Mùa bánh Trung thu 2023: Vừa bán vừa nghe ngóng thị trường

Google News

Nhiều doanh nghiệp cho biết năm nay sản xuất bánh trung thu với lượng vừa phải, không trữ nhiều. Trong khi đó, nhiều đại lý bán lẻ cũng không dám mạnh tay nhập hàng.

Thấp thỏm lo ít người mua
Tuy còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Trung Thu 2023 (dịp Rằm tháng Tám âm lịch) nhưng thị trường bánh Trung Thu tại Tp.HCM đã khởi động với những cửa hàng, quầy, sạp giới thiệu sản phẩm trên nhiều tuyến đường thuộc trung tâm thành phố.
Tại góc đường Hải Thượng Lãn Ông - Trang Tử (quận 5) vài ngày qua, năm ki-ốt đã thắp đèn sáng để trưng bày đủ các loại bánh trung thu chay mặn chờ đón khách mua. Theo nhân viên tư vấn, các loại bánh có giá dao động từ 55.000-185.000 đồng/cái tùy loại 1-2 trứng. Ngoài các dòng bánh trung thu nướng, dẻo, chay truyền thống với các loại nhân đậu xanh, hạt sen, sữa dừa, thập cẩm… còn có các dòng bánh nhân 5 loại hạt, nhân bào ngư, gà quay, cua bát bửu, cốm dừa, đậu đỏ kiểu Nhật, việt quất.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tiền Phong, khách có nhu cầu mua bánh khá èo uột. Nhân viên bán bánh trung thu trên đường Cống Quỳnh (quận 1) cho biết, quầy sạp đã mở bán gần 5 ngày qua nhưng khách đến tìm hiểu, dò giá là chính.
“Thời gian này sạp chỉ mới đưa một lượng bánh nhỏ thăm dò thị trường. Năm nay kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào cao nên giá bánh tăng từ 2.000-5.000 đồng/bánh”, nhân viên cho biết.
Mua banh Trung thu 2023: Vua ban vua nghe ngong thi truong
Nhiều sạp hàng bánh trung thu mở bán sớm nhưng khách có nhu cầu mua bánh khá èo uột. ảnh: U.P/Tiền Phong
Trưng bánh ra từ vài ngày nay nhưng bà Đặng Huỳnh Sao, chủ quầy bánh Kinh Đô nằm trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, Tp.HCM), chia sẻ với báo Tuổi Trẻ chỉ dám nhập hàng cầm chừng, vừa bán vừa dò thị trường.
"Mỗi lần chỉ nhập khoảng 20 chiếc mỗi loại xem khách thích loại nào nhất, sức mua ra sao sẽ tăng nhập loại đó vào đợt cao điểm. Năm nay sức mua khả năng chậm nên tôi không dám nhập nhiều", bà Sao nói.
Theo bà Sao, sau khoảng 3 ngày mở quầy, mỗi ngày bà bán được khoảng 2,5 - 3 triệu đồng, chậm so với năm trước. "Hiện tại chủ yếu khách mua nếm thử và khách quen thích đồ ngọt mua ăn cho vui. Khoảng 1 tháng nữa, khi các công ty bắt đầu đặt hàng và người dân đi mua quà biếu mới có thể nói rõ", bà Sao nhận định.
Mở bán bánh trung thu được 3 ngày nay trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), bà Hồ Bích Hường cũng cho biết vẫn chưa dám mạnh tay nhập hàng vì giá nhiều loại bánh tăng 5.000 - 10.000 đồng/cái so với năm ngoái, với tình hình kinh tế khó khăn, sức mua có thể sẽ sụt giảm 30% so với các năm.
Trong khi đó, nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3), quầy bánh trung thu hiệu Kim Phượng nổi bật với nhiều sản phẩm. Đây là lần đầu tiên thương hiệu này mở quầy bán lẻ mang tên hãng sau 35 năm bán sỉ.
Theo ông Cao Văn Bình, đại diện thương hiệu, mỗi ngày lò sản xuất ra khoảng 100 cái bánh phân phối các chi nhánh, cao điểm lên tới 1.000 cái với hơn 40 loại bánh trung thu, giá dao động từ 60.000 - 190.000 đồng/bánh. Rẻ nhất là các dòng bánh chay và mắc nhất là bánh vi cá quay, gà quay lạp xưởng... Tuy nhiên, vẫn đang lo lắng về sức mua.
"Năm nay giá nguyên liệu đầu vào tăng 30% tuy nhiên đơn vị vẫn cố giữ giá. Tình hình kinh tế khó khăn nên sức mua chậm, nếu tăng giá sẽ khó bán bánh", ông Bình lý giải.
Ghi nhận của Tiền Phong, tại nhiều chợ bán nguyên liệu làm bánh trung thu, lượng khách mua cũng không cao. Tại một số chợ lớn ở Tp.HCM như Bình Tây (quận 6), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), An Đông (quận 5), Tân Định (quận 1)… giá các loại hạt, mứt để làm nhân bánh trung thu hiện khá ổn định.
