Xử lý Tập đoàn Mường Thanh, không để dân bị ảnh hưởng

Google News

Trong việc xử lý sai phạm tại các dự án của Tập đoàn Mường Thanh, chủ trương của UBND TP Hà Nội là bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân mua nhà ở các dự án này

 

 

Dự kiến tới đây, Công an TP Hà Nội có thể sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can sai phạm pháp luật của một số doanh nghiệp (DN) thuộc Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản làm chủ tịch. Vấn đề đặt ra là đối với những người dân mua căn hộ ở các dự án sai phạm, xây dựng không phép, sai phép của tập đoàn này thì quyền lợi của họ được giải quyết ra sao?

Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư

Cuối năm 2016, Thanh tra Bộ Xây dựng công bố nhiều sai phạm tại dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại nhà ở cao cấp VP6 - Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) do DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch được duyệt, tòa nhà VP6 - Linh Đàm cao 25 tầng + 2 tầng kỹ thuật + 3 tầng hầm nhưng chủ đầu tư đã xây thành 35 tầng + 1 tầng kỹ thuật + 1 tầng hầm, tổng cộng 37 tầng. Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng chỉ rõ từ tầng 2 - 9 của tòa nhà VP6 - Linh Đàm đã bị chủ đầu tư tự ý chuyển đổi mục đích từ dịch vụ thương mại, văn phòng thành căn hộ để bán.

Đáng chú ý là trước thông tin về những sai phạm tại dự án này, một số hộ dân đang sinh sống ở các tầng xây dựng sai phép cho biết họ không quá lo lắng, dù chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (gọi chung là sổ đỏ). "Chúng tôi được biết có thông tin là cơ quan chức năng đang có lộ trình để tiến hành làm sổ đỏ cho người dân mua nhà tại đây" - một cư dân ở tầng 26 tòa nhà VP6 - Linh Đàm chia sẻ.

Nhiều cư dân ngụ tại tầng 26 còn thừa nhận có biết thông tin tòa nhà VP6 - Linh Đàm chỉ được phép xây 25 tầng nhưng theo hợp đồng thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. "Cơ quan chức năng kết luận có sai phạm ở dự án này thì làm sao chúng tôi biết được. Việc sai phạm nếu có là của chủ đầu tư, chứ đâu phải người dân bỏ tiền ra mua nhà" - chủ một căn hộ nói.

Trước đó, ngày 5/7, Chi nhánh Dịch vụ nhà ở Mường Thanh thuộc DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên đã có thông báo gửi các dân cư khu nhà ở VP6 - Linh Đàm, nói rõ tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại dự án khu nhà ở VP6 - Linh Đàm vẫn diễn ra bình thường.

Xu ly Tap doan Muong Thanh, khong de dan bi anh huong
Nhiều người dân mua căn hộ tại dự án nhà ở Đại Thanh thuộc Tập đoàn Mường Thanh chưa được cấp sổ đỏ Ảnh: Nguyễn Hưởng
Cam kết cấp sổ cho người dân

Một dự án khác của Tập đoàn Mường Thanh là dự án khu nhà ở Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) do Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư, cũng bị phát hiện mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng. Trong đó có việc xây dựng sai phép, xây lấn khu quy hoạch cây xanh; tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu; chậm trễ cấp sổ cho người dân…

Chị Nguyễn Thị Hoa, có nhà tại CT8 khu đô thị Đại Thanh, nói nhà chị đang ở có diện tích 37 m2, đến nay chưa có sổ đỏ. Cũng theo chị Hoa, khoảng hơn 1 năm, do không được cấp sổ đỏ nên nhiều cư dân nơi đây lo lắng. Còn hiện tại người dân đã yên tâm phần nào khi tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ sớm cấp sổ cho bà con.

Liên quan đến vấn đề giải quyết quyền lợi cho các hộ dân mua nhà ở những dự án nhà ở có sai phạm của Mường Thanh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nhấn mạnh quan điểm chung của lãnh đạo TP Hà Nội là vẫn cấp sổ đỏ bình thường nếu người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư.

"Việc cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ, không phụ thuộc vào việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư. Đây là 2 sự việc khác nhau, trách nhiệm của cơ quan nhà nước là xử lý sai phạm của chủ đầu tư nhưng nhà nước cũng có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi hợp pháp chính đáng của người mua nhà ở dự án này"- ông Nghĩa khẳng định. 

 

Không xử lý thì người dân biết tin vào đâu!

Đánh giá về những vi phạm trật tự xây dựng tại nhiều nơi trên cả nước của Tập đoàn Mường Thanh, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết vi phạm trật tự xây dựng đã là quá trầm trọng. Một nhà dân xây dựng một bức tường, mở một cái cửa số là bị phạt lên phạt xuống, còn công trình xây dựng lớn, vi phạm ở nhiều nơi mà không xử lý thì người dân biết tin vào đâu.

"Theo tôi, không chỉ Mường Thanh mà tại dự án của các công ty, doanh nghiệp khác cũng phải đánh giá lại. Việc vi phạm trên các dự án, công trình lớn rất dễ nhận biết, chứng tỏ có liên quan đến công tác quản lý xây dựng, quản lý hành chính, xã hội trên địa bàn. Trong trường hợp bình thường, việc sai phạm trong xây dựng một công trình nhỏ, thậm chí trong ngõ phố hoặc trong xóm nhỏ đều bị phát hiện, xử lý. Vậy tại sao sai phạm ở các công trình tầm cỡ lại không bị phát hiện, xử lý?" - ông Nhưỡng nói. Ông Nhưỡng cho rằng việc xử lý trách nhiệm pháp lý đến đâu các cơ quan chức năng sẽ căn cứ tính chất, mức độ vi phạm để xem xét quyết định. Nếu đủ cơ sở thì có thể xử lý về mặt hình sự.

Cũng theo ông Nhưỡng, để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng không tiếp tục xảy ra, quan trọng nhất là cả phía chủ dự án, chủ đầu tư, người thi công, giám sát và các chủ thể khác phải tự giác tuân thủ pháp luật. Trong trường hợp có sai phạm cần xem xét xử lý trước tiên người đứng đầu, sau đó xử lý các cá nhân, tổ chức khác. Đối với công trình cần tháo dỡ thì kiên quyết tháo dỡ. Cần áp dụng chế tài xử phạt nặng về kinh tế để sung công và bảo đảm tính răn đe.

Th.Dũng N.Hưởng

 
 
Theo Nhóm PV / Người Lao Động