Niềm vui của những người bỏ giao thừa, đón công việc

Google News

(Kiến Thức) - Những người trực tết, ở mỗi công việc, mỗi ngành nghề họ đều tìm những niềm vui thay nỗi buồn xa nhà trong thời khắc giao thừa thiêng liêng...

Thời khắc giao thừa thiêng liêng và những ngày đầu năm mới, dù ai đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì cũng đều muốn được sum họp bên gia đình. Thế nhưng, ở nhiều ngành nghề lĩnh vực như y tế, công an, báo chí, khách sạn...trong thời khắc thiêng liêng ấy, những bác sĩ, chiến sĩ công an, nhà báo... phải xa gia đình để trực tết, góp phần mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội trong thời khắc xuân sang.
 Thời khắc đón xuân sang nhiều người vẫn phải trực tết xa gia đình.
Đêm giao thừa, nấu mì tôm... trực tết
Trong những ngày giáp tết, thời điểm giao thừa, đầu năm mới, không như nhiều ngành nghề khác, các bệnh viện lại đón tiếp nhiều bệnh nhân hơn đặc biệt là những bệnh viện tuyến cuối, bệnh viên nhi và những cơ sở cấp cứu...nên công việc của các bác sĩ, y tá dường như tất bật hơn ngày thường.
Theo chia sẻ của các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, những ngày tết, các bác sĩ vất cả hơn ngày thương do số ca cấp cứu ngày càng có xu hướng tăng. Những bác sĩ trực tết căng mình cứu chữa bệnh nhân bởi nhiều bác sĩ nhân viên khác đã nghỉ tết.
“Những lúc như thế, những bác sĩ trực, điều dưỡng luôn phải chịu những áp lực rất lớn. Khi được nghỉ ngơi cũng là lúc đã sang năm mới”, một bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức chia sẻ.
Nói về việc trực tết, thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Minh, trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Hải Dương chia sẻ: “Do tính chất công việc nên nhiều năm tôi và các bác sĩ tại bệnh viện phải trực tết. Mỗi năm bệnh viện đều duy trì ba cấp trực là trực lãnh đạo, trực bác sĩ và trực bảo vệ. Một kíp trực một buổi thường có 2 bác sĩ và 8 điều dưỡng. Cảm giác ngày tết phải ở bệnh viện, dĩ nhiên là ai cũng nhớ gia đình, ai cũng muốn được sum vầy đầm ấm cùng người thân dịp tết đến xuân về. Tuy nhiên, trực tết lại có niềm vui khác là được trải qua những giờ phút thiêng liêng cùng đồng nghiệp và các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân”.
 Bác sĩ viện Nhi Hải Dương chăm sóc các bé.
“Trẻ em ở lại viện thường là những bệnh nhân nặng. Trong thời khắc thiêng liêng giao thừa, các bác sĩ chúng tôi và người nhà bệnh nhân có dịp giao lưu chúc tết. Vui nhất là được tặng quà các bé để mong muốn tạo điều kiện cho các em có không khí tết như ở gia đình.Bên cạnh đó, các bác sĩ, điều dưỡng các khoa quây quần bên nhau dù ít phút giống như một gia đình để cùng chúc năm mới. Thời khắc giao thừa, người nhà bệnh nhân và bác sĩ qua lại chúc tết giống như hàng xóm tới thăm nhau”, bác sĩ Minh tâm sự.
Nói về việc thu xếp công việc gia đình để tận tình làm việc chốn công sở, bác sĩ Minh cho biết, mình may mắn khi chồng cũng là bác sĩ nên vợ chồng chia sẻ cho nhau về công việc. Trước khi đi làm, bản thân bác sĩ Minh với vai trò là phụ nữ trong nhà cũng đã chuẩn bị hết mọi việc để mọi người thân cùng đón tết trong sum vầy đầm ấm.
