Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga

Google News

(Kiến Thức) - Mối quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga đã được thử thách qua nhiều giai đoạn lịch sử. Và cho đến nay, tình hữu nghị giữa hai nước vẫn vô cùng tốt đẹp.

Tình anh em hữu nghị Xô - Việt
Ngày 30/1/1950, Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Khi đó, Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước sau này.
Trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính phủ và nhân dân Liên Xô. Không chỉ là sự giúp đỡ về tiền bạc, các chuyên gia Liên Xô còn sang tận nơi giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.
Sau chiến tranh, nhân dân Liên Xô tiếp tục giúp Việt Nam khôi phục và xây dựng lại toàn bộ các cơ sở công nghiệp.
Nhin lai chang duong phat trien quan he Viet Nam – Lien bang Nga
Các chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam trên công trường nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Infonet.
Theo một nghiên cứu do Thư viện Quốc hội Nga (Library of Congress) công bố, các khoản viện trợ kinh tế của Liên Xô cho Việt Nam rơi vào khoảng 700 triệu đến 1 tỷ USD trong năm 1978. Đến giữa những năm 1980, dù phải đối mặt với nhiều vấn đề, Liên Xô vẫn dành cho Việt Nam khoản viện trợ 1 tỷ USD hàng năm.
Ngày 25/12/1991, Liên Xô tan rã. Việt Nam tuyên bố công nhận Nga là quốc gia kế tục Liên Xô và mối quan hệ ltiếp tục được tạo dựng giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Quan hệ Việt Nam – Liên Bang Nga
Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được coi trọng và ngày càng phát triển một cách toàn diện.
Tháng 6/1994, nhân chuyến thăm chính thức Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai nước đã ký “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị”, từ đó mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Nga và Việt Nam.
Tháng 8/1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Liên bang Nga. Hai bên khẳng định sự mong muốn phát triển quan hệ song phương và đã ký Tuyên bố chung Nga-Việt. Lần đầu tiên, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á.
Nhin lai chang duong phat trien quan he Viet Nam – Lien bang Nga-Hinh-2
Chủ tịch nước Trần Đức Lương (trái) và Tổng thống Nga Boris Yeltsin trong lễ ký kết hồi tháng 8/1998. Ảnh: AP.
Mối quan hệ Nga-Việt tiếp tục phát triển sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền năm 2000.
Trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Vladimir Putin đến Việt Nam từ ngày 28/2 đến 2/3/2001, hai bên đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, nghị định thư liên chính phủ về việc rà soát cơ sở điều ước-pháp lý và hiệu lực các hiệp ước và hiệp định song phương cùng nhiều văn kiện ngành khác. Đó một cơ sở pháp lý đồ sộ cho sự phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong giai đoạn mới.
Nhin lai chang duong phat trien quan he Viet Nam – Lien bang Nga-Hinh-3
Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng duyệt đội danh dự ngày 1/3/2001 trong lễ đón nhà lãnh đạo Nga tại Việt Nam. Ảnh: Kremlin.ru.
Tháng 7/2012, chuyến thăm Nga lịch sử của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giúp nâng tầm quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện qua Tuyên bố chung.
Nhin lai chang duong phat trien quan he Viet Nam – Lien bang Nga-Hinh-4
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay Tổng thống Putin tại thủ đô Moscow, Nga, ngày 27/7/2012. Ảnh: RIA Novosti.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và những lần thăm Việt Nam
Trên cương vị Tổng thống Nga, ông Putin đã nhiều lần đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Putin diễn ra từ ngày 28/2 đến 2/3/2001, với việc ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cùng nhiều văn kiện quan trọng khác.
Tiếp đến, vào tháng 11/2006, Tổng thống Putin dự Hội nghị APEC 14 được tổ chức tại Hà Nội và thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông Putin đã có nhiều cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Được biết, nhiều thỏa thuận hợp tác về ngân hàng, dầu khí, du lịch giữa hai nước đã được ký kết sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Chuyến thăm ngày 12/11/2013 là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin kể từ sau khi ông tái nhậm chức Tổng thống Nga từ tháng 5/2012. Trong lần hội đàm này, lãnh đạo hai nước thảo luận về việc mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại- kinh tế, đầu tư và văn hóa,…
Mới đây, ngày 10/11/2017, chuyên cơ chở Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến sân bay Đà Nẵng, mở đầu cho những hoạt động của ông tại Tuần lễ Cấp cao APEC. Ông Putin sẽ tham dự các cuộc gặp trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và gặp gỡ song phương bên lề.
Nhin lai chang duong phat trien quan he Viet Nam – Lien bang Nga-Hinh-5
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, đón Tổng thống Putin tay sân bay Đà Nẵng ngày 10/11. 
Nga hỗ trợ Việt Nam 5 triệu USD khắc phục hậu quả bão Damrey
Trước khi tới Việt Nam, ngày 7/11, Tổng thống Nga Putin đã chỉ đạo nội các triển khai trợ giúp Việt Nam số tiền 5 triệu USD để khắc phục thiệt hại do cơn bão Damrey gây ra trong những ngày qua, cùng 40 tấn hàng viện trợ nhân đạo.
Và đến 0h gày 9/11, vận tải cơ IL-76 của Nga mang theo 40 tấn hàng viện trợ cho những người dân miền Trung Việt Nam bị ảnh hưởng bởi bão Damrey đã đáp xuống sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa).
Hành động tương trợ của nước Nga và Tổng thống Putin lại là một minh chứng nữa cho tình hữu nghị tốt đẹp Việt- Nga.
Nhin lai chang duong phat trien quan he Viet Nam – Lien bang Nga-Hinh-6
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ Tổng thống Nga Putin trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng chiều 10/11. Ảnh: Baochinhphu.vn
Có thể thấy, quan hệ giữa Việt Nam và Nga không ngừng được đẩy mạnh trong những năm qua, về cả quan hệ kinh tế, thương mại cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kỹ thuật quân sự, văn hóa, giáo dục, khoa học và thể dục thể thao,… Mối quan hệ tốt đẹp ấy được xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển trên nền tảng của tình hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc và đã được thời gian kiểm chứng.
Thiên An (T.H)