Năm 2024 sẽ hạn chế gia tăng truy thu thuế

Google News

Nợ thuế năm 2023 cao hơn so với năm 2022. Bước sang năm 2024, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo nhiều công tác liên quan đến truy thu nợ thuế, tránh để tình trạng thuế nợ lớn, chây ì, kéo dài.

Năm 2023, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế cũng đã đẩy mạnh công tác đôn đốc thu nợ. Tiến hành rà soát, phân tích, phân loại nợ, xác định rõ nguyên nhân từng khoản nợ để áp dụng biện pháp thu nợ, đồng thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế để xử lý gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền nợ. Bên cạnh đó, với doanh nghiệp có khả năng nộp thuế nhưng chây ỳ thì cơ quan thuế kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế thu nợ theo quy định pháp luật về thuế.
Kết quả, năm 2023, toàn ngành thuế đã thu hồi được 41.557 tỷ đồng, trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 37.605 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.952 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngành thuế tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình quản lý nợ và quy trình cưỡng chế nợ thuế cho công chức làm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế kết hợp với học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.
Theo lý giải của Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ tăng so với thời điểm 31/12/2022 một phần do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động, tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tài sản đều đã thế chấp ở ngân hàng nên khi thực hiện cưỡng chế thì chưa thu hồi được; một số người nộp thuế rời bỏ thị trường làm tăng tiền thuế nợ khó thu.
Cùng với khó khăn chung của thị trường vốn đã ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao.
Về kết quả xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14, Bộ Tài chính cho biết từ khi Nghị quyết có hiệu lực (01/7/2020) đến 30/6/2023, kết quả xử lý nợ thuế ước đạt 34.692 tỷ đồng. Trong đó, xử lý khoanh nợ tiền thuế là 25.990 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 8.702 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc phân loại nợ thuế để có giải pháp thu hồi phù hợp là cần thiết. Nếu doanh nghiệp vẫn hoạt động, có doanh thu cần tập trung tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, cố tình không nộp thì phải có biện pháp mạnh, thậm chí đề nghị truy tố. Tuy nhiên, doanh nghiệp thực sự khó khăn thì cần hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc.
Trong năm 2024, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế triển khai thu nợ ngay từ đầu năm đối với nhóm nợ có khả năng thu; áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế đối với trường hợp số tiền thuế nợ lớn, chây ỳ, kéo dài.
Cụ thể, trường hợp có tiền thuế nợ dưới 90 ngày, cơ quan thuế thực hiện các biện pháp như gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử, mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ để đôn đốc nộp trả ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.
Đối với trường hợp có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế thuộc trường hợp phải cưỡng chế, cơ quan thuế áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.
Giải pháp tiếp theo là đẩy nhanh việc xử lý đối với những khoản nợ đang chờ xử lý và tiền thuế đang chờ điều chỉnh. Đặc biệt, đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cơ quan thuế thực hiện rà soát, xác định chính xác số tiền người nộp thuế còn nợ; hạch toán, theo dõi đầy đủ các khoản nợ trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung.
Minh Châu (t/h)