Bác sĩ Vũ Thị Hà, Bệnh viện Nhi Hải Dương lại có những cảm xúc khác. “Trực tết khổ nhất là đêm 30 tết, khi đó hàng quán không còn bán, những khi đói bụng pha nhanh gói mì tôm vì bệnh viện cấm nấu ăn. Tết ai cũng muốn sum họp cùng gia đình nhưng vì công việc nên không được ở nhà. Ở bệnh viện trong những đêm 30 tết có những niềm vui an ủi đó chính là được đi chúc tết các bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân và bác sĩ dường như không còn khoảng cách. Quan trọng nhất của người bác sĩ là nhìn thấy các cháu vui khỏe trở lại thì không còn niềm vui nào bằng”.
Các bác sĩ tại bệnh viện Phụ sản Hải Dương lại có những kỷ niệm khác trong những ngày trực tết: “Bình thường ai cũng kiêng gặp bà đẻ ngày đầu năm họ còn kiêng hơn nhưng với các bác sĩ sản khoa thì điều đó không quan trọng. Hạnh phúc lớn nhất là đón những đứa trẻ ra đời trong thời khắc linh thiêng. Khi nghe thấy tiếng các bé khóc chào đời mẹ tròn con vuông thì niềm vui của người bác sĩ đã xua đi hết tất cả nỗi buồn không được đón tết cùng người thân”, một bác sĩ chia sẻ.
Quên thắp hương giao thừa vì mải đi trực tết
Cùng trong cảnh trực tết, khác với các lĩnh vực khác, những nhà báo, phóng viên phải lang thang trên các con đường trong thời điểm giao thừa để đưa tin về không khí tết, tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự, giá cả thị trường, các lễ hội xuân…
Nhà báo Minh Lý, Báo Gia đình & Xã hội nêu cảm xúc: “Mỗi thời điểm giao thừa, dịp Tết, theo lịch phân công của tòa soạn, các phóng viên thường trú được giao nhiệm vụ theo dõi các diễn biến, sự kiện xảy ra tại địa phương. Với tôi, được truyền tải thông tin trong dịp Tết đến với bạn đọc trên cả nước, để mọi người vui xuân trọn vẹn luôn là thứ tiên quyết nhất và đó là niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề. Trong dịp tết, vì TP Hải Phòng là thành phố năng động nên việc phóng viên theo dõi tình hình ANTT tại địa phương cũng như hoạt động xã hội khác đòi hỏi phóng viên tập trung hơn. Khi đưa tin về không khí tết xong lại đưa tin về tai nạn giao thông, thậm chí là các vụ ẩu đả, khi làm xong việc thì cũng là lúc sang năm mới. Với báo của ngành y tế, hai năm nay, vào mồng 1 Tết, tôi đi cùng lãnh đạo Sở đi chúc Tết, thăm hỏi các bệnh nhân, ekip trực tại bệnh viện và có nhiều cảm xúc đón năm mới đặc biệt hơn”.
 Nhà báo Minh Lý, báo GĐ&XH trong một chuyến tác nghiệp.
Còn nhà báo Thu Hằng, báo điện tử Dân Trí lại có những cảm xúc đặc biệt khi trực tết. “Đêm 30 tết nhận nhiệm vụ đi ghi nhận không khí đón giao thừa. Do là phụ nữ nên phải làm cỗ cúng đêm giao thừa lên tổ tiên. Vội vàng nấu từ 11 h đêm xong vội vàng bê lên bàn thờ rồi xách máy ảnh ra đường. Nhưng lo sợ không kịp ghi nhận thời khắc của năm mới nên bê mâm lên bàn thờ mà quên thắp hương. Khi làm xong việc trở về nhà, xử lý xong tin ảnh gửi tòa soạn thì mới nhớ ra. Sáng hôm sau phải dấu tiệt ko dám nói với chồng. May mắn là năm đó gia đình không có gì xui xẻo xảy ra. Nghề báo với đàn ông đã vất vả nhưng với phận gái làm nghề báo càng vất vả hơn,chỉ có yêu nghề thì tất cả mệt nhọc nỗi buồn sẽ trôi qua. Năm mới cũng chỉ mong mọi người mọi nhà bình an, hạnh phúc, xã hội phát triển phồn thịnh, văn minh”.
Trong xã hội có nhiều ngành nghề mà không thể không trực tết như những nữ lao công đêm đông rét mướt vẫn phải lang thang trên đường để dọn dẹp vệ sinh, bất kể lúc đó là thời khắc giao thừa hay sáng mùng 1. Những người thợ điện vẫn âm thầm cống hiến để người dân đón giao thừa trọn vẹn. Những chiến sĩ công an vẫn túc trực ngày đêm để bảo vệ bình yên cho nhân dân vui xuân đón tết. Tất cả những cống hiến âm thầm ấy, họ mong muốn một mùa xuân mới đến với tất cả mọi người trong niềm vui trọn vẹn nhất.
Hải Ninh