Euro Auto nhập khẩu xe BMW “phản pháo” gì về gian lận thương mại?

Google News

(Kiến Thức) - Bên cạnh việc bị Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm, gian lận thương mại lần này, Euro Auto trước đó còn 2 lần dính phốt bị truy thu thuế.

Ngày 30/11, Bộ Tài chính đã có công văn hoả tốc gửi Tổng cục Hải quan yêu cầu dừng thông quan lô hàng nhập khẩu của Công ty cổ phần Ô tô Âu Châu (Euro Auto), đơn vị phân phối chính hãng xe BMW tại Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, Bộ phát hiện nhiều sai phạm, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Euro Auto, như công ty tự ý tiêu thụ xe BMW khi chưa được cơ quan hải quan cho thông quan, hay cố ý không cung cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của xe BMW do công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng. Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng công ty đã sử dụng tài liệu giả như Hợp đồng mua bán, hoá đơn thương mại... để nhập khẩu ô tô BMW.
Trả lời về vấn đề này, Euro Auto đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, Euro Auto đang cùng lúc phải tiếp đón, làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính theo các đợt kiểm tra đang tiến hành. Các nghi vấn của Bộ Tài Chính đã được Euro Auto giải trình theo yêu cầu và hiện tại công ty vẫn đang trong quá trình cung cấp và giải trình các tài liệu cho các cơ quan này. Euro Auto cũng khẳng định làm việc theo đúng pháp luật.
Euro Auto nhap khau xe BMW
Euro Auto liên tục gặp rắc rối liên quan quan đến việc nhập khẩu xe vào Việt Nam. Ảnh: Saigontimes. 
Bên cạnh đó, Euro Auto còn cho hay doanh nghiệp này hoàn toàn minh bạch trong các báo cáo tài chính và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về thuế và luật pháp hiện hành.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Đây không phải lần đầu tiên Euro Auto gặp rắc rối liên quan quan đến việc nhập khẩu xe vào Việt Nam và vấn đề thuế phí. Trước đó, doanh nghiệp này từng 2 lần dính “phốt” liên quan đến việc nộp thuế và bị truy thu thuế.
Cụ thể, hồi tháng 8/2015, Tổng cục Thuế đã có quyết định truy thu và phạt Euro Auto BMW, tổng số tiền 6,588 tỷ đồng. Lý do khiến BMW Euro Auto bị truy thu và phạt khoản tiền hàng tỷ đồng này là bởi hành vi kê khai giá bán ra của các xe có giá trị thấp hơn giá trị giao dịch thông thường. Đáng chú ý là số tiền phạt này mới chỉ áp dụng dựa trên kiểm tra sổ sách năm 2013 của Công ty Euro Auto.
Trước đó nữa, hồi năm 2012, Euro Auto cũng từng bị Cục Hải quan TP HCM ra quyết định ấn định thuế số 1505/QĐ-HQHCM, truy thu số tiền thuế là 82,9 tỷ đồng sau khi Hải quan TP HVM tiến hành kiểm tra sau thông quan tại doanh nghiệp này từ thời điểm 1/1/2010 đến 29/6/2012.
Lý do bởi có nhiều khoản chi phí đáng lẽ phải cộng vào trị giá nhập khẩu hàng hóa để tính thuế, nhưng Công ty đã "quên" khai báo.
Theo đó, trong quá trình làm thủ tục hải quan, các lô hàng xe BMW 100% mới của Euro Auto BMW đều được thông quan theo phương pháp xác định trị giá giao dịch để tính thuế, là giá ghi trên hóa đơn mua bán, đã bao gồm cước phí vận tải (C&F). Công ty còn cam kết không trả bất cứ khoản nào cho đối tác bán xe ngoài số tiền đã ghi trên hóa đơn nên trong tờ khai, không có chi tiết khai khoản chi phí phải cộng hay phải trừ.
Tuy nhiên, thực tế kiểm tra thì ngược lại, ngoài giá trị theo hóa đơn mua bán, doanh nghiệp đã khai thiếu các khoản chi phí phải cộng lên tới hơn 2,1 triệu USD.
Cụ thể, đó là những khoản tiền mà Euro Auto đã trả cho đối tác là Công ty Asia Auto Finance Ltd ở Hồng Kông (AAF) - đơn vị đóng vai trò trung gian trong việc mua bán xe ô tô hiệu BMW giữa Euro Auto với chính hãng BMW, theo Hợp đồng tư vấn dịch vụ ký từ ngày 1/1/2010.
Trong đó, hàng tháng, doanh nghiệp trả cho đối tác AAF khoản tiền 25.000 USD. Tổng số tiền đã được công ty này thanh toán trong thời gian từ 1/1/2010 đến 29/6/2012 cho đối tác là 750.000 USD.
Hàng quý, công ty tính tổng doanh số bán xe quý trước và nhân với 3% doanh số đó để tính chi phí cho AAF. Trong khoảng thời gian trên, Công ty đã trả cho AAF tổng số tiền lên tới 1.395.766 USD.
Theo Chi Cục kiểm tra sau thông quan TP HCM, tất cả các khoản mà Euro Auto đã trả cho AAF phải được cộng vào giá trị hàng nhập khẩu khi khai báo tại hải quan.
Như vậy tổng số thuế mà doanh nghiệp khai thiếu lên tới 82,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có hơn 328 triệu đồng là số thuế còn phải nộp do doanh nghiệp không khai báo phí THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng).
Vụ việc này đã được cơ quan hải quan chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát và cơ quan cảnh sát điều tra công an TP HCM. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2012, Euro Auto đã đâm đơn khởi kiện tại Tòa hành chính, Tòa án Nhân dân TP HCM và được Tòa án ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm đình chỉ thi hành quyết định ấn định thuế của hải quan TP HCM. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải nộp khoản thuế do không khai báo phí THC.
Minh Hiếu