Trung Quốc “lật tẩy” Mỹ qua vụ bắt cóc UUV ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Phản ứng yếu ớt của Washington trong vụ Trung Quốc bắt cóc UUV Mỹ trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông phát đi tín hiệu “ớn lạnh”, đáng lo ngại.

Đây cũng được coi là một sự chế nhạo Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, người đã thách thức chính sách “một Trung Quốc” và từng thề sẽ đối đầu mạnh mẽ với Bắc Kinh trong vấn đề thương mại và các vấn đề khác.
Trung Quoc “lat tay” My qua vu bat coc UUV o Bien Dong
Hải quân Mỹ đang thu hồi một tàu ngầm không người lái (UUV). Ảnh US Navy 
Tiến sĩ Euan Graham, giám đốc An ninh quốc tế tại Viện Lowy, nói: "Sự quyết tâm (của Mỹ) chính là một mắt xích yếu. Trung Quốc đang thử thách và cài bẫy ông Trump. Mỹ có năng lực và cũng đã phát đi tín hiệu với việc đưa máy bay chiến đấu F-22 đến Australia. Nhưng phản ứng rất yếu ớt (của Washington trong vụ Trung Quốc ngang nhiên bắt cóc tàu ngầm không người lái (UVV) của Mỹ ở Biển Đông) có nghĩa là Mỹ thiếu quyết tâm”.
Tại Châu Á, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích cho biết họ đã bối rối trước sự bất lực của chính quyền Obama trong việc đưa ra một phản ứng mạnh để thách thức Trung Quốc. Thậm chí, Hải quân Mỹ đã không cử một tàu khu trục đến khu vực xảy ra vụ bắt cóc UUV gần Vịnh Subic, một căn cứ mà tàu chiến Mỹ thường xuyên qua lại.
Sau khi thảo luận tại Hội đồng An ninh Quốc gia về làm thế nào để đối phó với vấn đề này, chính quyền Obama đã gửi công hàm đến Trung Quốc đòi trả lại chiếc UUV nói trên. Ngày 17/12, phía Trung Quốc cho biết sẽ làm theo yêu cầu của Washington, nhưng lại không cho biết khi nào hoặc trao trả chiếc UVV bị bắt giữ như thế nào.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ trở nên mạnh bạo hơn, sau khi đã thực hiện một hành động tiến tới chiến tranh, nhưng lại không phải hứng chịu một hậu quả đáng kể nào.
Đáng chú ý là Trung Quốc đã bắt giữ chiếc UUV của Mỹ không chỉ ở vùng biển quốc tế mà còn nằm ở bên ngoài cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh sử dụng cho yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Theo giới phân tích, với hành động bắt giữ UUV của Mỹ nói trên, Bắc Kinh đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng toàn bộ Biển Đông nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, bất chấp việc Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự trong đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines là hoàn toàn hợp pháp.
Trong hàng chục năm qua, Trung Quốc đã liên tục phô trương sức mạnh quân sự ngày càng tăng đối với các nước ven Biển Đông, một vùng biển có hàng nghìn tỷ USD thương mại thế giới qua lại và giúp Trung Quốc tiếp cận chiến lược Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Khi xây dựng lực lượng hải quân và hạm đội tàu ngầm trong thập kỷ qua, người Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh những gì họ gọi là quyền thống trị "vốn có" tại các vùng biển trong khu vực và thách thức sự hiện diện của Mỹ cũng như của các đồng minh ở Châu Á.
Vụ Trung Quốc bắt cóc UUV Mỹ ở Biển Đông đã xảy ra trong ngày 15/12 và lần đầu tiên được phát sóng trên Kênh truyền hình CNN, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm âm thầm giải quyết sự cố này. Tuy có tính chất khác, và nhưng cũng đáng lo ngại như các cuộc đối đầu Trung-Mỹ trong quá khứ liên quan đến các tàu lớn hơn và động tác nguy hiểm hơn.
Năm 2001, ngay sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức, một chiếc máy bay do thám EP-3 của Mỹ đã buộc phải hạ cánh trên đảo Hải Nam sau khi va chạm với một máy bay chiến đấu Trung Quốc. Người Trung Quốc đã tháo rời từng mảnh chiếc máy bay do thám này và trả lại Mỹ dưới dạng chi tiết rời đóng gói trong nhiều chiếc thùng.
Trong năm 2009, hai tháng sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, các tàu Trung Quốc bao vây một tàu do thám Impeccable của Hải quân Mỹ, trong những gì mà Lầu Năm Góc gọi là cuộc diễn tập nguy hiểm và thiếu tính chuyên nghiệp.
Lần này, Trung Quốc đã chọn một phương pháp độc đáo hơn để thách thức Mỹ và thách thức một Tổng thống Mỹ mới đắc cử chứ không phải một tổng thống mới nhậm chức như trong quá khứ.
Lầu Năm Góc cho biết, chiếc UUV của Mỹ bị Trung Quốc bắt cóc ngày 15/12 chỉ có giá 150.000 USD và được triển khai để thu thập dữ liệu hải dương học quân sự. Theo các chuyên gia hải quân, dữ liệu mà chiếc UVV này thu thập sẽ được sử dụng để theo dõi hạm đội tàu ngầm ngày càng đông đảo của Trung Quốc.
Điều quan trọng hơn trong vụ bắt cóc UUV Mỹ là các nguyên tắc tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế của Mỹ đã bị thách thức nghiêm trọng và Bắc Kinh đang áp đặt quy tắc riêng của nước này ở Biển Đông, thậm chí ở những nơi cách xa bờ biển Trung Quốc hơn 800 hải lý. Ông Alexander Vuving, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương (có trụ sở tại Hawaii), nhận định: “Hành động này cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập các quy tắc ở Biển Đông, áp đặt quan điểm riêng của nước này và tuyên bố rằng Biển Đông là sân sau của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không bị trừng phạt trong vụ này (vụ bắt cóc UUV Mỹ trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông), thì điều này sẽ gửi một thông điệp ớn lạnh đến các nước trong khu vực”.
Tháng 5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoan dầu trị giá cả tỷ đô la trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lực địa của Việt Nam và sau đó tàu Hải cảnh Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công các tàu Cảnh sát biển Việt Nam.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã gọi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" không có chỗ cho thỏa hiệp, mặc dù các nước trong khu vực gọi đó là hành động bắt nạt của Trung Quốc.
Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc đang thách thức Nhật Bản về chuỗi đảo không có người ở mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Hồi tháng 6/2016, Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu chiến vào vùng biển xung quanh chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư và làm leo thang căng thẳng.
Nhật Bản đã cực lực phản đối việc Trung Quốc bồi đắp trái phép và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Nhưng qua phản ứng yếu ớt của chính quyền Obama trong vụ Trung Quốc ngang nhiên bắt cóc UUV Mỹ trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, ban lãnh đạo ở Tokyo cảm thấy không yên tâm về việc Washington thực thi như thế nào những cam kết trong Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật Bản.
Minh Châu (Theo The New York Times)