Giải mật việc Nga sử dụng robot chiến đấu ở Syria

Google News

(Kiến Thức) - Để nâng cao hiệu quả tác chiến, Nga đã đưa nhiều loại robot quân sự vào chiến trường Syria, trong đó chủ yếu là robot chiến đấu và robot bảo đảm.

Năm 2013, Bộ quốc phòng Nga thành lập Trung tâm khoa học nghiên cứu thử nghiệm kỹ thuật robot. Trung tâm này có nhiệm vụ chỉ đạo và quy hoạch các vấn đề về nghiên cứu phát triển, sản xuất robot quân sự. Hiện nay, loại robot mà Quân đội Nga đưa vào thực tế chiến đấu phân thành 3 loại: robot chiến đấu, robot bảo đảm, hệ thống chỉ huy điều khiển robot. Tại chiến trường Syria, Nga đang vận hành và thử nghiệm tác chiến đối với 2 loại robot, bao gồm: Các tổ hợp robot chiến đấu kiểu bánh xích và bánh lốp; các tổ hợp robot bảo đảm chiến đấu.
Nhiệm vụ chủ yếu
Nhiệm vụ chủ yếu của các robot quân sự được Nga sử dụng tại Syria đó là thu thập thông tin tình báo; tuần tra trinh sát; phát hiện và tiêu diệt mục tiêu ẩn nấp. Bên cạnh đó, đối với một số loại robot chuyên dụng có khả tác chiến ở địa hình rừng núi thì còn có nhiệm vụ chi viện hỏa lực cho lực lượng hải quân đánh bộ.
Giai mat viec Nga su dung robot chien dau o Syria
Thông số kỹ thuật của robot Platform - M. Ảnh: Southfront
Thành phần lực lượng
- Robot chiến đấu: Loại robot chiến đấu được Nga đưa vào thực tế chiến đấu tại chiến trường Syria chủ yếu có 2 loại, robot kiểu bánh xích “Platform - M” và robot bánh lốp “Argo”. 
+ Robot chiến đấu bánh xích “Platform - M” có trọng lượng chiến đấu 0,8 tấn; dài 1,6m; cao 1,2m; sử dụng cơ cấu vận hành theo kiểu bánh xích, có 6 bánh chịu tải đường kính nhỏ, dây xích bằng cao su, hệ thống treo độc lập, có thể di chuyển trên các địa hình phức tạp như địa hình sa mạc, trên tuyết, thảo nguyên, trên bùn lầy và trên nền sỏi đá vỡ…. “Platform - M” có khả năng leo bò dốc nghiêng 250, vượt qua chướng ngại vật cao 0,21m. Do “Platform - M” được lắp tổ hợp pin Lithium dung lượng lớn nên có thể hoạt động liên tục trong 4 giờ.
Hệ thống vũ khí gồm: 1 khẩu súng máy 7,62mm; 4 ống phóng tên lửa chống tăng RPG-26 có tầm bắn hiệu quả 250m, năng lực phá giáp theo hướng vuông góc có độ dày 500mm; sườn trái được lắp thêm 1 súng máy có một thiết bị ngắm quang điện.
Giai mat viec Nga su dung robot chien dau o Syria-Hinh-2
Robot Platform - M. Ảnh:  Armyrecognition
+ Robot chiến đấu bánh lốp “Argo”.  Loại robot này sử dụng khung gầm xe địa hình cấu hình 8x8, phía chính diện lắp giáp phòng vệ, toàn bộ trọng lượng chiến đấu nặng 1 tấn; dài 3,35m; rộng 1,85m; cao 1,65m; sử dụng động cơ diesel, một lần tiếp dầu có thể làm việc liên tục 20 tiếng; tốc độ di chuyển lớn nhất trên mặt đất 20km/h; tốc độ di chuyển lớn nhất trên mặt nước là 4,6km/h.
Hệ thống vũ khí bao gồm: 1 súng máy 7,62mm, 3 ống phóng tên lửa chống tăng RPG-26 và 2 thiết bị phóng lựu RShG-2. 
