Học giả Mỹ nói gì về kết quả Thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Google News

(Kiến Thức) - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã kết thúc tại Singapore với việc hai bên ký tuyên bố chung. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích, học giả Mỹ vẫn hoài nghi về kết quả đạt được của cuộc gặp lịch sử được cả thế giới mong đợi này.

CNN đã phỏng vấn nhiều chuyên gia, bình luận viên về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 vừa qua, trong đó có S.Nathan Park, một luật sư tại thủ đô Washington (Mỹ) và cũng là người từng viết bài bình luận về tình hình bán đảo Triều Tiên trên báo Wall Street Journal, Washington Post, Financial Times và Foreign Policy,...
Chỉ vài tháng trước, Mỹ và Triều Tiên còn trong trạng thái căng thẳng, có nguy cơ tiến tới một cuộc chiến tranh hạt nhân nhưng hiện giờ, tình hình hoàn toàn đảo ngược với thỏa thuận chung mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được tại Singapore.
Tuy nhiên, theo Park, việc Mỹ-Hàn ngừng tập trận là một sự nhượng bộ đáng kể (của Washington) chỉ để đổi lại việc Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” chứ không phải là “hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược” như Washington vẫn yêu cầu trước đó.
Tổng thống Trump (phải) và ông Kim Jong-un ký thỏa thuận chung ngày 12/6. Ảnh: BBC. 
Và cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên cũng mới chỉ là trên lý thuyết còn việc Bình Nhưỡng hiện thực hóa nó như thế nào lại là một vấn đề. Park cho rằng, lý tưởng nhất, bước tiếp theo sẽ là kết hợp thực hiện Thỏa thuận chung Singapore với Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm  bằng cách khởi động cuộc đàm phán ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên để tạo ra hệ thống bền vững về giải trừ hạt nhân cũng như trao đổi kinh tể.
Còn theo Aaron David Miller, một học giả nổi tiếng tại Viện nghiên cứu Woodrow Wilson, thượng đỉnh Mỹ-Triều không mang bản chất đàm phán mà đã bị cá nhân hóa, bị chi phối bởi hai nhà lãnh đạo cũng như chương trình nghị sự riêng của họ.
“Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn được công nhận trên sân khấu thế giới trong khi Tổng thống Trump, đã chấp nhận tham gia vào cuộc hội đàm thượng đỉnh được sắp xếp một cách vội vàng, muốn thể hiện rằng không giống người tiền nhiệm, một mình ông có thể làm nên lịch sử và vượt qua thất bại hàng thập kỷ trong việc tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên”, Aaron David Miller nhận định.
Ông Aaron David Miller đến từ Viện nghiên cứu Woodrow Wilson. Ảnh: CNN.
Giáo sư khoa học chính trị Katharine Moon tại Đại học Wellesley nhận định cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa qua không ấn tượng. Tuyên bố chung được ký kết không có một lời cam kết thực sự của cả hai bên.
Theo Katharine, Hội nghị thượng đỉnh lần này chưa mang lại chính sách hay chiến lược cụ thể nào về “quỹ đạo” hòa bình, phi hạt nhân hóa và phát triển ở Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp lần này, Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định đáng kinh ngạc là sẽ chấm dứt các cuộc tập trận quân sự với đồng minh lâu năm của Hàn Quốc. Và có lẽ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có khoảng thời gian tuyệt vời để khám phá đất nước Singapore xinh đẹp và phát triển. Điều này sẽ thúc đẩy ông Kim theo đuổi chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ngừng tập trung vào sức mạnh quân sự như trước đây.

Mời độc giả xem video: Phái đoàn Mỹ-Triều hội đàm song phương tại khách sạn Capella (Nguồn: Straits Times/Youtube)

YJ Fischer, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, cho rằng thỏa thuận chung với Triều Tiên của Tổng thống Trump có thể không được như thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Mặc dù cuộc gặp của Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra rất ấn tượng nhưng rõ ràng không sâu sắc. Theo Fischer, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều vẫn cần phải nhất trí về các nguyên tắc giải trừ vũ khí hạt nhân, lập thời gian biểu để thực hiện và đưa ra những biện pháp xác minh cụ thể.
Có thể nói, cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim là một bước tiến quan trọng, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu trong cả quá trình dài và những bước đi tiếp theo sẽ còn quan trọng hơn.
Thiên An