Bà Ứng Thị Liên, Trưởng ngành hàng bánh, kẹo, mứt chợ Bình Tây cho biết, khách chưa đặt mua nhiều nên tiểu thương nhập hàng nhỏ giọt chứ không dự trữ. Theo bà, sức tiêu thụ nguyên liệu làm bánh trung thu năm nay giảm khoảng 50% so với trước.
Nhiều năm nhập hàng bánh trung thu khi đến mùa, bà Lê Thị Trà My, chủ cửa hàng bánh kẹo trên đường Lê Văn Quới (quận Bình Tân) cho biết, năm nay công nhân nghỉ việc nhiều nên lượng bánh tiêu thụ chắc chắn sẽ không bằng so với các năm trước. Chưa kể giá cả bánh tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
“Hiện, tôi chỉ dám nhập hàng cầm chừng, vừa bán vừa dò thị trường. Mỗi dòng bánh chỉ nhập khoảng 20 cái. Hết thì nhập thêm chứ không dám trữ hàng vì sợ ôm lỗ. Sức mua hiện vẫn là ẩn số. Khoảng 1 tháng nữa, khi các công ty bắt đầu đặt hàng và người dân mua làm quà biếu tặng mới có thể biết được chính xác”, bà My chia sẻ.
Doanh nghiệp vẫn nghe ngóng thị trường
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty Bibica, cho biết sản lượng bánh trung thu năm nay của Bibica tăng 20% so với năm 2022, với 600 tấn bánh các loại. Do giá nguyên liệu đầu vào có sự gia tăng như bột mì tăng 33%, hộp giấy tăng 11%..., nên giá bánh tăng 5 - 10% so với năm ngoái, dao động từ 44.000 - 140.000 đồng/cái cho dòng phổ thông, từ 300.000 - 2.600.000 đồng/hộp với dòng cao cấp.
Theo ông Thiện, nhu cầu thị trường có thể chậm so với mọi năm nên doanh nghiệp nghe ngóng thị trường để tính toán từng thời điểm sản xuất tùy theo sức mua.
"Do công nhân nghỉ nhiều nên nhu cầu mua bánh trung thu của doanh nghiệp có xu hướng giảm so với mọi năm. Do đó, chúng tôi không sản xuất để dự trữ nhiều như trước, và cố gắng đa dạng chủng loại để người dân dễ mua", ông Thiện thông tin.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Đồng Khánh (Long An) - đơn vị sản xuất bánh trung thu Đồng Khánh hiệu Bông lúa vàng, cũng cho biết vẫn chưa dám mạnh tay sản xuất vì sức mua chậm. Trong đó lượng khách hàng doanh nghiệp hằng năm thường đặt sớm nhưng nay chưa thấy đâu, khả năng lượng khách này có thể chỉ bằng phân nửa so với mọi năm.
"Chúng tôi đang sản xuất cầm chừng để nghe ngóng thị trường, cần tới đâu sản xuất tới đó. Ngoài ra, năm nay sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho đại lý để dễ đẩy bánh đi như chiết khấu 20 - 30%, khách nhập lượng nhiều, không áp dụng chính sách trả bánh lại sẽ được chiết khấu thêm 5 - 7%", bà Thủy thông tin.
Theo đại diện đơn vị này, dù giá nguyên vật liệu tăng mạnh nhưng để giữ nguồn khách, giá bánh được công ty bán ra chỉ tăng trên dưới 2.000 đồng/cái so với năm ngoái với dòng bánh nướng phổ biến từ 63.000 - 147.000 đồng/cái; bánh dẻo, bánh chay, bánh ăn kiêng 53.000 - 92.000 đồng/cái...
Trong khi đó, bất chấp những khó khăn từ thị trường, nhiều đại gia ngành bánh vẫn tăng sản lượng bánh trung thu cũng như nâng cấp chất lượng, mẫu mã.
KIDO dự kiến tăng 50% sản lượng bánh trung thu so với năm 2022. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết, năm 2022, hơn 300 tấn bánh trung thu KIDO đã “cháy hàng” trước thềm trung thu nên năm nay tập đoàn tự tin đặt mục tiêu sản xuất 450 tấn.
Mới đây, tập đoàn này đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bánh trung thu với công nghệ Nhật Bản nhằm tăng công suất sản xuất để cung ứng lượng hàng lớn cho thị trường. “Kết hợp mối quan hệ lâu năm cùng đối tác cung ứng nguyên liệu nên năm nay về mặt giá cả sẽ khá cạnh tranh”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Tương tự, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) Kao Siêu Lực cho hay, đơn vị đã nhận được đơn đặt hàng từ 17 công ty với tổng cộng hơn 2 triệu bánh, tăng khoảng 200.000 bánh so với năm 2022. Một số công ty trong nước thường đặt mua bánh trung thu nay đã ngưng hoạt động nhưng bù lại, có thêm nhiều công ty có vốn nước ngoài đặt mua. Năm nay, ABC tăng giá bánh trung thu các loại 3 - 5%, tương ứng với mức tăng giá của các loại nguyên liệu đầu vào.
Theo Minh Hoa / Người Đưa Tin