên khả năng trả lại tiền cho các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Theo Công an Hà Nội, trước tình trạng kinh doanh bết bát do mở rộng các cơ sở của hệ thống massage Sen Tài Thu, doanh nghiệp nợ hơn 300 tỷ đồng, riêng tiền lãi 200 tỷ. Để có nguồn tiền trả nợ, bà Linh và Hương bị cáo buộc đã tìm cách nâng khống vốn điều lệ từ 31 tỷ lên 160 tỷ đồng để phát hành cổ phần.
Các bị can sau đó "đưa ra thông tin gian dối" về lợi nhuận của công ty, nếu mức lãi suất 12%/năm để mời chào. Các nhà đầu tư đồng ý xuống tiền sẽ ký hợp đồng mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phần, còn công ty cam kết mua lại cổ phần.
Để có nhiều người tham gia, tổng giám đốc Hương xây dựng đội ngũ nhân viên tư vấn bán hàng và trả hoa hồng 7-30% giá trị hợp đồng. Đội tư vấn cho Sen Tài Thu đa số là nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán, tài chính bởi họ có sẵn tệp khách hàng tiềm năng trong tay.
Công an cho rằng với việc sử dụng danh tiếng thương hiệu Sen Tài Thu, nhóm bị can đã chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng và dùng phần lớn để trả nợ. Công ty đã mất khả năng thanh toán.

 

Minh Châu