- Robot bảo đảm chiến đấu. Hiện nay, Nga đang triển khai một số robot bảo đảm chiến đấu có tên là “Uran-6” tại chiến trường Syria. Nhiệm vụ chủ yếu của loại robot này là tác chiến trong môi trường hạt nhân, sinh, hóa học có độ nguy hiểm cao; thực hiện các nhiệm vụ “liều chết” như rà phá mìn, phá chướng ngại vật; làm sạch những bãi vật nổ; xây dựng đường giao thông; phòng cháy chữa cháy trong bãi mìn.
Giai mat viec Nga su dung robot chien dau o Syria-Hinh-3
Robot chiến đấu “Argo”. Ảnh: Todaynews24h
Robot công binh “Uran-6” có chiều dài 3m; rộng 1,53m; cao 1,47m; nặng 5,31 tấn. Nếu như được trang bị thêm các dụng cụ rà phá mìn hoặc dụng cụ phòng cháy chữa cháy, trọng lượng toàn bộ có thể lên tới 6,8 tấn. “Uran-6” trang bị 4 camera, có thể quét góc 3600, phía ngoài thân xe trang bị giáp phòng vệ có độ dày từ 8 đến 10mm, có thể chống lại mảnh văng của mìn sát thương, sóng xung kích của bom và chống lại vũ khí hạng nhẹ 7,62mm tấn công cự ly gần. “Uran-6” sử dụng khung gầm là dạng bánh xích, mỗi bên có 4 đôi bánh chịu tải đường kính nhỏ, bánh xích bằng thép được xử lý để tăng độ dày, có thể chống được sức nổ gần lớn nhất của 4kg thuốc nổ TNT. “Uran-6” có tính năng cơ động tốt, có thể vượt chướng ngại vật cao 0,8m, vượt qua hào rộng 1,2m và lội nước sâu 0,45m. 
- Hệ thống chỉ huy, kiểm soát các robot. Trung tâm chỉ huy điều khiển robot chiến đấu tại Syria của Nga là hệ thống chỉ huy tự động hóa “Andromeda-D”. Hệ thống này có thể được lắp đặt trên xe Kamaz hai cầu, xe thiết giáp trinh sát BTR-D, xe chiến đấu bộ binh BMD-2/4 với cự ly điều khiển đạt tới 50km.
Giai mat viec Nga su dung robot chien dau o Syria-Hinh-4
Robot Uran-6. Ảnh: Armyrecognition
Phương thức tác chiến
Tại chiến trường Syria, mỗi chiến dịch Nga sử dụng từ 8 - 10 robot quân sự, 2 - 3 máy bay chiến đấu không người lái các loại để nâng cao năng lực và hiệu quả tác chiến. 
Khi một chiến dịch được bắt đầu, những thông tin tình hình chiến trường được các robot tự động cập nhật dữ liệu và truyền về hai trung tâm chỉ huy tác chiến. Mỗi robot phụ trách một khu vực tác chiến, các khu vực này được tích hợp lại để tạo thành một bản đồ về toàn bộ tình hình chiến trường, phản ánh tình hình thay đổi theo thời gian thực của chiến trường. Căn cứ vào đó, người chỉ huy đánh giá toàn bộ cục diện chiến trường qua đó kịp thời chỉ huy chiến đấu.
Dưới sự “điều khiển từ xa” của nhân viên điều khiển tại trung tâm chỉ huy dã chiến, robot chiến đấu tập trung thành nhóm tiến hành xung phong, khi xung phong đến cách trước trận địa của đối phương từ 100 - 120m, các robot sẽ tiến hành trinh sát hỏa lực, sau đó sử dụng súng máy 7,62mm điểm xạ mục tiêu ngụy trang, sử dụng súng phóng lựu bắn mục tiêu khả nghi phía sau các công sự.
Trong Trung tâm chỉ huy điều hành, theo dữ liệu của các robot chiến đấu gửi về, người chỉ huy nhanh chóng khóa chặt vị trí điểm hỏa lực của địch, đồng thời gửi tọa độ đến các bộ phận hỏa lực tấn công, qua đó tạo điều kiện cho lực lượng đột kích ngắm bắn chính xác, tiêu diệt các mục tiêu của đối phương.
Lam Ngọc