Trận đấu tăng dài 10 phút nằm trong sách giáo khoa quân sự Mỹ

Google News

Trước khi trận chiến này nổ ra, những chiếc T-34 của Triều Tiên vẫn là vũ khí bất khả chiến bại trên chiến trường khiến quân Mỹ phải bất lực.

Vào lúc 22:00 giờ ngày 17/8/1950, một tiểu đội 4 chiếc M-26 Pershing đã phục kích 4 chiếc T-34-85 của Triều Tiên tại Dãy Obong-Ni, hay còn được những người lính thủy đánh bộ gọi là "Dãy Vô Danh" (No Name Ridge).

Tiểu đội 4 chiếc M26 Pershing của trung úy Granville Sweet thuộc Đại đội A, Tiểu đoàn xe tăng số 1 thủy quân lục chiến, đang tiếp nhiên liệu thì nhận được một tín hiệu đến từ radio: "Flash Purple" - mật mã của lính thủy đánh bộ về việc có một đợt tiến công bằng xe tăng của kẻ địch. Sweet nhanh chóng ra lệnh cho tiểu đội của mình tiến lên và triển khai đội hình trên một hẻm núi hẹp, để khi mà những chiếc xe tăng của ông có bị bắn hạ thì cũng sẽ chặn đường và ngăn chặn đội T-34-85 xuyên qua tuyến phòng thủ của quân Mỹ.

Những chiếc T-34-85 đã thống trị chiến trường Triều Tiên kể từ khi Triều Tiên tiến công vào khoảng 1 tháng trước và chưa bao giờ phải chịu một thất bại đáng kể trên chiến trường, thế nên về phía thủy quân lục chiến Mỹ không thể chắc chắn rằng liệu khẩu pháo 90mm của mình có thể xuyên được lớp giáp của đội thiết giáp Triều Tiên. Tiểu đội 4 chiếc T-34-85 của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 109, hành tiến trên một con đường hẹp giữa vị trí của Trung đoàn bộ binh số 9 của Mỹ ở phía bắc và Trung đoàn thủy quân lục chiến số 5 ở phía nam, đe dọa vào hậu phương của quân Mỹ. Một vài khẩu Bazooka và súng không giật đã bắn cháy thùng xăng phụ của nhóm T-34-85 nhưng vẫn không thể ngăn cản được tiểu đội này tiếp tục tiến công.

Tran dau tang dai 10 phut nam trong sach giao khoa quan su My
Kíp lái xe tăng Triều Tiên 
Khi chiếc T-34-85 đầu tiên xuất hiện tại ngã rẽ, nó đã phải đối đầu với đội hình Phalanx thép đang chặn đường đi được tạo nên từ ba chiếc xe tăng M-26. Ba chiếc Pershing ấy, từ trái qua phải, bao gồm A-34 của Trung sĩ Cecil Fullerton chỉ huy, A-33 của Trung sĩ Gerald Swinicke và A-32 của Trung sĩ Basilo Chavarria. Chiếc A-31 của Sweet nằm ở ngay phía sau đồng đội, bởi hệ thống nâng hạ nòng của chiếc A-31 gặp vấn đề nên kíp lái của Sweet không trực tiếp tham gia chiến đấu.

Khi chiếc A-34 của Fullerton phát hiện chiếc T-34 của Triều Tiên ở khúc rẽ, anh quyết định khai hỏa bằng đạn HVAP. Sau ba viên đầu tiên, Fullerton phàn nàn với pháo thủ là Trung sĩ Stanley Tarnowski. "Chú bắn trượt rồi đấy, Ski!". "Tôi có bắn trượt đâu, Trung sĩ Fullerton". Tarnowski đáp lại.

Trong đơn vị, Tarnowski thường được biết đến với tài xạ thủ của anh, nên việc bắn trượt khó có thể xảy ra khi mục tiêu ở ngay trước mắt như thế.

