Kiểm tra quyết tâm của ASEAN và Mỹ
Giàn khoan HD-981 được Trung Quốc đưa vào sử dụng vào năm 2012 và được coi là “vũ khí chiến lược” của ngành dầu mỏ Trung Quốc.
Giàn khoan này sẽ giúp Trung Quốc thay đổi cuộc chơi bằng cách giúp nước này có thể thực hiện mục tiêu được theo đuổi lâu nay: khi thác những nguồn dầu mỏ ở gần đại lục. Và việc
triển khai giàn khoan HD-981 tại vùng biển Việt Nam có thể coi là bước đầu.
“Trung Quốc luôn có ý định đó. Và hiện giờ họ có khả năng thực hiện”, ông Christopher Len – nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Năng lượng ĐH Quốc gia Singapore nhận xét về kế hoạch khai thác dầu tại Biển Đông của Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi trung tâm của tranh chấp là nguồn dầu mỏ - cũng như các nguồn tài nguyên chưa khai thác trên Biển Đông, các nhà phân tích an ninh cho rằng, Trung Quốc đang tìm kiếm những tiền lệ về việc các nước láng giềng cũng như Mỹ cho phép nước này kiểm soát nguồn tài nguyên chiến lược trong khu vực tranh chấp.
|
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc. |
Trung Quốc đang kiểm tra quyết tâm của Washington trong việc giúp đỡ các đối tác trong khu vực tại thời điểm một số nước đang lo ngại về việc chiến lược chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á của chính phủ Obama đang bị lung lay.
Trong chuyến thăm tới châu Á cuối tháng 4/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trấn an Nhật bằng cách đảm bảo sẽ giúp Nhật bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước các cuộc tấn công.
Ở Manila, ông Obama tuyên bố hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Philippines là “sắt thép”, mặc dù Tổng thống Mỹ không nói rõ khi đề cập về việc hỗ trợ Philippines tại các quần đảo tranh chấp.
Hành trình của ông Obama không bao gồm Việt Nam, mặc dù mối quan hệ an ninh và chính trị giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng được thắt chặt.
Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan chỉ vài ngày sau khi ông Obama kết thúc chuyến thăm châu Á cho thấy, Bắc Kinh đang kiểm tra quyết tâm của Việt Nam cũng như các nước láng giềng ASEAN và Mỹ, ông Ernest Bower và Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington nhận xét.
Ông Daniel R. Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương kêu gọi tất cả các bên liên quan trong tranh chấp lãnh thổ trong khu vực kiềm chế và lưu ý rằng, Mỹ không đứng về bất cứ tuyên bố chủ quyền nào của các bên trong khu vực Biển Đông.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cũng cho biết: “Quyết định vận hành giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp là một
hành động khiêu khích và không giúp ích cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”
Vô tình giúp các nước ASEAN gần nhau hơn
"Trung Quốc từng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông trong nhiều thập kỷ và quyết tâm thành lập quyền kiểm soát trên vùng biển này của Trung Quốc không thay đổi", các chuyên gia an ninh cho biết. Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc bắt đầu trở nên tích cực hơn chứng minh khả năng của mình bằng việc có những xung đột trực tiếp với các nước láng giềng.
“Xu hướng hiện tại cho thấy phong cách mới của chính phủ Trung Quốc: họ sẵn sàng dùng hành động để đạt được những yêu sách”, ông Len cho biết.
Trung Quốc đã có hàng loạt hành động khiêu khích với các nước ASEAN kể từ đầu năm 2014 bao gồm: Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam; Trung Quốc tuần tra tại Bãi ngầm James của Malaysia hồi đầu năm và nỗ lực ngăn cản Philippines cung cấp hậu cần cho các binh sĩ trên rạn san hô Cỏ Mây (Second Thomas Shoal – theo cách gọi quốc tế) vào tháng 3/2014.
Những hành động này sẽ khiến cho tranh chấp Biển Đông trở thành chủ đề chính trong chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ diễn ra tại Myanmar ngày 11/5 tới - ông Ernest Bower và ông Gregory Poling nhận định.
Một điều chắc chắn là hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc xung quanh giàn khoan HD-981 sẽ khiến các nước ASEAN nâng cao nhận thức về mối đe dọa từ Trung Quốc và đưa họ lại gần nhau cũng như hướng tới Nhật Bản và Mỹ.
Lê Trang