“Kịch bản” tàn độc của những kẻ sát nhân máu lạnh

Google News

Để lấy được toàn bộ số vàng thỏa thuận với bà Võ Thị T., 2 kẻ sát nhân đã tính toán, lên một kịch bản chi tiết và hết sức tàn độc.

5 mẹ con bà T. đều đã bị giết chết và điều đau xót hơn là cho đến lúc chết, bà T. vẫn chưa biết được số phận của 4 đứa con nhỏ của mình.
Sa lưới
Từ lời khai của Phạm Danh và những thông tin thu thập được, các trinh sát đã có đủ cơ sở khẳng định Tu Hồng Sơn (còn gọi là Tu Một) và Nguyễn Ngọc Phương là hung thủ giết chết 3 mẹ con bà Võ Thị T. tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Nghĩa Bình. Thêm một câu hỏi đặt ra cho các trinh sát, đó là liệu 2 đứa con trai của bà T. có được đưa đi vượt biên trót lọt hay cũng phải chịu chung số phận như mẹ và các chị em? Câu hỏi này cần phải được nhanh chóng giải đáp và điều này đồng nghĩa với việc phải nhanh chóng truy bắt được 2 kẻ sát nhân Sơn và Phương. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hà Ngọc Khang, nguyên Phó Giám đốc kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát, Công an tỉnh Phú Khánh, hàng chục trinh sát, điều tra viên của các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương đã được huy động tỏa đi khắp các địa bàn, đồng thời lập các tổ chốt chặn, ngày đêm bám trên các tuyến giao thông, bến xe, nhà ga.
“Kich ban” tan doc cua nhung ke sat nhan mau lanh
Tu Hồng Sơn (bên trái), Nguyễn Ngọc Phương chỉ nơi chôn giấu xác của hai cháu Duy N. và Vinh S. 
Buổi chiều muộn ngày 12/6/1985, tại Ga Nha Trang, các trinh sát phát hiện một thanh niên dáng dong dỏng với những biểu hiện hoảng hốt, bất an đang tiến nhanh về phía đoàn tàu Bắc - Nam. Sau ít giây hội ý, xác định gã thanh niên đó chính là Tu Hồng Sơn, các trinh sát lập tức triển khai phương án truy bắt. Thấy có mấy người mặc thường phục chạy về phía mình, gã thanh niên bỏ chạy, xong mọi phía đều đã bị các trinh sát và công an trạm ga phong tỏa nên gã thanh niên đành thúc thủ. Từ lời khai của Tu Hồng Sơn, ngay trong đêm, các trinh sát cũng đã bắt được Nguyễn Ngọc Phương khi y đang lẩn trốn tại nhà một người quen ở huyện Khánh Vĩnh. Trong buổi lấy cung đầu tiên, một trong những câu hỏi đầu tiên của các điều tra viên đó là số phận của 2 cháu nhỏ Đào Duy N. và Đào Đức Vinh S. Tuy đã có linh tính những chuyện chẳng lành nhưng khi nghe chính những kẻ sát nhân khai rằng cả hai cháu đều đã bị giết, các điều tra viên ai cũng cảm thấy xót xa và cố kìm nén sự căm phẫn.
“Kịch bản” tàn độc của 2 tên sát nhân
Lời khai của Sơn và Phương trước cơ quan điều tra đã tái hiện hành vi tàn nhẫn của chúng. Trước đó, khoảng đầu tháng 4/1985, trong lúc túng quẫn, Phương bàn với Tu Một làm một quả lớn để lấy tiền tiêu xài. Phương cho Tu Một biết y có một đứa bạn hàng xóm tên Danh (Phạm Danh) đang cần tìm mối đưa giúp gia đình người quen của Danh đi vượt biên trái phép với tiền công lớn. Nếu trót lọt vụ này thì cả hai sẽ đổi đời. Phương phân công Tu Một với vai trò là một chủ ghe lớn thường xuyên đi biển, còn mình sẽ là người đứng ra tính toán, dàn xếp mọi chuyện. Sau khi thống nhất, cả hai đã đi gặp Danh và chiều tối 14/4/1985, cả 3 đến nhà bà T. Tại đây, Phương đứng ra làm giá cho chuyến đi của 5 mẹ con bà T. là 2,5 cây vàng y, trong đó phần của chủ ghe 2 cây, Phương và Danh 5 chỉ và bà T. đồng ý. Theo đó, bà T. sẽ để tiền công ở nhà một người quen, khi lên ghe rồi bà sẽ đưa lại chứng minh nhân dân của mình để làm tin về nhận tiền công. Một kế hoạch chi tiết đã hình thành trong đầu 2 kẻ sát nhân. Phương thông báo: Sáng sớm 15/5, Danh sẽ đưa 5 mẹ con bà T. ra bến xe Ninh Hòa, Phương và Tu Một cũng sẽ có mặt ở đó lúc 5 giờ”.