Sự thật là, bởi khả năng xuyên của viên HVAP quá cao so với lớp giáp trước của chiếc T-34-85, đặc biệt ở tầm gần, nên viên đạn đã bay một mạch xuyên qua cả chiếc xe tăng. Viên đầu tiên bắn vào gần khẩu súng máy thân, tiêu diệt pháo thủ và hạ gục hoặc làm bị thương nạp đạn viên, trước khi xuyên qua lớp giáp ở phía sau xe. Lính thủy quân lục chiến ở ngọn đồi kế bên đã lầm tưởng rằng họ đang bị quân Triều Tiên tấn công khi ba viên HVAP va chạm vào gần vị trí của họ.

Kỳ lạ hơn nữa, những chiếc xe tăng của lính thủy quân lục chiến bên đấy bỗng nhiên bùng cháy, dẫu cho quân Triều Tiên chưa hề làm gì chúng. Số là trong lúc những chiếc Pershing bên ấy đang vội vàng tiếp liệu, một lượng xăng dầu không hề nhỏ đã tràn ra phía trên xe tăng. Khi viên HVAP đầu tiên bay qua, khí gas phía trên những chiếc xe tăng này bị đốt nóng và bùng cháy, rồi chúng được viên HVAP thứ hai dập tắt, để rồi lại một lần nữa bị viên thứ ba kích lửa.

Chiếc T-34-85 thứ hai tiếp tục tiến lên và ngay khi vừa đi ngang qua chiếc đầu tiên thì ngay lập tức ăn phải một tràng đạn từ phía Mỹ. Một viên bắn trúng vào nòng pháo của chiếc T-34, khiến cho pháo của chiếc xe quay mạnh về bên trái trước khi nó khai hỏa vào bờ đất bên cạnh. Chiếc T-34-85 thứ ba cố gắng bắn trả trong lúc đứng sau xác hai chiếc đầu tiên, nhưng cũng nhanh chóng bị trúng bảy viên APC lẫn HVAP. Ba người trong kíp lái của xe nhảy thoát ra ngoài, nhưng cũng bị tiêu diệt bởi súng máy ngay sau đó. Phía Mỹ tiếp tục khai hỏa vào những chiếc T-34-85 để khiến nó bốc cháy, cho đến khi được Trung úy Sweet ra lệnh ngưng lại.

Tran dau tang dai 10 phut nam trong sach giao khoa quan su My-Hinh-2
 Hai trong ba chiếc T-34-85 của Triều Tiên bị bắn hạ tại Dãy Obong-Ni, nhưng đã được kéo ra khỏi mặt đường sau trận chiến. Có thể thấy rõ rằng chiếc T-34 ở bên trái đã bị nổ thùng đạn, dẫn đến bay luôn cả nóc xe.

Tran dau tang dai 10 phut nam trong sach giao khoa quan su My-Hinh-3

Xe tăng M-26 Pershing của Mỹ

Trận đánh chỉ diễn ra dưới 10 phút. Vài nhân chứng cho rằng những chiếc T-34-85 của Triều Tiên đã bắn trả liên tục vào đội hình những chiếc Pershing, nhưng báo cáo sau trận chiến của Lữ đoàn đã xác nhận rằng phía Triều Tiên chỉ kịp khai hỏa 2 phát đạn về phía xe tăng của Mỹ. Chiếc T-34-85 thứ 4, chỉ huy của Tiểu Đoàn 2, đã kịp rút lui khỏi trận đánh, nhưng cuối cùng vẫn bị bắn hạ bởi đội Bazooka từ phía trận địa bên cạnh là Đại đội F, Tiểu đoàn bộ binh số 9.

Phía Mỹ sau đó phỏng đoán rằng, xe tăng Triều Tiên tiếp tục tiến lên bởi họ nghĩ rằng chỉ đang phải đối đầu với những chiếc xe tăng M-24 yếu ớt mà họ đã gặp trong vài tuần trước đó. Chiếc T-34-85 dẫn đầu khi bị viên HVAP đầu tiên bắn trúng đã không bốc cháy, khiến cho những chiếc theo sau không nhận ra được mối nguy hiểm đang chờ đợi ngay trước mắt. Thế nên, cho rằng mình chỉ đang đối đầu với mấy khẩu pháo 75mm, phía Triều Tiên tiếp tục tiến lên, để rồi bị tiêu diệt bởi 3 khẩu pháo 90mm của Pershing.

Lê Quang