|
Ảnh minh họa.
|
Tập Cận Bình bắt đầu quảng bá “Giấc mơ Trung Hoa” trước khi ông nhậm chức Chủ tịch nước. Trong tháng 11/2012, ông Tập tuyên bố: “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc”.
Hồi tháng 3/2013, trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc ngay sau khi được chính thức bổ nhiệm làm Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng ta phải nỗ lực không ngừng… tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và phấn đấu đạt được giấc mơ phục hưng dân tộc Trung Quốc”.
“Giấc mơ Trung Hoa” trong con mắt người dân
Để tìm câu trả lời, phóng viên của kênh truyền hình CNN đã hỏi một số công dân Trung Quốc sống ở Bắc Kinh.
Li Lei, một chuyên gia hóa trang 27 tuổi, nói: "Đối với tôi, ‘Giấc mơ Trung Hoa’ là mua được một ngôi nhà ở Bắc Kinh và đến sống ở đó”.
Sarah Shi, một nhân viên lễ tân khách sạn 25 tuổi, cho biết thêm: "Ước mơ của tôi là có đủ tiền để đoàn tụ gia đình và không phải đi quá xa đến chỗ làm việc”.
Trong khi đó, nhân viên bán hàng 47 tuổi Li Jianjie cho biết ước mơ lớn nhất của ông ta là được chăm sóc y tế.
Xóa bỏ đói nghèo
Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, “Giấc mơ Trung Hoa” là duy trì kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển. Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã “xóa đói, giảm nghèo” cho khoảng 600 triệu công dân. Để trở thành một cường quốc, Trung Quốc phải chuyển từ một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang một nền kinh tế tiêu dùng.
Sự chuyển đổi này quả là không dễ dàng.
Jing Ulrich, giám đốc điều hành chi nhánh Trung Quốc của JP Morgan, nhận định rằng Trung Quốc “không thể tiếp tục dựa vào đầu tư, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, nhà máy, bất động sản ...” mà cần chuyển sang “một nền kinh tế dịch vụ có định hướng”. Bà này nói thêm: “Trung Quốc có đội ngũ người tiêu dùng đông đảo, nhưng những người này cần phải cảm thấy một tương lai an toàn để có thể tiết kiệm ít hơn và chi tiêu nhiều hơn”.
Vẫn còn đó vấn nạn tham nhũng
Ngoài việc xây dựng phải xậy dựng mạng lưới an sinh xã hội, Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có ô nhiễm môi trường và vấn nạn tham nhũng.
Evan Osnos, phóng viên của tờ The New Yorker thường trú ở Trung Quốc, cho biết: “Con người ngày nay tìm kiếm nhiều thứ, chứ không chỉ quan tâm đến túi tiền của họ. Họ có một quan niệm phong phú hơn về những gì có nghĩa là ‘cuộc sống tốt’. Họ nói rằng tôi muốn sống trong một thành phố có không khí trong sạch hơn”. Mọi người cũng nói “nếu phải đến tòa án”, họ muốn được đảm bảo “có thể nhận được một bản án hợp lý từ các thẩm phán không bị hối lộ hoặc không bị chính trị chi phối”.
Cải cách thực sự?
Trong một bài viết, cựu Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wu Jianmin, nói: "Nếu nhìn vào bài phát biểu Chủ tịch Tập Cận Bình, nếu nhìn vào Báo cáo Đại hội đảng, người ta có thể thấy họ (ban lãnh đạo Trung Quốc) nói về cải cách chính trị. Tập Cận Bình nói rất rõ ràng về điều đó. Chúng ta cần có pháp quyền và dân chủ”.
Nhưng khi Trung Quốc nâng cao địa vị trên thế giới, không ít người lo ngại rằng nước này đang ngày càng trở nên bành trướng và xâm lược - đặc biệt là liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trên biển.
Nhưng Tập Cận Bình cho biết ý định của chính phủ Trung Quốc là hoàn toàn hòa bình. Tại một bài phát biểu gần đây tại Moscow, ông Tập nói giấc mơ Trung Quốc "sẽ không chỉ có lợi cho nhân dân Trung Quốc mà còn sẽ có lợi cho toàn thế giới”.
Và thế giới sẽ có cả một thập kỷ để kiểm chứng xem “Giấc mơ Trung Hoa” có “hoàn toàn hòa bình” và “có lợi cho toàn thế giới” như ông Tập Cận Bình từng tuyên bố hay không.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Lê Chân (theo CNN)