Đúng giờ hẹn, khi Tu Một và Phương có mặt ở bến xe Ninh Hòa cũng là lúc Danh đưa 5 mẹ con bà T. tới nơi rồi quay về. Hơn 6 giờ sáng, Phương và Tu Một cùng mẹ con bà T. bắt chuyến xe từ TP. Buôn Ma Thuột xuống để đi vào TP. Hồ Chí Minh. 19 giờ 30, xe chạy đến Phan Thiết, cả nhóm xuống xe. Phương vào nhà trọ số 3 ngay tại bến xe Phan Thiết thuê phòng cho mẹ con bà T. nghỉ ngơi. Sau đó, cả hai thuê một chiếc xe ngựa hướng về khu Mũi Né, tìm được một địa điểm ưng ý, đó là một khu bãi vắng vẻ với rất nhiều hố đào bắt kỳ nhông. Đầu giờ chiều hôm sau, bọn chúng thông báo với bà T. đã có được điểm xuất phát, tuy nhiên để tránh bị lộ nên chỉ đưa được 2 đứa nhỏ đi trước, còn 3 mẹ con sẽ tìm một địa điểm khác và thời gian sẽ thông báo sau. Sau ít phút lưỡng lự, bà T. đã đồng ý để Phương và Tu Một đưa 2 đứa con trai của mình là Đào Duy N. và Đào Đức Vinh S. đi. Gần 6 giờ chiều, Phương và Tu Một đã đưa 2 cháu nhỏ tới địa điểm đã chọn ở Mũi Né. Như đã tính toán từ trước, Tu Một đi sau cháu Duy N., Phương đi sau cháu Vinh S., sau ám hiệu, cả hai tên lạnh lùng bóp cổ hai cháu bé. Xong xuôi, chúng đưa xác hai cháu xuống những hố kỳ nhông rồi lấp cát lại. Trở lại phòng trọ, Phương thông báo 2 cháu đã lên ghe đi rồi và yêu cầu được ứng trước một ít tiền. Sáng sớm hôm sau, 3 mẹ con bà T. cùng Phương và Sơn quay trở lại Nha Trang. Sau khi được bà T. ứng trước 5 chỉ vàng, Phương hẹn một ngày thuận lợi gần nhất sẽ tiếp tục đưa 3 mẹ con bà T. đi.
Về phần bà T., sau khi từ Phan Thiết trở về đã chuyển đến nhà chị chồng là bà Đào Thị H. sinh sống. Khoảng hơn nửa tháng sau, Phương tìm gặp Tu Một bàn bạc sẽ sát hại 3 mẹ con bà T. để tránh có ngày sẽ bị lộ và chúng quyết định điểm đến tiếp theo sẽ là quê của Tu Một, huyện Bình Sơn, tỉnh Nghĩa Bình. Sáng 14/5, cả hai đạp xe lên nhà bà H. thông báo cho bà T. chuẩn bị tư trang, tiền bạc để sáng mai xuất phát sớm. Gần 5 giờ sáng hôm sau, cũng tại bến xe Ninh Hòa, Phương, Tu Một và 3 mẹ con bà T. bắt xe đò ngược ra Nghĩa Bình. Chiều cùng ngày, xe đến huyện Sơn Tịnh, cả nhóm xuống xe và ăn uống. Gần tối, Tu Một đưa cả 5 người vào ở nhờ nhà người quen ở xã Tịnh Thắng. Buổi tối, sau khi mẹ con bà T. say giấc, Phương và Tu Một bắt xe đi Bình Sơn. Tại đây, bọn chúng thuê một chiếc xe Honda 67 rồi chạy về hướng xã Bình Phước, thống nhất chọn con lạch chảy ra sông Trà Bồng là nơi thực hiện âm mưu đen tối.
Đúng 3 giờ chiều 16/5, cả nhóm bắt xe lam đi Bình Sơn. Sau bữa cơm chiều tại thị trấn Châu Ổ, Phương, Tu Một cùng mẹ con bà T. đi bộ hướng về Bình Phước. Trên đường không một bóng người. Dừng lại ở bờ sông, Phương đề nghị bà T. cho cháu Chi L. đi trước. Đến mé sông, Phương nói cháu L. leo lên lưng để y cõng lội qua sông, Tu Một bì bõm ở phía sau. Ra đến giữa dòng, khi đã cách chỗ mẹ con bà T. cả 100m, Tu Một bóp cổ cháu L, còn Phương kẹp chặt hai chân cháu nhận xuống nước. Sau ít phút thấy cháu L. không còn cựa quậy, chúng đẩy cháu ra giữa dòng. Sau đó, chúng tiếp tục quay vào bờ đưa lần lượt cháu Hồng T. và bà T. ra, rồi cũng với “kịch bản” cũ kết liễu cuộc đời họ. Trước khi trở lại bờ, Phương tháo chiếc nhẫn vàng trên tay bà T., sau đó y lục tìm trong túi xách lấy 1.000 đồng và chứng minh nhân dân của bà.
Sáng sớm hôm sau, cả hai tên bắt xe quay trở lại Nha Trang và đến nhà bà Đào Thị H. Với chứng minh nhân dân của bà T., cũng như giở lá thư mà bà T. gửi lại dặn dò, bà H. đưa cho 2 tên sát nhân 2 cây vàng y theo đúng như thỏa thuận. Có được vàng, cả hai nhanh chóng ra về, chia nhau mỗi tên được 1 cây vàng, cùng góp tiền làm một bữa nhậu, sau đó chia tay nhau. Đến đầu tháng 6, nghe tin Phạm Danh bị công an bắt giữ, Phương và Tu Một tìm nhau bàn cách bỏ trốn. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm cao nhất của các chiến sĩ lực lượng Công an Phú Khánh lúc bấy giờ, con đường trốn chạy khỏi tội ác của 2 tên sát nhân đã bị chặn đứng.
Ngày 11/9/1985, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Khánh mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm Tu Hồng Sơn và đồng bọn về các tội giết người, cướp của, tổ chức vượt biên trái phép. Với những hành vi tàn ác của mình, Sơn và Phương đã phải nhận bản án tử hình; Phạm Danh bị phạt 6 năm tù giam. Ngày 30/11/1985, tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng cũng đã tuyên y án như bản án sơ thẩm.
Theo Báo Khánh Hòa